Giáo dục Anh sẽ mất vị thế toàn cầu nếu xa rời châu Âu
Vương quốc Anh phải ưu tiên tuyển sinh sinh viên châu Âu nếu muốn duy trì và cải thiện hơn nữa vị thế điểm đến du học toàn cầu.
Mới đây, tổ chức Các trường đại học quốc tế Anh đã xuất bản Báo cáo Tuyển sinh Sinh viên quốc tế từ châu Âu và Báo cáo Du học Vương quốc Anh. Cả hai nghiên cứu đều chỉ ra rằng, việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đem đến nhiều bất lợi cho vị thế hàng đầu của Anh trong du học.
Ông Jamie Arrowsmith, Giám đốc tổ chức Các trường đại học quốc tế Anh, nhận định từ lâu, việc tuyển sinh từ châu Âu đã đóng góp vai trò cực kỳ quan trọng đối với các trường đại học Anh. Tuy nhiên, các dữ liệu gần đây cảnh báo quyết định rời EU của Vương quốc Anh đã tác động đến khả năng tuyển sinh sinh viên quốc tế.
Năm 2019, dữ liệu của UNESCO công nhận Vương quốc Anh là điểm đến du học phổ biến hàng đầu đối với 29 trong tổng số 47 quốc gia châu Âu. Tuy nhiên mức độ quan tâm đã giảm.
Theo hai báo cáo, nhu cầu du học Vương quốc Anh của sinh viên EU đã giảm 47% từ năm 2020 đến năm 2021. Trong giai đoạn 2019 – 2022, sinh viên từ 10 thị trường EU đã giảm mục tiêu du học đại học và sau đại học tại Anh.
Báo cáo cũng chỉ ra Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ireland là những thị trường lâu đời trong khi Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển là “thị trường tiềm năng cao” đối với ngành Giáo dục Anh. Romania, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Hy Lạp là những thị trường cần được quan tâm.
Lý giải về sự sụt giảm, ông Arrowsmith cho biết, hiện nay khi du học Anh, sinh viên EU phải đối mặt với nhiều rào cản và thách thức mới. Một trong số đó là học phí và chi phí sinh hoạt cao hơn so với thời điểm Vương quốc Anh còn là thành viên của EU. Bên cạnh đó là vấn đề nhập cư và cấp thị thực.
Ngoài ra, hiện nay nhiều quốc gia châu Âu đang đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục quốc tế. Không chỉ cung cấp chương trình học bằng tiếng Anh, các nước còn thu hút du học sinh bằng nhiều yếu tố như chi phí rẻ, học bổng đa dạng...
Nếu mất đi các thị trường tiềm năng tại EU, Anh cũng sẽ mất đi vị thế trên bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu.
Trước tình hình trên, hai nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp như cấp học bổng và hỗ trợ tài chính giúp du học sinh giảm nhẹ gánh nặng tài chính. Chính phủ cùng các trường đại học thống kê kết quả và tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên quốc tế để đưa ra giải pháp nâng cao những con số này.
Báo cáo cũng cảnh báo các trường đại học không dựa vào các thị trường tiềm năng khác ngoài châu Âu để bù đắp sự thiếu hụt. Nếu làm vậy, các trường sẽ phụ thuộc vào quốc tế, làm tăng thêm rủi ro về kinh tế lẫn giáo dục cho Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, ông Arrowsmith khẳng định, giáo dục tại Vương quốc Anh vẫn mang những lợi thế đáng kể. Đầu tiên, việc giảng dạy bằng tiếng Anh tại nước này rất phổ biến và chuyên nghiệp khi so sánh với nhiều thị trường du học khác. Ngoài ra, sinh viên có thể rút ngắn thời gian học, song song vừa học vừa làm để trau dồi kinh nghiệm lẫn kỹ năng.
“Nhìn chung, sinh viên châu Âu đóng góp vai trò quan trọng đối với các trường đại học của Vương quốc Anh. Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các bên liên quan để xác định, phát triển và thúc đẩy cơ hội tuyển sinh từ các quốc gia láng giềng”, ông Arrowsmith bày tỏ.
Theo The Pie