Giáo dục di sản trong học đường: Hiệu quả từ những cách làm sáng tạo

Triển khai Đề án 'Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030' của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có nội dung đưa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc vào hoạt động giảng dạy và giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú đã tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho học sinh, mang lại hiệu quả thiết thực.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa tái hiện Lễ hội Tết mùa của đồng bào Ca Dong. Ảnh: TL

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa tái hiện Lễ hội Tết mùa của đồng bào Ca Dong. Ảnh: TL

Dạy hát soọng cô cho học sinh dân tộc Sán Dìu

Để bảo tồn và lưu giữ làn điệu soọng cô của dân tộc Sán Dìu, truyền dạy cho thế hệ trẻ biết yêu, trân trọng và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc mình, Trường Trung học cơ sở (THCS) Bàn Đạt (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai truyền dạy tiếng Sán Dìu cho học sinh. Sau khi học sinh biết tiếng Sán Dìu, nhà trường tiếp tục truyền dạy học sinh hát soọng cô.

Cô Mã Thị Hằng, giáo viên Trường THCS Bàn Đạt được giao đảm nhận việc dạy tiếng Sán Dìu và hát soọng cô cho học sinh trong trường, cô cho biết: Từ tháng 4/2022, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) nói tiếng Sán Dìu, bước đầu có 25 học sinh là người dân tộc Sán Dìu và dân tộc Kinh tham gia. CLB sinh hoạt 2 lần/tháng, bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, tùy theo tình hình thực tế và có sự giám sát của giáo viên. Khi sinh hoạt, học sinh trong CLB dạy nhau theo hình thức: Bạn biết nhiều dạy bạn biết ít. Đến nay, CLB đã thu hút 53 học sinh của trường tham gia.

Sau khi các em học sinh đã nói được tiếng dân tộc thành thạo, tháng 9/2022, Trường THCS Bàn Đạt thành lập CLB hát soọng cô, với 8 thành viên ban đầu. Thời gian đầu, hằng tuần, nhà trường tổ chức cho các thành viên đến nhà các nghệ nhân trong xã để học hát soọng cô. Bà Đặng Thị Năm, nghệ nhân hát soọng cô ở xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt là người được nhà trường mời đến truyền dạy hát. Bà Năm cho biết: Trong các buổi sinh hoạt này, chúng tôi cho các cháu học và nghe các làn điệu soọng cô; giúp các cháu tìm hiểu về ý nghĩa của những lời ca, câu hát, được luyện tập cách hát; bước đầu học những từ đơn giản và nâng dần độ khó; sau đó là giúp các cháu tự tin biểu diễn làn điệu soọng cô.

Để phục vụ cho việc tìm hiểu, học hát soọng cô của học sinh, hiện, CLB nhà trường đã sưu tầm được 15 bài hát (12 bài lời cổ, 3 bài lời mới), ghi âm các bài hát do các nghệ nhân trong xã biểu diễn. Các tài liệu sưu tầm được, nhà trường đã lưu giữ trong thư viện trường và đẩy lên trang fanpage của trường, của Liên đội.

Bà Trương Thị Hải Nguyên, Hiệu trưởng Trường THCS Bàn Đạt chia sẻ: Những kết quả bước đầu trong việc giữ gìn, bảo tồn làn điệu soọng cô của nhà trường là những định hướng cơ bản, nền móng để nhà trường tiếp tục duy trì và nhân rộng hoạt động của các CLB nói tiếng dân tộc Sán Dìu và hát soọng cô. Thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh biểu diễn soọng cô trong các hoạt động ngoại khóa của trường, đặc biệt là trong các tiết học giáo dục tại địa phương.

Truyền dạy dân ca, dân vũ, đánh chiêng cho học sinh

Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), nhiều năm qua, các hoạt động ngoại khóa với nội dung truyền dạy múa, hát dân ca, dân vũ, đánh trống chiêng, tái hiện các nghi thức truyền thống đặc sắc, hội thi ẩm thực dân tộc... được nhà trường tổ chức thường xuyên nhằm giáo dục di sản, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cho học sinh người dân tộc thiểu số.

Để giúp học sinh tiếp cận “kho di sản văn hóa” được thuận lợi, dễ dàng, Ban Giám hiệu nhà trường đã mời các nghệ nhân gạo cội người Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng), người Cor ở các xã Trà Bui, Trà Kót trực tiếp về trường dạy múa, hát dân ca, đánh trống chiêng cho các em. Quá trình truyền dạy, được ghi âm, ghi hình các động tác múa, tiết tấu, lời hát, thanh điệu trống chiêng... để lưu dạy về sau và linh hoạt thực hiện mô hình học sinh dạy học sinh di sản để nhân rộng.

Cô giáo Hồ Thị Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường có 12 lớp, hơn 400 học sinh và đều được thành lập, duy trì các đội văn nghệ, múa hát dân ca, đánh trống chiêng; đồng thời phát động tập luyện, thi đua giữ gìn bản sắc văn hóa trong toàn trường. Đối với học sinh khối 9 mới được nhà trường tuyển sinh đào tạo vào hằng năm, sẽ được các anh chị khối trên truyền đạt, hướng dẫn cách múa, đánh trống chiêng, hát dân ca, nghi thức trong các lễ hội truyền thống các dân tộc thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt thường nhật sau giờ học ở ký túc xá... Nhà trường có đội văn nghệ hát, múa cồng chiêng chủ lực để phục vụ, tham gia các hoạt động quy mô ngoài nhà trường và hỗ trợ dạy bản sắc văn hóa cho học sinh mới.

Gần đây, tại các lễ hội, hội thi ở địa phương hoặc cấp tỉnh, đoàn diễn viên học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa luôn tham gia với nhiều tiết mục múa, hát dân ca, đánh trống chiêng, trình diễn sắc phục truyền thống của đồng bào các dân tộc, tái hiện các nghi thức truyền thống đặc sắc, ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Cor, Xơ Đăng... ở vùng Trà My.

Bà Bùi Thị Kiều Thơ (Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Giáo dục văn hóa dân tộc trong trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên quê hương mình. Đồng thời, bồi dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hóa dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng và quê hương, hình thành ở học sinh tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với cộng đồng. Qua đó, góp phần giáo dục cho học sinh về nhân cách con người mới có tri thức và văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngọc Ánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giao-duc-di-san-trong-hoc-duong-hieu-qua-tu-nhung-cach-lam-sang-tao-post476673.html