Giáo dục chuyên biệt: Hành trình chông gai nhưng hạnh phúc…
Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt dành cho trẻ rối loạn phát triển, Hệ thống giáo dục Hoàng Đức (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) xác định sẽ trở thành một doanh nghiệp xã hội. Khó khăn nhất của họ là làm sao giữ vững được chất lượng chuyên môn, chia sẻ nguồn lợi với khách hàng mà vẫn đảm bảo được đời sống của nhân viên.
Đồng Nai cuối tuần có cuộc trò chuyện với ThS Bùi Ngọc Diễm, Giám đốc Hệ thống giáo dục Hoàng Đức.
Những chông gai khi dấn thân vào lĩnh vực giáo dục đặc biệt
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức - một thành viên của Hệ thống giáo dục Hoàng Đức có thể xem là đơn vị đi đầu tại Đồng Nai trong hoạt động đánh giá và can thiệp sớm dành cho trẻ rối loạn phát triển. Ở vai trò quản lý, chị có thể chia sẻ những khó khăn của trung tâm khi dấn thân vào lĩnh vực giáo dục đặc biệt này?
- Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chuyên biệt có rất nhiều khó khăn. Vì xác định là doanh nghiệp xã hội nên thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm sao giải quyết được bài toán về kinh doanh. Chúng tôi phải luôn đề cao lợi ích của trẻ, của phụ huynh và cộng đồng. Nhưng chúng tôi cũng phải hài hòa được quyền và lợi ích cho đội ngũ nhân sự của mình. Một giáo viên mầm non đã rất vất vả, huống gì là chuyên viên giáo dục đặc biệt làm việc với trẻ rối loạn phát triển. Do vậy, đồng lương mà họ nhận được phải xứng đáng thì họ mới yên tâm công tác.
Mặt khác, hiện nay ở Việt Nam chưa có một chuyên ngành nào mà sinh viên ra trường có thể đảm nhận ngay công việc của chuyên viên giáo dục đặc biệt. Chúng tôi thường tuyển sinh viên các chuyên ngành như: tâm lý, công tác xã hội… Sau đó, chúng tôi dành khoảng 3 tháng để đào tạo, cho họ thử việc khi đạt yêu cầu mới được tuyển dụng chính thức. Việc đào tạo này cũng tốn thêm một khoản chi phí nữa.
Làm sao cân bằng để vừa vận hành hệ thống hiệu quả mà vừa mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Đó luôn là câu hỏi khiến chúng tôi trăn trở. Thật may là chúng tôi đã từng bước dung hòa và đưa Hoàng Đức phát triển đúng định hướng.
Một khó khăn nữa là về phía phụ huynh. Sự phát triển tổ chức giáo dục chuyên biệt như Hoàng Đức đòi hỏi phải có sự đồng hành của phụ huynh. Tuy vậy, nhiều phụ huynh còn chưa thật sự hiểu về rối loạn phát triển ở trẻ, hoặc nhiều phụ huynh có tâm lý không chịu chấp nhận tình trạng bệnh của con. Do đó, hằng năm, Hoàng Đức phải chi một khoản không nhỏ để tổ chức các buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh.
So với học tại trường mầm non, chi phí dành cho can thiệp sớm cao hơn nhiều. Vì thế, nhiều phụ huynh chấp nhận cho con ở nhà hoặc gửi bé ở trường mầm non để yên tâm đi làm. Điều này khiến trẻ khó có cơ hội được phát triển tốt. Đây có phải là một thực tế đang diễn ra phổ biến?
- Thành thực mà nói, mức phí can thiệp và bán trú cho trẻ bằng cả tháng lương của công nhân lao động. Đây chắc chắn là gánh nặng kinh tế của nhiều gia đình. Vì thế, chúng tôi có hình thức can thiệp theo giờ với chi phí thấp hơn nhưng không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện về thời gian và lòng kiên trì để đưa đón con.
Cá nhân tôi bắt đầu làm việc tại Hoàng Đức từ năm 2017 và đã trải qua các vị trí: nhân viên truyền thông, Trưởng phòng hành chính và nay là giám đốc. Ở các cương vị đó, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều phụ huynh và thấu hiểu nỗi vất vả, ngậm ngùi của họ. Sự thật là đang có rất nhiều trường hợp trẻ rối loạn phát triển bị lãng quên. Đó là trường hợp dù cha mẹ biết là con có vấn đề nhưng vì cơm áo gạo tiền nên họ đành để mặc con, khiến con mất dần cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Bản thân tôi và những người sáng lập Hoàng Đức rất xót xa. Khi đó, chúng tôi càng trăn trở làm sao vận hành hệ thống để nhân viên có đời sống tốt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng can thiệp cho trẻ và đặc biệt là làm cách nào để những phụ huynh khó khăn vẫn có cơ hội cho con can thiệp.
Giúp trẻ “đánh thức ước mơ”
Phải chăng đó chính là lý do để ra đời Quỹ học bổng Đánh thức ước mơ?
- Gọi là quỹ thì cũng chưa đúng hẳn vì khởi đầu của chúng tôi còn khá khiêm tốn. Từ trước đến nay, hằng năm, Hoàng Đức đều có chính sách giảm học phí cho các trường hợp khó khăn. Nhưng như vậy là chưa đủ. Chúng tôi muốn nhiều trẻ có cơ hội được can thiệp sớm hơn nữa. Vì vậy, chúng tôi ấp ủ và bắt đầu khởi động Quỹ học bổng Đánh thức ước mơ.
Ngày 10-1-2021, chúng tôi đã tổ chức triển lãm và bán đấu giá các bức tranh do chính các trẻ đang can thiệp tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức vẽ, tô màu… để gây quỹ. Điều đáng mừng là quý vị phụ huynh rất ủng hộ. Nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn mức giá ban đầu mà Ban tổ chức đưa ra. Lại có người dù không mua được tranh nhưng vẫn góp tiền vào quỹ. Đây chính là sức mạnh để chúng tôi xây dựng quỹ lớn mạnh hơn. Ngoài các sản phẩm do trẻ làm ra được bán đấu giá, chúng tôi cũng sẽ vận động thêm nguồn để giúp đỡ cho trẻ và rất mong sẽ nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng.
Năm 2021 cũng là khởi đầu mới cho chặng đường 5 năm tiếp theo của Hoàng Đức. Ở vị trí giám đốc, chị có định hướng và mong muốn gì?
- Bản thân tôi rất hạnh phúc khi mang lại các giá trị nhân văn cho trẻ rối loạn phát triển, đối tượng mà mình đang phục vụ. Tôi cũng cảm nhận được rằng trong xã hội còn có rất nhiều bàn tay chung sức với mình, cùng mình lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục dấn thân hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt này.
Trong thời gian tới, ngoài hoạt động đánh giá, can thiệp tại trung tâm, Hoàng Đức sẽ tổ chức các buổi khám sàng lọc miễn phí tại những trường mầm non ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Thực tế, hiện nay có nhiều trẻ bị rối loạn phát triển nhưng chưa được nhận diện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Với những trẻ được xác định là rối loạn phát triển cần phải can thiệp sớm nhưng không có điều kiện để đến trung tâm thì chúng tôi sẽ cử đội chuyên gia mỗi tháng đến nhà hướng dẫn 1 lần hoặc hướng dẫn online.
Với chúng tôi, hành trình đồng hành cùng trẻ chính là hành trình hạnh phúc. Ở đó, mọi thành viên trong mắt xích: người cho, người nhận, người sẻ chia… đều là những người hạnh phúc vì đã mang đến những giá trị nhân văn, tích cực cho nhau.
Chúng tôi cũng mong sẽ nhận được sự đồng hành, ủng hộ của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội để ngày càng có nhiều trẻ rối loạn phát triển được can thiệp sớm, có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Xin cảm ơn chị!
Hải Yến (thực hiện)