Giao dịch chứng khoán sáng 24/7: 'Đe dọa' mốc 1.220 điểm, dòng bank vẫn là tâm điểm của thị trường
Áp lực bán mạnh lan rộng đã khiến VN-Index 'đe dọa' mốc 1.220 điểm, tuy nhiên tại đây lực cầu đã được kích hoạt giúp chỉ số chung bật hồi. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm và lực đỡ chính của thị trường,
Thị trường vừa trải qua 3 phiên giảm khá mạnh liên tiếp, đẩy chỉ số VN-Index về mức thấp nhất trong hơn 2 tháng, xuống sát mốc 1.230 điểm với diễn biến lực cầu tham gia khá yếu khi dòng tiền chủ yếu đứng ngoài theo dõi.
Về xu hướng kỹ thuật, chỉ báo RSI và MACD đều đang hướng xuống và giảm dưới đáy cũ, cho thấy rủi ro ngắn hạn đã gia tăng, thị trường đã bước vào nhịp điều chỉnh và chưa thể tìm lại được điểm cân bằng.
Theo SHS, trong ngắn hạn, xu hướng trở nên tiêu cực hơn khi VN-Index không giữ được vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.250 điểm và chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.200-1.220 điểm, tương ứng vùng giá trung bình 200 phiên cũng như vùng giá cao nhất năm 2018, đây cũng là vùng giá trung bình trong 05 năm qua.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 24/7, VN-Index khá nỗ lực để tìm sự cân bằng và đã có những nhịp bật hồi nhẹ, tuy nhiên áp lực bán thường trực khiến thị trường khó tiến xa.
Sau khoảng 1 giờ rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu, áp lực bán dần lấn át và mạnh dần lên đã khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index ngày càng giảm sâu. Toàn thị trường chỉ còn hơn trăm mã giữ được sắc xanh, trong số mã giảm điểm gấp tới 4-5 lần. Trong đó, duy chỉ còn nhóm sản xuất nhựa – hóa chất tăng nhẹ 0,2%, còn lại đều giảm khá mạnh, đáng kể là nhóm chứng khoán giảm tới 3,5%.
Mốc 1.220 điểm hiện đang đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ cho thị trường, khi VN-Index tiệm cận vùng giá này, lực cầu đã nhập cuộc giúp chỉ số chung bật hồi đôi chút. Tuy nhiên, diễn biến này chưa đủ để giúp thị trường sớm lấy lại được cân bằng, bởi áp lực bán khá lớn vẫn luôn thường trực và dòng tiền vẫn chưa cho thấy dấu hiệu mạnh mẽ.
Mặc dù lực cầu khá tích cực giúp VN-Index bật hồi khoảng 15 điểm và le lói sắc xanh, nhưng áp lực bán thường trực trên diện rộng đã khiến chỉ số chung chưa thể thoát khỏi trạng thái điều chỉnh.
Chốt phiên, sàn HOSE có 114 mã tăng và 289 mã giảm, VN-Index giảm 2,53 điểm (-0,21%), xuống 1.229,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 421,8 triệu đơn vị, giá trị 10.216,9 tỷ đồng, gấp đôi cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 58,1 triệu đơn vị, giá trị 1.247,4 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn giao dịch chủ yếu trong sắc đỏ với 18 mã giảm và 8 mã tăng, chốt phiên chỉ số nhóm này giảm gần 6 điểm. Trong đó, mã chứng khoán SSI vẫn giảm mạnh nhất khi để mất 3,8%, tiếp theo là MWG giảm 3,5% và BVH giảm 2,9%; ngược lại, GVR tăng tốt nhất đạt 3,4%, tiếp theo là POW tăng 2,3%, còn lại tăng giảm trên dưới 1%.
Xét về nhóm ngành, nhóm sản xuất nhựa – hóa chất vẫn tăng tốt nhất, đạt hơn 2%, với sự đóng góp chính của DGC tăng 1,38%, DCM tăng 1,28%, CSV tăng 5,75%, GVR tăng 3,43%...
Các nhóm có được sắc xanh còn lại đều tăng chưa tới 1%, trong đó đáng chú ý là dòng bank cũng hồi phục thành công dù mức tăng khá hạn chế và đây vẫn là điểm đến chính của dòng tiền. Trong đó, SSB tăng tốt nhất ngành, đạt 1,63%, còn lại VPB, VCB, TPB, BID tăng nhẹ trên dưới 0,5%. Cổ phiếu MBB chốt phiên giảm nhẹ 0,2% với thanh khoản sôi động nhất dòng bank, đạt 16,23 triệu đơn vị.
Trái lại, nhóm chứng khoán vẫn thuộc top đầu giảm điểm dù biên độ giảm thu hẹp. Trong đó, TVS và FTS là 2 mã ngược dòng thành công với biên độ tăng nhẹ quanh mức 0,5%; ngược lại SSI giảm 3,8% và có giao dịch tốt nhất nhóm, đạt xấp xỉ 15 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo và HNX-Index tiếp tục có thêm phiên giảm điểm.
Chốt phiên, sàn HNX có 45 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 1,57 điểm (-0,67%), xuống 233,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,46 triệu đơn vị, giá trị 619 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,65 triệu đơn vị, giá trị 157,8 tỷ đồng.
Cặp đôi chứng khoán SHS và MBS cũng thu hẹp biên độ giảm, chốt phiên tương ứng giảm 1,8% và 0,7%, với thanh khoản dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt 7,33 triệu đơn vị và 2,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, những mã có giao dịch sôi động khác như CEO tăng 0,6%, TNG tăng 1,3%, PVS đứng giá tham chiếu, với thanh khoản đạt 1-2 triệu đơn vị.
Điểm sáng cũng là mã thuộc nhóm phân bón hóa chất, với LAS chốt phiên tăng 5,3% lên mức 24.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt gần 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, biên độ có thu hẹp đôi chút và UPCoM-Index vẫn ghi nhận thêm phiên đỏ điểm.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,62 điểm (-0,65%), xuống 93,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,12 triệu đơn vị, giá trị 359 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,3 triệu đơn vị, giá trị 37,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR giao dịch tốt nhất thị trường, đạt 4,11 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2,8% xuống mức 21.200 đồng/CP.
Trong khi đó, VGI có thời điểm nằm sàn và chốt phiên giảm 6,8% xuống mức 68.600 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt hơn 3 triệu đơn vị.