Giao dịch T+0, giao dịch bán khống: Cơ hội để thị trường tạo 'cú hích' về thanh khoản

Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 203/2015/TT-BTC đã chính thức quy định chi tiết về giao dịch bán khống và giao dịch trong ngày. Theo các chuyên gia chứng khoán, đây sẽ là 'cú hích' giúp thị trường chứng khoán phát triển mạnh khi dự thảo này được thông qua.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Anh - Giám đốc vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

* PV: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư thay thế Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó có quy định về giao dịch trong ngày và giao dịch bán khống. Ông nhận định như thế nào về sự thay đổi này?

Ông Trần Đức Anh: Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 203 có nhiều điểm mới, trong đó quy định về giao dịch trong ngày (T+0) và giao dịch bán khống là hai điểm được thị trường đặc biệt quan tâm trong các năm gần đây. Do đó, dự thảo thông tư mới này đánh dấu cột mốc lần đầu tiên cho thấy cơ quan quản lý có sự thống nhất về mặt chủ trương để phát triển 2 cơ chế giao dịch này.

Tôi cho rằng, đây là bước phát triển quan trọng và tất yếu để TTCK Việt Nam tiệm cận với sự phát triển của các thị trường tiên tiến hơn trong khu vực, đẩy nhanh tiến trình nâng hạng và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Với việc đưa ra dự thảo thông tư mới này, cơ quan quản lý cũng cho thấy TTCK Việt Nam đã ở thời điểm chín muồi để xây dựng các cơ chế giao dịch phức tạp hơn.

Dĩ nhiên, chúng ta cần nhìn nhận thực tế về việc áp dụng dự thảo thông tư mới này là nếu được thông qua đối với 2 cơ chế giao dịch bán khống và T+0, cũng chỉ là bước đi đầu tiên về mặt chủ trương. Trên thực tế, chúng ta sẽ cần thêm một thời gian nữa để các công ty chứng khoán (CTCK), hay bản thân hệ thống giao dịch của 2 sở giao dịch chứng khoán được nâng cấp và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật. Khâu quản trị rủi ro ở các CTCK cũng cần có sự nâng cấp toàn diện, khi mà giao dịch bán khống và T+0 khiến vòng quay tiền và cổ phiếu tăng mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với hệ thống giao dịch T+2,5 hiện tại.

Bên cạnh đó, bản thân các nhà đầu tư cá nhân cũng nên có sự tìm hiểu, chuẩn bị và nắm bắt được những rủi ro khi việc cho phép bán khống và T+0 sẽ khiến thị trường biến động mạnh, đặc biệt ở chiều giá xuống khi các yếu tố rủi ro đột ngột gia tăng.

* PV: Tại nhiều nước trên thế giới, giao dịch trong ngày và giao dịch bán khống cũng đã được áp dụng từ lâu. TTCK đã trải qua 20 năm hình thành và phát triển, liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để TTCK Việt Nam có thể thực hiện những giao dịch mới này, thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Đối với nghiệp vụ bán khống, có thể nói là tương đối phổ biến ở các TTCK phát triển lâu đời, trên thực tế lại ít được áp dụng tại các thị trường cận biên và mới nổi. Thống kê từ báo cáo đánh giá phân loại thị trường hàng năm của MSCI cho thấy, toàn bộ 23 thị trường trong rổ cận biên (bao gồm cả Việt Nam) đều chưa có cơ chế bán khống, trong khi ở các thị trường mới nổi cũng đang có 13/27 thị trường chưa được áp dụng hoặc đã có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của MSCI và cần cải thiện mạnh.

Đối với giao dịch trong ngày, mặc dù không có số liệu cụ thể, quan sát của cá nhân tôi cho thấy đa số các TTCK hiện nay, bao gồm cả các thị trường phát triển hơn Việt Nam đều đang giao dịch T+2. Điều này cho thấy đây là các cơ chế giao dịch rất phức tạp và có thể còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa là chúng ta nên xây dựng 2 cơ chế giao dịch mới một cách thận trọng, chắc chắn từng bước một. Sau 20 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã phát triển vượt bậc về mọi mặt như thanh khoản, giá trị giao dịch, quy mô thị trường, số lượng nhà đầu tư tham gia, hạ tầng công nghệ và tính chuyên nghiệp… Bước đi tiếp theo về việc xây dựng các cơ chế giao dịch mới phức tạp hơn là xu hướng tất yếu và phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư trong nước, cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài.

* PV: Những điểm mới của dự thảo thông tư sẽ tạo ra cơ hội gì cho TTCK, thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Trước tiên, việc cho phép giao dịch bán khống, hay giao dịch T+0, dù không phải là các tiêu chí thiết yếu, cũng sẽ giúp cải thiện các đánh giá của MSCI và FTSE, đẩy nhanh quá trình nâng hạng của TTCK Việt Nam, qua đó giúp thu hút thêm sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, giao dịch trên thị trường sẽ sôi động hơn cả về thanh khoản, giá trị giao dịch và mức độ biến động khi mà nhà đầu tư có thể phản ứng nhanh hơn, đặc biệt khi thị trường xuất hiện các thông tin trái chiều.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, việc thị trường biến động mạnh hay nhà đầu tư có thể tích cực mua bán cổ phiếu hai chiều trong ngày cũng là “con dao hai lưỡi”, là cơ hội đi kèm với rủi ro. Nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm có thể dễ bị cuốn vào vòng xoáy lên xuống của thị trường, giao dịch liên tục trong khi thiếu các cơ sở vững chắc cho mỗi quyết định mua bán.

Sau cùng, đây là một trong những biện pháp tích cực giúp hấp dẫn nhà đầu tư mới tham gia TTCK, hướng đến mục tiêu 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025, qua đó giúp TTCK dần thể hiện rõ hơn vai trò huy động vốn cho nền kinh tế.

Quan sát sự hình thành và phát triển của các TTCK lâu đời cho thấy, một thị trường càng phát triển về cơ chế giao dịch, thông tin càng minh bạch, đa dạng về công cụ đầu tư và hàng hóa, sẽ càng thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, cũng như sự quan tâm của xã hội.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-09-15/giao-dich-t-0-giao-dich-ban-khong-co-hoi-de-thi-truong-tao-cu-hich-ve-thanh-khoan-92295.aspx