Giao dịch chứng khoán sáng 23/9: Thị trường giật lùi, nhóm cổ phiếu bảo hiểm dậy sóng

Trong khi áp lực bán có phần chiếm ưu thế và các nhóm trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều điều chỉnh nhẹ, thì nhóm cổ phiếu bảo hiểm lại ngược dòng tăng mạnh và tỏa sáng.

Chỉ số VN-Index đã có phiên test vùng hỗ trợ tâm lý quanh 1.200 điểm thành công, tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể và biến động ở mức thấp, dưới mức trung bình 20 phiên gần đây, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đang ở mức cao.

Về góc nhìn kỹ thuật, tại khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã tạo phân kỳ dương 2 đáy. Tuy nhiên tại khung đồ thị ngày, các chỉ báo này vẫn đang cho tín hiệu tiêu cực. Do đó, trong các phiên tới, VN-Index có thể hồi kỹ thuật nhưng vẫn sẽ rung lắc để tìm điểm cân bằng.

Trong khi đó, ở thị trường quốc tế, Fed đã nâng lãi suất thêm 0,75% và báo hiệu duy trì chính sách thắt chặt dài hơn so với dự báo của thị trường, làm dấy lên lo ngại về sự biến động mạnh hơn nữa trong giao dịch cổ phiếu và trái phiếu. Kết thúc phiên 22/9, hầu hết các chỉ số đều mất điểm

Quay lại với diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên sáng cuối tuần ngày 23/9, chỉ số VN-Index mở cửa đi ngang ở vùng giá tham chiếu trong bối cảnh chung thận trọng cao độ.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, thị trường phân hóa mạnh và chỉ số VN-Index vẫn trong trạng thái điều chỉnh nhẹ và trụ vững trên mốc 1.210 điểm sau thời gian rung lắc đầu phiên.

Đáng chú ý, trong khi sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn với các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều giảm nhẹ, thì nhóm cổ phiếu bảo hiểm lại trở thành điểm sáng, lội ngược dòng khá ngoạn mục và là nhóm ngành tăng mạnh nhất.

Bên cạnh BVH tăng mạnh mẽ trên 5%, thì các mã khác trong ngành như BMI tăng 3,83%, MIG tăng 4,7%, VNR tăng 4,9%, ABI tăng 2,43%, PVI và BIC đều tăng hơn 1%. Trong đó, BVH giao dịch sôi động thuộc top cổ phiếu giao dịch sôi động của thị trường.

Tuy nhiên, thanh khoản vẫn là điều đáng nói. Tâm lý nhà đầu tư chưa được cởi bỏ khiến giao dịch khá nhỏ giọt. Hiện tổng giá trị trên thị trường chưa tới 2.500 tỷ đồng và chỉ có duy nhất HAG khớp hơn chục triệu đơn vị.

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bảo tiếp tục ngược dòng ngoạn mục, tăng tốc mạnh và trở thành má phanh tốt ngăn thị trường bớt giảm sâu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 189 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index giảm 5,66 điểm (-0,47%), xuống 1.209,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 244,59 triệu đơn vị, giá trị 5.412,85 tỷ đồng, tăng 17,56% về khối lượng và 6,22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,19 triệu đơn vị, giá trị 525,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi ghi nhận 24 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng cùng 2 mã đứng giá tham chiếu.

Trong đó, đại diện đầu ngành bảo hiểm – BVH dù không giữ được sắc tím nhưng là mã tăng tốt nhất khi chốt phiên tăng 6,2% lên 58.600 đồng/CP, cùng thanh khoản bùng nổ, gấp hơn 3,5 lần so với mức trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây, đạt hơn 3,41 triệu đơn vị.

Ngoài BVH, các mã khác là GAS, SAB, KDH tăng nhẹ trên dưới 1%; cùng GVR và HPG đứng giá tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, các mã giảm điểm trong biên độ không quá lớn, chỉ trên dưới 1%, với VCB dẫn đầu khi để mất 1,8%; tiếp theo là VIC và VJC cùng mất 1,6%.

Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu của bầu Đức tiếp tục là tâm điểm đáng chú ý. Lực cầu mạnh mẽ đã giúp HAG có thời điểm áp sát mức giá trần và chốt phiên hạ độ cao khi tăng 3,6% lên mức 14.350 đồng, nhưng thanh khoản vẫn sôi động trượt trội trên thị trường, đạt 23,45 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm bất động sản có màn lội ngược dòng ngoạn mục khi tiếp tục tăng tốc về cuối phiên. Cụ thể, ngoài BVH, các mã khác như BMI và MIG đều tạm dừng phiên sáng nay ở mức giá trần, BIC tăng 4,3%, PVI tăng 4,62%, VNR tăng 8,24%, ABI tăng 2,65%, AIC tăng 4,67%, PGI tăng 3,35.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần tiêu cực hơn khi sắc đỏ gần như phủ kín toàn ngành. Ngoại trừ MSB và SHB đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm với biên độ trên dưới 1%.

Nhóm chứng khoán phân hóa nhẹ với các mã lớn đầu ngành đều trong trạng thái điều chỉnh nhẹ như HCM, SSI, VND, VCI giảm chưa tới 1%.

Tương tự, ở nhóm bất động sản, các mã lớn như VIC và VHM đều mất hơn 1%; các mã khác như NVL, BCM, PDR, DIG, DXG… cũng quay đầu điều chỉnh nhẹ. Cặp VCG và LCG chỉ giữ được sắc xanh nhạt và đều có thanh khoản tốt, cùng đạt hơn 5 triệu đơn vị. Trong khi đó, một số mã nhỏ như PTL, C47, TEG chốt phiên tăng kịch trần.

Trên sàn HNX, nhóm bluechip vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng, tuy nhiên, ảnh hưởng tâm lý chung của thị trường, chỉ số HNX-Index không giữ được mức giá cao nhất trong phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 79 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 1,23 điểm (+0,46%) lên 266,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,42 triệu đơn vị, giá trị 571,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chưa tới 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đại diện nhóm cổ phiếu bảo hiểm – VNR dẫn đầu mức tăng trong nhóm HNX30, một số mã lớn khác cũng hỗ trợ tốt cho xu hướng thị trường như NVB tăng 4,2%, IDC tăng 1,9%, HUT, THD, NTP đều tăng nhẹ.

Trong khi đó, 12 mã mất điểm trong rổ danh mục này có mức giá không quá lớn, trong đó TIG giảm sâu nhất là 1,6%; tiếp theo MBS, TAR, PLC giảm hơn 1%; còn lại chỉ giảm trên dưới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp BII và AMV là tâm điểm đáng chú ý khi đều chốt phiên trong sắc tím, trong đó BII dẫn đầu thanh khoản khi khớp 3,31 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,6 triệu đơn vị; trong khi AMV khớp 2,22 triệu đơn vị và dư mua trần 0,32 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, bên cạnh bảo hiểm, nhóm cổ phiếu khai khoáng cũng hồi phục khá tốt. Đáng chú ý, PVS sau khi mở cửa giảm sàn đã bật ngược đi lên và có thời điểm le lói sắc xanh trước khi chốt phiên ở mốc tham chiếu, PVC tăng 2,9% lên 21.100 đồng/CP, PVB tăng 6,8% lên 20.400 đồng/CP.

Cổ phiếu lương thực TAR sau khi nổi sóng cùng nhóm ngành trong ngành hôm qua cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt do áp lực bán gia tăng. Chốt phiên, TAR giảm 1,1% xuống 28.200 đồng/CP và khớp gần 0,8 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường rung lắc và may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index nhích nhẹ 0,03 điểm (+0,03%) lên 88,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,86 triệu đơn vị, giá trị 320,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị hơn 5 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR cũng có phiên tăng tốt khi tạm dừng phiên sáng ở mức giá 23.000 đồng/CP, tăng 3,6% với khối lượng giao dịch đạt hơn 5 triệu đơn vị. Trong khi đó, OIL tăng 2,5% lên 12.200 đồng/CP và khớp gần nửa triệu đơn vị.

Bên cạnh BSR, trong top 5 thanh khoản tốt nhất thị trường hầu hết cũng khởi sắc như C4G tăng 4,3% lên 14.600 đồng/CP và khớp 3,43 triệu đơn vị, PVX tăng 2,4% lên 4.200 đồng/CP và khớp 1,6 triệu đơn vị, DCS tăng 7,1% lên 1.500 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Ngoại trừ duy nhất LCM mất điểm. Đáng chú ý là dù mở cửa tăng kịch trần nhưng áp lực bán mạnh mẽ khiến LCM chốt phiên giảm 14,8% xuống mức giá sàn 4.600 đồng/CP và khớp xấp xỉ 1,6 triệu đơn vị.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-23-9-thi-truong-giat-lui-nhom-co-phieu-bao-hiem-day-song-post306300.html