Giáo dục, đào tạo Lâm Đồng trước năm học mới
Kết thúc một năm học với ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tỉnh Lâm Đồng đã đạt nhiều thành tích đáng trân trọng. Năm học 2021 - 2022 tiếp tục có những thách thức như dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai cả bậc học tiểu học và THCS…
Nhiều bài học quý từ sự đầu tư và những thành quả
Ngày 27/8/2021, báo cáo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng, trong đó lĩnh vực giáo dục, đào tạo (GDĐT), UBND tỉnh đánh giá: Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục đầu tư, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập; trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu của ngành; số vốn đầu tư đã bố trí cho ngành giáo dục năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, chi đầu tư, phát triển năm 2020 là 472,221 tỷ đồng/93 công trình, chiếm 16,8%; năm 2021 là 519,5 tỷ đồng/73 công trình, tỷ lệ 15,5% kế hoạch đầu tư toàn tỉnh. Chi sự nghiệp năm 2020 là 3.373,3 tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng chi ngân sách tỉnh; năm 2021 là 3.834,622 tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng chi ngân sách tỉnh. Tính đến tháng 5/2021, toàn tỉnh có 509/621 trường công lập (tỷ lệ 81%) đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu Nghị quyết X của Đảng bộ Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng thường xuyên, vững vàng về tư tưởng, chính trị; có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới của ngành, trong đó giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là 82,8%, theo Luật Giáo dục năm 2019. Năm học 2020 - 2021, Lâm Đồng có thêm 6 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Với sự quan tâm đầu tư tích cực đó, chất lượng, hiệu quả GDĐT Lâm Đồng nâng lên theo hướng toàn diện, thực chất. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi và số học sinh của tỉnh tham dự các kỳ thi quốc tế, quốc gia tiếp tục tăng (107 học sinh đạt thành tích xuất sắc tại các cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế). Năm 2020, toàn tỉnh đã đạt 12/12 huyện, thành phố phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 2. Một điểm sáng của ngành GDĐT Lâm Đồng năm 2021 là tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19; vừa đạt kết quả cao, tỷ lệ 99,64% thí sinh được công nhận tốt nghiệp (tăng 0,1% so với năm học 2019 - 2020). Lâm Đồng là tỉnh có điểm thi tốt nghiệp so sánh với điểm trung bình cuối năm lớp 12 của học sinh có 6/9 môn đứng vị trí thứ 10 toàn quốc.
Năm học mới thách thức và thành tích mới
Theo Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải, căn cứ 9 nhóm nhiệm vụ, 5 giải pháp Bộ GDĐT chỉ đạo trong năm qua, cùng tình hình thực tiễn địa phương, Sở GDĐT đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp công tác dự kiến triển khai thực hiện trong năm học 2021 - 2022. Trước hết, quán triệt và xây dựng các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 theo nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Mặt khác, tập trung rà soát, thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới trường học; khắc phục tình trạng quá tải học sinh tại các thành phố; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới trường và điểm trường… Sở GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ động thực hiện các giải pháp, phương pháp, hình thức dạy và học phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình theo quy định. Đó còn là, tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng GDĐT; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới kiểm tra, đánh giá. Tiếp tục thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và hoạt động tự đánh giá tại các cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ gắn với xây dựng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Năm học 2021 - 2022 là năm thứ 2 thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1 và năm đầu tiên đối với lớp 2, lớp 6. Ngành GDĐT Lâm Đồng xác định đảm bảo chất lượng hiệu quả, chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện chương trình đối với các lớp tiếp theo; tiếp tục triển khai bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo lộ trình; chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình GDPT. Để đáp ứng phù hợp với đổi mới, tăng cường thực hiện quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị của nhà trường; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, tư vấn tại các cơ sở giáo dục, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với nhiệm vụ đổi mới giáo dục; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật; hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tổ chức dạy học tích hợp, dạy học theo chủ đề, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học... Và đó còn là đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động giáo dục, đào tạo trong và ngoài nhà trường. Những giải pháp đồng bộ và hữu cơ của sự phát triển GDĐT đó còn là thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, cải cách hành chính…