Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, mặt trái của cơ chế thị trường có những tác động nhất định đến quan niệm sống của mỗi người. Chính vì thế, việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống (ĐĐLS) trong gia đình càng trở nên quan trọng.
Bàn về gìn giữ nếp sống gia đình, người Việt Nam thường ví von: “Quốc có quốc pháp. Gia có gia phong”. Nói như thế với hàm ý muốn bình yên, hạnh phúc thì mỗi thành viên trong gia đình đều cần có ý thức tuân thủ “tôn ti trật tự” thì mới giữ được đạo nhà. Lẽ hiển nhiên trong gia đình, dòng họ là con cháu phải có hiếu kính với ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung; anh em hòa thuận. Đó không phải là nếp sống gia trưởng, mà là sự kính trọng, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.
Đặc biệt từ năm 2023, tỉnh Thái Nguyên triển khai đến toàn dân nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bộ tiêu chí nhanh chóng trở thành cuốn cẩm nang giúp từng thành viên kỹ năng cư xử đầm ấm, xây dựng gia đình có tôn ty trật tự, ông bà, cha mẹ càng thêm yêu thương con cháu; con cháu biết hiếu kính với ông bà, cha mẹ.
Theo kế hoạch của Chương trình giáo dục ĐĐLS của Thủ tướng Chính phủ, trên cả nước - trong đó có Thái Nguyên: Đến năm 2025 đạt 70% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; 80% hộ được cung cấp tài liệu về giáo dục ĐĐLS; 80% công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục ĐĐLS.
Với tỉnh Thái Nguyên, đây là việc trong tầm tay, bởi từ nhiều năm nay tỉnh đã triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng nhiều phong trào thi đua được các cấp, ngành địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Các phong trào, cuộc vận động được nhân dân đón nhận, tích cực tham gia. Một thuận lợi là trong quá trình triển khai thực hiện, các khu dân cư đều xây dựng được hương ước, quy ước có nội dung gắn với việc giáo dục ĐĐLS trong gia đình, dòng họ.
Từ nhận thức rõ mục tiêu giáo dục ĐĐLS do Chính phủ ban hành, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn chủ động phối hợp với các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa liên quan đến mục tiêu Chương trình đề ra. Mỗi cơ quan, đơn vị một cách làm, điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, gia đình không có bạo lực, gia đình không có tệ nạn xã hội, câu lạc bộ liên gia, liên thế hệ.
Ngành Công an tích cực vào cuộc, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ việc tiêu cực có liên quan đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến học sinh về nội dung văn hóa ứng xử trong gia đình…
Quá trình triển khai thực hiện, các khu dân cư đều xây dựng được nội dung tuyên truyền về giáo dục ĐĐLS. Thông qua các buổi sinh hoạt khu dân cư, qua hệ thống loa truyền thanh, toàn bộ nội dung được chuyển tải đến người dân. Với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn linh hoạt lồng ghép, tuyên truyền nội dung về giáo dục ĐĐLS với các chuyên đề khác.
Một phần nhờ tuyên tuyền, công tác gia đình và chất lượng gia đình được nâng cao, bảo đảm gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp vốn có và đáp ứng những yêu cầu về công tác gia đình trong tình hình mới. Cụ thể là đề cao trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi đối với việc tuyên truyền về đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử; phương pháp giáo dục toàn diện và hài hòa về đức - trí - thể - mỹ cho các thành viên trong gia đình, nhất là với thế hệ trẻ.
Cùng với đó, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền về giá trị của gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh, tập luyện thể dục, thể thao, góp phần xây dựng con người Việt Nam khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.
Các huyện, thành phố lồng ghép hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ đó các thông điệp về giáo dục ĐĐLS được chuyển hóa vào đời sống nhân dân sâu sắc hơn.
Xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác gia đình. Để hạn chế hiện tượng tiêu cực, hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ĐĐLS. Coi đó là giải pháp hữu hiệu, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong gia đình, góp phần hoàn thiện nhân cách, để mỗi gia đình thật sự là một pháo đài hạnh phúc.