Giao dịch chứng khoán sáng 25/12: Thị trường khởi sắc, cổ phiếu thép 'nóng' trở lại
Sau 4 phiên liên tiếp nhích nhẹ, thị trường đã bật tăng khá tốt trong phiên sáng 25/12 với sắc xanh tràn ngập bảng điện tử. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép đang là tâm điểm đáng chú ý của thị trường.
Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm mạnh, trong đó điểm nhấn là chỉ số VN-Index đã test ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.080 điểm rồi zích zắc đi lên để lấy lại mốc 1.100 điểm.
Đối với các chỉ báo kỹ thuật, Fibonacci, MACD và RSI cũng không khác biệt so với tuần trước đó, khi giá gần như đi ngang và các chỉ báo tiếp tục phản ánh tình trạng này. Với chỉ số nằm trong dải Fibonacci 61,8% đến 50%, MACD duy trì trạng thái âm và nằm dưới đường Signal cả tuần qua, RSI không có nhiều biến động khi chỉ ghi nhận quanh mức 45.
Điểm yếu của thị trường là việc thiếu vắng sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn, khiến thanh khoản khó có sự đột biến - tín hiệu dòng tiền lớn luôn kỳ vọng mỗi khi cơ hội hồi phục quay trở lại với thị trường. Ngoài ra, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, nâng tổng giá trị bán ròng trong năm nay lên tới gần 23.000 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu sẽ mua ròng trở lại.
Do đó, trong tuần cuối cùng để kết thúc năm 2023, thị trường được dự báo khó có đột biến, kịch bản chính vẫn là chỉ số VN-Index đi ngang trong vùng 1.080-1.130 điểm và dòng tiền sẽ tiếp tục vận động luân chuyển qua các nhóm ngành.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 25/12, mặc dù dòng tiền vẫn tham gia khá yếu, nhưng sắc xanh lan rộng bảng điện tử, trong đó phần lớn các cổ phiếu bluechip đều khởi sắc, đã giúp VN-Index tiếp tục tiến bước.
Đà tăng được nới rộng hơn khi thị trường bước sang đợt khớp lệnh liên tục. Sau gần 90 phút mở cửa, khi gần như toàn bộ các cổ phiếu trong rổ VN30 đều có được sắc xanh, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng vượt qua mốc 1.110 điểm.
Hầu hết các nhóm ngành đều đang tăng điểm, ngoại trừ một số nhóm nhỏ lẻ như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí và sản xuất thiết bị, máy móc với mức giảm đều chưa tới 0,5%. Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều tăng nhẹ.
Điểm đáng chú ý chính là nhóm cổ phiếu thép. Như các chuyên gia đã phân tích ở “Góc nhìn chuyên gia tuần mới”, nhóm cổ phiếu thép đang có triển vọng khá tích cực khi giá thép trong nước thời gian gần đây liên tục được điều chỉnh tăng, bên cạnh nhu cầu thép toàn cầu cũng tăng mạnh.
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Cơ hội nhóm cổ phiếu thép
Hiện cổ phiếu HPG đang tăng trên dưới 2% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt xấp xỉ 10 triệu đơn vị. Trong khi đó, HSG tăng 3% và khớp lệnh đứng thứ 3 thị trường với hơn 5,8 triệu đơn vị; còn NKG tăng 2,5% và khớp 3,86 triệu đơn vị. Ở top cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn, cổ phiếu POM đang giao dịch quanh mức giá trần.
Thị trường hạ độ cao đôi chút về cuối phiên nhưng vẫn xác nhận là phiên tăng tốt nhất trong gần 3 tuần (từ phiên 6/12), nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ so với phiên trước đó.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 373 mã tăng và 80 mã giảm, VN-Index tăng 9,24 điểm (+0,84%), lên 1.112,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 285,7 triệu đơn vị, giá trị 6.108,33 tỷ đồng, tăng 25% về khối lượng và 15,89% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 22/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,7 triệu đơn vị, giá trị 529,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn tích cực khi chỉ có duy nhất BCM giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm 1% cùng 2 mã là GVR và HDB đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc, trong đó MSN tăng tốt nhất là 3,2%, đã đóng góp hơn 0,72 điểm cho chỉ số chung.
Ngoài ra, các mã VNM, VCB và HPG đều đóng góp hơn 0,5 điểm cho chỉ số chung. Chốt phiên, chỉ số nhóm này tăng gần 12 điểm và tạm dừng sát mốc 1.110 điểm.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG tiếp tục giữ nhiệt sôi động với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 16 triệu đơn vị. Sáng nay, có thời điểm HAG vượt mức giá 14.000 đồng/CP và tạm dừng phiên sáng nay tăng 2,2% lên mức 13.800 đồng/CP.
Xét về nhóm ngành, cùng diễn biến khởi sắc chung của thị trường, tất cả các nhóm ngành đều tạm chốt phiên sáng nay trong sắc xanh. Trong đó, nhóm thực phẩm đồ uống với sự đóng góp của các mã lớn như MSN tăng 3,17%, SAB tăng 2,44%, BHN tăng 3,23%, VNM tăng 1,63%..., đã trở thành nhóm tăng tốt nhất thị trường.
Đứng ở vị trí thứ 2 là nhóm bán lẻ, trong đó MWG tăng hơn 2%, PNJ và FRT cùng tăng hơn 1,3%...
Ở nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, tất cả các mã đều giao dịch trên mốc tham chiếu, nhưng biên độ tăng còn khá hẹp chỉ trên dưới 1%, khiến thị trường thiếu động lực để bứt tốc.
Nhóm cổ phiếu thép có chút hạ nhiệt nhưng vẫn là điểm sáng thị trường, với HPG tăng 1,3% và khớp lệnh 13,13 triệu đơn vị, HSG tăng 2,8% và khớp 6,87 triệu đơn vị, NKG tăng 1,9% và khớp 5,25 triệu đơn vị, POM tăng 6,5% lên sát trần và khớp 3,91 triệu đơn vị…
Các cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau khởi sắc, trong đó bộ 3 cổ phiếu VIX, SSI, VND đều thuộc top 5 mã thanh khoản tốt nhất thị trường, chốt phiên tăng trên dưới 1%.
Trên sàn HNX, sau chút giằng co nhẹ vào đầu phiên, thị trường cũng đã khởi sắc trở lại.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 53 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,03%), lên 228,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 37,48 triệu đơn vị, giá trị 723,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 21 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng là động lực chính trên thị trường với sắc xanh chiếm áp đảo là 19 mã, trong khi chỉ còn 2 mã mất điểm là DVM và CAP cùng giảm nhẹ chưa tới 1%.
Trong đó, các cổ phiếu chứng khoán trong rổ này đều tăng nhẹ, với VIG, PSI tăng hơn 1%, SHS tăng 0,5% và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với 6,29 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra, CEO, TIG, HUT, PVS, TNG đều tăng trên dưới 1% và thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thép, VGS vẫn khởi sắc dù biên độ đã thu hẹp, chốt phiên tăng 2,6% với khối lượng giao dịch đạt 0,66 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường giao dịch khởi sắc trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (+0,37%) lên 85,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,42 triệu đơn vị, giá trị đạt 235 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm triệu đơn vị, giá trị tỷ đồng.
Toàn thị trường không có mã nào có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, cổ phiếu BSR vẫn sôi động nhất với chỉ 0,83 triệu đơn vị giao dịch thành công, chốt phiên sáng đứng giá tham chiếu 18.400 đồng/CP.
Điểm sáng vẫn là VTP với chuỗi ngày tăng giá kéo dài sau thông tin được HOSE chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE. Tạm chốt phiên sáng, VTP tăng 5,5% lên 53.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua BSR, đạt 0,77 triệu đơn vị.