Giáo dục bằng cả tình yêu thương

Với tình yêu nghề và mến trẻ, những giáo viên dạy học sinh khuyết tật trong các trường học vẫn ngày ngày kiên trì uốn nắn, dạy dỗ các em từng hành động, việc làm cụ thể. Sự quan tâm của các thầy cô giáo dành cho các em chính là minh chứng sống động của phương pháp giáo dục bằng tình yêu thương.

Giáo viên dạy học sinh khuyết tật luôn kiên trì uốn nắn các em trong từng giờ học.

Giáo viên dạy học sinh khuyết tật luôn kiên trì uốn nắn các em trong từng giờ học.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Bình Minh (thành phố Lào Cai) có 7 học sinh khuyết tật trong diện có hồ sơ giám định của cơ quan y tế đang học hòa nhập. Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng với em Nguyễn Tiến Dũng, học sinh lớp 5A. Qua cuộc trò chuyện, tôi biết em mắc phải căn bệnh xương thủy tinh. Dũng không thể đi lại, ghế ngồi học trên lớp của em có dây buộc ngang bụng giúp em có thể giữ thăng bằng. Mặc dù nhận thức của Dũng rất tốt, tiếp thu bài nhanh, nhưng vì xương tay yếu, việc cầm bút viết gặp nhiều khó khăn. Cô giáo Phạm Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A chia sẻ: Tranh thủ những giờ ra chơi hoặc khi lớp có tiết học ngoại khóa, tôi thường về lớp hướng dẫn, kèm cặp Dũng viết chữ. Nhờ sự cố gắng của bản thân và hỗ trợ từ cô giáo, sau một thời gian, việc viết chữ của Dũng đã có nhiều tiến bộ.

Em Nguyễn Tiến Dũng, học sinh khuyết tật, Trường Tiểu học Bình Minh (thành phố Lào Cai) vui vẻ trò chuyện cùng cô giáo và các bạn trong giờ học ngoại khóa.

Em Nguyễn Tiến Dũng, học sinh khuyết tật, Trường Tiểu học Bình Minh (thành phố Lào Cai) vui vẻ trò chuyện cùng cô giáo và các bạn trong giờ học ngoại khóa.

Trong các giờ học, cô giáo Hoa thường chia nhóm học tập để Dũng được tham gia hoạt động cùng các bạn. Mỗi buổi học Toán, sau khi dạy xong, cô giáo Hoa lại giao bài tập cho các học sinh khác trong lớp, rồi tranh thủ đến bên cậu học trò đặc biệt hướng dẫn tỉ mỉ. Những hôm có tiết học Âm nhạc, Tin học, Dũng được các bạn trong lớp giúp đỡ di chuyển đến phòng học. Hằng ngày, sách vở trên bàn của em cũng do các bạn trong lớp sắp xếp ngay ngắn. Mỗi lần làm được việc tốt hoặc có biểu hiện tiến bộ, Dũng đều được cô giáo khen và khuyến khích, động viên. Được đến trường trong tình yêu thương của thầy cô, bạn bè là điều quan trọng nhất, giúp Dũng tự tin vượt qua bệnh tật, hòa nhập với các bạn.
Là 1 trong 3 học sinh khuyết tật của Trường THCS Ngô Văn Sở (thành phố Lào Cai) nhưng Phạm Tiến Đạt luôn cảm thấy vui vẻ khi đến trường học. Vừa qua, Đạt còn tham gia đội tuyển bóng đá của trường. Ít ai biết rằng, Đạt mắc chứng bệnh rối loạn tăng động, chậm phát triển trí tuệ, phải uống thuốc thường xuyên. Căn bệnh đã làm trí nhớ của em bị ảnh hưởng, lúc nhớ, lúc quên nên cô giáo chủ nhiệm phải thường xuyên theo sát và nhắc nhở Đạt…
Đối với giáo dục trẻ khuyết tật, việc kiểm tra, đánh giá là không thể thiếu, vì thế, cô giáo chủ nhiệm của Đạt cũng thường kiểm tra kiến thức của em bằng nhiều hình thức nhằm phát hiện điểm yếu, điểm mạnh cũng như khả năng tiếp thu bài học của em. Ngoài ra, cô giáo còn thường xuyên trao đổi, tư vấn với phụ huynh về cách dạy con học ở nhà sao cho hiệu quả và tạo hứng thú học tập cho con. Cô Phạm Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, Trường THCS Ngô Văn Sở bảo: Qua nhiều lần trò chuyện, tôi biết em Đạt rất yêu thích bóng đá nên đã đề xuất tham gia đội tuyển bóng đá của lớp. Từ lúc đó, Đạt vui vẻ hơn rất nhiều, hòa đồng với các bạn. Theo tôi, giáo dục trẻ khuyết tật không cần nhiều kỹ năng sư phạm, chỉ cần đến với các em bằng tình yêu thương, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.
Chính sự kiên nhẫn, tình yêu của các thầy cô giáo đã mang đến điều kỳ diệu cho học sinh khuyết tật.

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi người giáo viên phải có lòng kiên trì, nhẫn nại và tình yêu thương dành cho trẻ.

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi người giáo viên phải có lòng kiên trì, nhẫn nại và tình yêu thương dành cho trẻ.

Trường THCS Ngô Văn Sở hiện có 3 học sinh khuyết tật trong diện có hồ sơ giám định của cơ quan y tế đang học hòa nhập. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Ban Giám hiệu nhà trường, nhiều học sinh cũng đang có biểu hiện chậm hoặc tăng động. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại không thừa nhận sự thật con mình bị khuyết tật nên né tránh, dẫn đến trẻ không được hỗ trợ kịp thời và không được hưởng chính sách riêng dành cho học sinh khuyết tật. Trước thực tế này, nhà trường đã tổ chức các buổi giảng dạy chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật. Tùy theo khối lớp và tùy khả năng tiếp thu kiến thức của từng học sinh khuyết tật, giáo viên lên kế hoạch dạy học cụ thể, các em được học theo sách giáo khoa và chương trình phổ thông (có giảm tải). Từ đó, tìm ra phương pháp tối ưu, giúp các em sớm hòa nhập môi trường học tập ở trường.
Thay vì tâm lý căng thẳng khi trực tiếp đứng lớp có học sinh khuyết tật, các thầy cô giáo cố gắng uốn nắn, rèn luyện các em biết tiết chế cảm xúc. Cũng bởi lẽ đó, dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại để cảm thông, chia sẻ với học trò. Giáo viên không đơn thuần là dạy kiến thức, mà còn như người cha, người mẹ, người bạn đồng hành với những trẻ không được may mắn. Chính các thầy cô với sự yêu thương, gần gũi đã giúp các em trở lại trạng thái tâm lý cân bằng và dần tiến bộ, vượt qua mặc cảm của bản thân.
Là mầm non của đất nước, trẻ luôn cần được nâng niu và nuôi dưỡng trong môi trường học tập hòa nhập, thân thiện, an toàn để phát triển cả về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt hơn nữa, rất cần sự quan tâm của toàn xã hội.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362327-giao-duc-bang-ca-tinh-yeu-thuong