Giao dịch tiếp tục luẩn quẩn, BSR lao dốc liên tục kể từ khi lên sàn HoSE

Thị trường diễn biến phập phù trong những ngày giao dịch 'năm cùng tháng tận' khi tâm lý nghỉ ngơi đang chi phối hoàn toàn. Dù việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa 'khai hỏa' cuộc chiến thuế quan giúp chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực, USD giảm giá, nhưng thị trường trong nước cũng không có phản ứng gì đặc biệt...

Thanh khoản quá thấp nên giá cổ phiếu thiếu ổn định trong phiên.

Thanh khoản quá thấp nên giá cổ phiếu thiếu ổn định trong phiên.

Thị trường diễn biến phập phù trong những ngày giao dịch “năm cùng tháng tận” khi tâm lý nghỉ ngơi đang chi phối hoàn toàn. Dù việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa “khai hỏa” cuộc chiến thuế quan giúp chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực, USD giảm giá, nhưng thị trường trong nước cũng không có phản ứng gì đặc biệt.

VN-Index có nửa đầu phiên sáng nay vẫn “rướn” tăng, nhưng mức cao nhất chỉ trên tham chiếu 4,6 điểm. Nửa còn lại thị trường yếu dần, chỉ số trượt dốc và kết phiên giảm 2,03 điểm (-0,16%).

Diễn biến độ rộng cho thấy sự thay đổi về giá khá rõ. Lúc VN-Index đạt đỉnh, ghi nhận 213 mã tăng/95 mã giảm nhưng đến cuối chỉ còn 140 mã tăng/208 mã giảm. Bù lại diễn biến chậm chạp và không nhiều nhà đầu tư tham gia khiến giá cổ phiếu dao động hẹp là chính. Dù có tới 208 mã đỏ nhưng chỉ 54 mã giảm quá 1% và phần lớn là không có thanh khoản. Chỉ 10 mã trong số này khớp được từ 10 tỷ đồng trở lên, dẫn đầu là HDB với 135 tỷ đồng giá giảm 1,09%.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất trong nhóm giảm là BSR với phiên giao dịch thứ 3 ở HoSE sau khi chuyển từ UpCOM lên. Hiện BSR có vốn hóa lớn thứ 18 trong chỉ số VN-Index và mức giảm 1,9% sáng nay đưa mã này vào nhóm ảnh hưởng tiêu cực hàng đầu chỉ sau BID giảm 0,5%. BSR trong tháng 12/2024 đã có một “sóng chuyển sàn” với biên độ tăng tới gần 18%. Cổ phiếu này đã bị chốt lời ở 2 phiên cuối cùng trên UpCOM và 3 phiên vừa qua tiếp tục lao dốc sâu hơn nữa. Trong 2,5 phiên đầu tiên ở HoSE (tính đến sáng nay), BSR đã giảm 5,7%. Thanh khoản BSR cũng khá cao sáng nay, đạt gần 97,4 tỷ đồng.

Ở phía tăng giá giao dịch cũng không có gì ấn tượng. Trong 140 mã xanh, có 29 mã tăng hơn 1% thì VCI là cổ phiếu duy nhất đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng. Cổ phiếu này tăng 1,24% với giá trị khớp lệnh 113,3 tỷ. Dù vậy VCI cũng không đại diện cho cả nhóm chứng khoán được. Mã duy nhất trong nhóm này tăng tốt với thanh khoản đảm bảo chỉ có SHS tăng 3,33% khớp 144,5 tỷ đồng.

Vấn đề chính của thị trường hiện tại là dòng tiền không có động lực nào để giao dịch mạnh lên cả. Theo quy luật các phiên ở tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đều như vậy, nhưng năm nay khác ở chỗ kỳ nghỉ quá dài (2 tuần) và thế giới lại có nhiều biến động. Do đó nhà đầu tư càng có lý do để lựa chọn an toàn hơn là đánh cược vào yếu tố không lường trước được và cũng không thể phản ứng kịp thời được.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng nhẹ gần 8% so với hôm qua nhưng con số tuyệt đối vẫn rất thấp, chỉ đạt hơn 4.293 tỷ đồng. Dù vậy đây cũng không phải là biểu hiện xấu vì thanh khoản càng thấp mà thị trường ổn định cho thấy không bên nào chịu sức ép. Nếu người cầm cổ lo sợ điều gì đó bất lợi xuất hiện trong 2 tuần nghỉ, hẳn họ đã bán ra nhiều hơn và với sức cầu như hiện tại, giá sẽ phải giảm sâu hơn.

Một yếu tố hỗ trợ cũng bất ngờ là nhịp tăng hiện tại chủ yếu rõ nét ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, hàng đầu cơ, trong khi các blue-chips tương đối ổn định. Vì vậy nhu cầu bán ngắn hạn ở các blue-chips cũng không nhiều, giúp giữ nhịp thị trường. Các cổ phiếu đầu cơ dù bị xả mạnh thì cũng ít tác động đến chỉ số.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng chỉ duy trì cường độ giao dịch chậm và mức ròng khoảng -96 tỷ đồng là không đáng kể. Đây là phiên sáng bán ròng nhẹ nhất 13 phiên. Hai cổ phiếu duy nhất bị bán quá 20 tỷ ròng là CTG -44,3 tỷ và VHM -21 tỷ. Phía mua thậm chí chỉ có 3 mã quá 10 tỷ là FPT +15,6 tỷ, SSB +12,5 tỷ và MSN +11,7 tỷ.

Kim Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giao-dich-tiep-tuc-luan-quan-bsr-lao-doc-lien-tuc-ke-tu-khi-len-san-hose.htm