Giao dịch chứng khoán sáng 3/2: VN-Index thử thách mốc 1.250, dòng tiền sôi động 'tìm lộc' đầu năm
Áp lực bán trên diện rộng đã khiến chỉ số Vn-Index thử thách mốc 1.250 điểm, tuy nhiên, thanh khoản khá sôi động bởi tâm lý nhà đầu tư giao dịch 'tìm lộc' đầu năm.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán thường có xu hướng tăng nhờ tâm lý tích cực và kỳ vọng vào năm mới. Tuy nhiên, mở cửa phiên khai Xuân Ất Tỵ, ngày 3/2/2025, chứng khoán Việt có diễn biến không như kỳ vọng.
Thị trường mở cửa chìm trong sắc đỏ khi áp lực bán lan rộng bảng điện tử. Chỉ số VN-Index đã đảo chiều giảm khá mạnh sau 2 phiên tăng liên tiếp cuối cùng của năm Giáp Thìn.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, nhóm bluechip tiếp tục gia tăng sức ép, đã đẩy VN-Index về mốc 1.250 điểm. Điểm tích cực chính là thanh khoản thị trường cải thiện bởi tâm lý nhiều nhà đầu tư “mở hàng” khai Xuân.
Trong bối cảnh các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán đồng loạt điều chỉnh giảm, nhóm cổ phiếu công nghệ giảm sâu nhất, dòng tiền vẫn “ưu ái” đối với các cổ phiếu vừa và nhỏ. Điển hình như PTl, QCG sớm tìm sắc tím, một số mã khác như BCG tăng 3,1%, YEG, VCG, HHV… đều tăng hơn 1%...
Điểm sáng là cặp đôi GEX – GEE. Trong đó, GEE mở cửa tăng kịch trần và hiện đang dư mua trần gần 1 triệu cổ phiếu, còn GEX tăng trên dưới 4% với thanh khoản chỉ thua SHB với gần 7,5 triệu đơn vị khớp lệnh…
Lực cầu tham gia sôi động đã giúp nhiều cổ phiếu lớn bé đảo chiều hồi phục và chỉ số VN-Index thu hẹp đà giảm điểm sau khi thủng mốc 1.250 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 156 mã tăng và 293 mã giảm, VN-Index giảm 9,57 điểm (-0,76%) xuống 1.255,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 305,6 triệu đơn vị, giá trị 7.785,3 tỷ đồng, tăng mạnh gần 86% về khối lượng và tăng hơn gấp đôi về giá trị so với phiên sáng cuối năm Giáp Thìn (ngày 24/1). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18 triệu đơn vị, giá trị 604 tỷ đồng.
Nhóm VN30 dù thu hẹp biên độ nhưng vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi chốt phiên giảm gần 18,5 điểm khi có tới 24 mã giảm và chỉ 6 mã tăng. Trong đó, GVR tăng mạnh nhất là 3%, tiếp theo SHB tăng 1,5% với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường đạt hơn 13,1 triệu đơn vị khớp lệnh, còn CTG, BCM, BVH, MSN tăng nhẹ chưa tới 0,5%.
Ngược lại, mã lớn nhóm công nghệ là FPT vẫn giảm mạnh nhất là 4%, đã lấy đi hơn 2,1 điểm của chỉ số chung với khối lượng khớp lệnh đạt gần 7 triệu đơn vị, đồng thời, mã này cũng bị khối ngoại bán mạnh hơn 2,1 triệu đơn vị. Ngoài ra, SSB giảm 2,4%, VNM giảm 2,1%, MWG giảm 1,8%, VIB giảm 1,7%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã DLG, TNT, QCG đều chốt phiên trong sắc tím với khối lượng dư mua trần khá lớn; cặp đôi GEE – GEX vẫn tích cực khi lần lượt tăng kịch trần và tăng 3,7%, trong đó GEE dư mua trần gần 1 triệu đơn vị, còn GEX thuộc top 3 mã có thanh khoản lớn nhất thị trường với gần 10,5 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, với diễn biến thiếu tích cực của FPT, nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn giảm mạnh nhất thị trường khi có thêm CMG giảm 3,7%, CTR giảm 3,72%, VGI, ELC đều giảm hơn 1%...
Trên sàn HNX, sau hơn nửa đầu phiên rung lắc và liên tục đổi sắc, thị trường đã đảo chiều khởi sắc thành công.
Chốt phiên, sàn HNX có 70 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,24%) lên 223,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,66 triệu đơn vị, giá trị 422,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có hơn 3,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS hồi phục thành công khi chốt phiên tăng 0,8% với thanh khoản vượt trội, đạt gần 11,3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tiếp theo đó, cặp đôi CEO và VGS có thanh khoản 1,5 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt tăng nhẹ 0,8% và tăng kịch trần 10%.
Một mã vừa và nhỏ đáng chú ý khác là DDG, chốt phiên tăng 7,4% lên mức giá trần 2.900 đồng/CP và khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị, cùng khối lượng dư mua trần 0,25 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng hồi phục sắc xanh sau hơn nửa đầu phiên giằng co quanh mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,13%), lên 94,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24 triệu đơn vị, giá trị 285 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 9,5 tỷ đồng.
Tâm điểm của thị trường là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, HNG giảm 7,3% với khối lượng giao dịch dẫn đầu, đạt 3,97 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, BVB tăng 8% và khớp 3,95 triệu đơn vị, BCR tăng 7,1% và khớp 2,48 triệu đơn vị, BOT tăng 13% và khớp 1,78 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.