Giao dịch chứng khoán sáng 30/9: Thị trường tiếp tục giảm mạnh

Áp lực bán trên diện rộng gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường tiếp tục chứng kiến thêm một phiên giảm sâu, trong đó, chỉ số VN-Index lùi về dưới mốc 1.110 điểm.

Thị trường đang trải qua những chuỗi ngày u ám khi các chỉ số chung liên tục có những phiên lao dốc mạnh. Chỉ trong nửa cuối tháng 9, chỉ số VN-Index đã bốc hơi gần 120 điểm, tương ứng giảm 9,6%, xác nhận thủng vùng đáy cũ vào tháng 7 quanh ngưỡng 1.140 điểm để tiếp tục dò đáy mới trong năm 2022 khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/9 tại mức giá 1.126 điểm.

Thêm vào đó, việc thanh khoản sụt giảm và rơi về dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất, cho thấy lực mua suy yếu và tâm lý nhà đầu tư vẫn bi quan về triển vọng kinh tế trong và ngoài nước.

Về góc nhìn kỹ thuật, sự tiêu cực được thể hiện ở tất cả các chỉ báo khi các đường tín hiệu đều hướng xuống vùng quá bán và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ báo ADX đã dâng lên mức rất cao gần 40 cùng với việc DI- tiến lên hơn 50, cho thấy nhịp giảm có thể sẽ còn tiếp diễn mạnh và thị trường chưa thể tìm lại được điểm cân bằng.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, phố Wall tiếp tục chứng kiến đà bán tháo và giảm mạnh vào thứ Năm (29/9), do lo ngại rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể gây khó khăn cho nền kinh tế Mỹ và khi các nhà đầu tư lo lắng về sự thay đổi của thị trường nợ và tiền tệ toàn cầu.

Ảnh hưởng tiêu cực từ quốc tế cùng tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn bi quan khiến thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng ngày cuối tuần 30/9 trong trạng thái ảm đạm, sắc đỏ gần như phủ kín bảng điện tử. Chỉ số VN-Index về dưới mốc 1.120 điểm với thanh khoản duy trì ở mức thấp.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, lực cầu cải thiện với tâm điểm hướng vào nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp nhiều mã trong rổ này hồi phục sắc xanh và trở thành động lực lan rộng ra thị trường. Bên cạnh chỉ số VN30 tăng nhẹ trở lại, chỉ số VN-Index cũng thu hẹp đà giảm đáng kể.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng cao độ khiến thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện và thị trường nhanh chóng quay đầu đi xuống.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh trong 30 phút cuối phiên khiến thị trường chứng kiến thêm một phiên giảm sâu. Các chỉ số đồng loạt tạm dừng phiên sáng ở vùng giá thấp nhất, trong đó VN-Index bay hơn 17 điểm và về dưới mốc 1.110 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 410 mã giảm (14 mã giảm sàn), gấp gần 10 lần số mã tăng (45 mã), VN-Index giảm 17,34 điểm (-1,54%) xuống 1.108,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 252,77 triệu đơn vị, giá trị 5.853,91 tỷ đồng, tăng 36% về khối lượng và 40,89% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,27 triệu đơn vị, giá trị 1.078,73 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng lùi sâu hơn với sự ghi nhận 21 mã giảm, trong đó phần lớn đều giảm hơn 1%. Cổ phiếu bất động sản KDH có thời điểm lùi về áp sát mức giá sàn, sau đó bật hồi chút ít và chốt phiên sáng vẫn là mã giảm sâu nhất khi để mất 4,7% xuống mức 27.600 đồng/CP.

Tuy nhiên, mã lớn bất động sản VHM mới là gánh nặng chính khi chốt phiên sáng nay giảm 3,5% xuống mức giá thấp nhất trong phiên và cũng là vùng đáy của hơn 2 năm, đứng tại 49.000 đồng/CP.

Trái lại, sau pha lao dốc mạnh ngày hôm qua, cổ phiếu khác nhà Vingroup là VIC đã hồi phục trong sáng nay. Tạm chốt phiên sáng, VIC tăng 2,2% lên mức 55.800 đồng/CP.

Ngoài VIC, cổ phiếu bluechip khác cũng chốt phiên có được sắc xanh là MSN chốt phiên tăng 2,8%, VJC tăng 1,1%, cùng các mã ACB, SAB, CTG, VRE, FPT nhích nhẹ dưới 0,5%.

Xét về nhóm ngành, bên cạnh cổ phiếu lớn VHM, nhiều mã bất động sản vẫn trong trạng thái tiêu cực như HDG, VCG, DXS, SC5 tiếp tục tạm dừng phiên sáng nay ở mức giá sàn. Ngoài ra, DIG giảm 6,7% về sát giá sàn; FCN giảm 6,2%, CTD và HHV cùng giảm 5,7%; các mã LCG, ITA, HBC, NLG, DPG, DXG… đều giảm hơn 5%...

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, chỉ còn duy nhất FTS giữ được sắc xanh với mức tăng chưa đến 1%, còn lại đều lùi sâu, trong đó VND giảm 4% xuống mức 16.700 đồng/CP, SSI giảm 3,1% xuống 18.700 đồng/CP, HCM giảm 4,7% xuống 23.400 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng không khả quan hơn. Ngoại trừ ACB và CTG chốt phiên tăng chưa tới 0,5%, cùng STB đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm, với BID, MBB, MSB, EIB, TPB, LPB giảm hơn 2-3%...

Các nhóm cổ phiếu khác cũng trong xu hướng giảm mạnh của thị trường như nhóm cảng biển với HAH giảm sàn, MHC, VOS và PDN giảm hơn 6,3%; nhóm điện với PC1 giảm 5,9%, GEX giảm 5,8%...; hay thủy sản có AGM, IDI, ACL, ANV đều giảm hơn 5%.

Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và HNX-Index tiếp tục giảm sâu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX cũng chỉ có 22 mã tăng và có tới 155 mã giảm, HNX-Index giảm 5,42 điểm (-2,17%) xuống 243,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,98 triệu đơn vị, giá trị 518,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chưa tới 3 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 có duy nhất DDG có được sắc xanh với mức tăng chỉ 0,3%, còn lại đều giảm. Một số mã giảm sâu như TNG giảm 8,5%, các mã L14, CEO và L18 đều thoát nằm sàn nhưng chốt phiên vẫn giảm tới trên dưới 7,5%...

Đáng chú ý là pha bật hồi của HUT. Sau khi lao dốc giảm mạnh về nằm sàn, lực cầu tăng mạnh đã giúp HUT bật ngược về sát mốc tham chiếu khi chốt phiên chỉ còn giảm nhẹ 0,5%, đứng ở mức 21.400 đồng/CP.

Về thanh khoản, cổ phiếu chứng khoán SHS dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh hơn 3,61 triệu đơn vị, nhưng chốt phiên cũng giảm 2,9% xuống mức giá thấp nhất ngày.

Các mã thanh khoản tốt khác cũng đều mất điểm như PVS giảm 1,8% xuống 22.100 đồng/CP và khớp 2,24 triệu đơn vị, IDC giảm 3% xuống mức thấp nhất ngày 48.000 đồng/CP và khớp 2,22 triệu đơn vị, CEO khớp hơn 2 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, thị trường cũng trong xu hướng tiêu cực.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,37 điểm (-1,61%) xuống 83,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,35 triệu đơn vị, giá trị 240,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,19 triệu đơn vị, giá trị hơn 204 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR tiếp tục là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 3,24 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 5,8% xuống mức giá 19.500 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo là các mã nhỏ PVX, VHG và HVG đều khớp lệnh 1-1,5 triệu đơn vị, nhưng chốt phiên cùng trong xu hướng giảm mạnh trên dưới 10%, trong đó PVX nằm sàn.

Một số mã đáng chú ý khác cũng giảm sâu như PAS giảm 7,9% xuống mức giá thấp nhất ngày 7.000 đồng/CP, C4G giảm 6,3% xuống 11.800 đồng/CP, OIL giảm 4,4% xuống 10.800 đồng/Cp, CEN giảm 9,5% xuống 6.700 đồng/CP…

Trái lại, cổ phiếu LPT vẫn có những tín hiệu tích cực trước khi niêm yết trên sàn HOSE. Tạm chốt phiên sáng nay, LPT tăng 9,6% lên mức 12.600 đồng/CP và có thời điểm áp sát mức giá trần. Thanh khoản của LPT trong phiên sáng nay đạt gần 0,6 triệu đơn vị.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-30-9-thi-truong-tiep-tuc-giam-manh-post306824.html