Giáo dục chính trị tư tưởng để rèn bản lĩnh cho sinh viên

Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên” trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm (gọi chung là các trường).

Theo đó, mục đích của Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên (HSSV) là nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của HSSV trong việc thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Giáo dục; thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế; chủ trương, chính sách mới của ngành Giáo dục đến HSSV. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các quy chế, quy định về đào tạo, giáo dục chính trị và công tác HSSV, chế độ, chính sách; khen thưởng, kỷ luật… giúp HSSV hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm của công dân - HSSV, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo và rèn luyện đối với HSSV.

Theo các trường, giáo dục chính trị tư tưởng cho HSSV là hoạt động có tính chất thường xuyên, lâu dài, được thực hiện từ khi người học mới bước chân vào trường đến khi các em tốt nghiệp.

Ngay những ngày đầu nhập học năm học 2020-2021, các trường trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn để HSSV hiểu về truyền thống của trường, nội quy, quy chế của trường, lớp. Sau đó, xuyên suốt trong quá trình học các em được tham gia các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng với nhiều loại hình khác nhau như: Giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị thường kỳ, các hoạt động văn hóa, thể thao, tham gia hiến máu nhân đạo, mùa hè xanh, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, các hoạt động cộng đồng… nhằm giúp SV được lĩnh hội và được trang bị những tri thức xã hội và nhân văn cơ bản, giúp họ nỗ lực rèn luyện đạo đức, nâng cao ý chí và đạo đức cách mạng, có ý thức tự giác tham gia các phong trào chính trị - xã hội, sống có niềm tin và hoài bão, chủ động phòng và tránh được những tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường, từ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; xây dựng những thế hệ trẻ “vừa hồng vừa chuyên”.

Lý tưởng cách mạng không thể tự nó trở thành tiềm thức của con người mà là kết quả của công tác giáo dục có hệ thống, tích cực, bền bỉ. Do đó, giáo dục lý tưởng cách mạng cho HSSV tại các nhà trường luôn được Đảng, Nhà nước, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và toàn xã hội quan tâm, nhất là trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập sâu rộng.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, tùy vào tình hình diễn biến của dịch COVID-19, các trường chủ động hình thức tổ chức Tuần sinh hoạt công dân - HSSV để đảm bảo triển khai hiệu quả và an toàn cho HSSV. Thực hiện các biện pháp quản lý, theo dõi, đánh giá quá trình tham gia và chất lượng học tập của các em. Các trường cấp giấy chứng nhận cho các HSSV cuối khóa đã hoàn thành chương trình học tập “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV” năm học 2020-2021. Các HSSV chưa hoàn thành chương trình phải bố trí học bù trong thời gian của năm học theo lịch do nhà trường sắp xếp. Kết quả hoàn thành đợt học tập này là một trong các tiêu chí để đánh giá kết quả rèn luyện và xét danh hiệu thi đua cho HSSV năm học 2020-2021.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/245508/giao-duc-chinh-tri-tu-tuong-de-ren-ban-linh-cho-sinh-vien.html