Giáo dục gia đình
Giáo dục ở gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Ông bà mình đã đúc kết trong câu: 'Dạy con từ thuở còn thơ'. Các em như tờ giấy trắng, ở lứa tuổi này cần được chăm lo dạy dỗ. Ý thức con người phần nhiều do giáo dục mà ra cả.
Thực tế, “tiên học lễ” ở nhà, “hậu học văn” ở trường. Ngày nay, chuyện học tập trong nhà trường đã chiếm hết thời giờ của các em. Nếu gia đình phó thác hết mọi chuyện cho nhà trường, e rằng kết quả của con em sẽ không được như ý!
Tuy không thể thay thế giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội nhưng giáo dục gia đình là nền tảng nuôi dưỡng và hình thành giáo dục con trẻ. Nếu các em được gia đình quan tâm dạy dỗ, sau này có cơ hội trở thành người hữu ích. Thật vui biết bao nhiêu khi có những gia đình còn giữ nền nếp, trẻ con ăn nói lễ phép, biết tôn kính với người lớn tuổi, hòa thuận với anh em.
Có người bảo, nhiều bạn trẻ bây giờ sống rất vô tư, phép lịch sự tối thiểu của con người nhiều khi cũng không biết. Anh bạn tôi kể rằng, có lần đang đi trên đường gặp một đám tang, anh giở ngón chào vĩnh biệt người đã mất, bị nhiều người xem rất lạ. Tôi mới chực nhớ ra, ngày xưa thời chúng tôi đi học nhà trường có dạy những chuyện như thế. Tre non dễ uốn, dạy lòng yêu thương, cái hay cái đẹp các em nhớ lâu lắm.
Trong xóm tôi ở, ngoài những người cố cựu sinh sống lâu đời, có một số gia đình mới dọn về. Khi nhà trong xóm có tang, họ chẳng biết đến chia buồn thắp một nén nhang cho người quá cố. Họ bảo mình là người mới đến chưa quen biết với ai ở trong xóm nên không có gì gắn bó. Lập luận như thế đâu đúng, bởi trước lạ sau quen. Hơn nữa, gia đình người ta có chuyện buồn mình tuy không quen nhưng bây giờ đã là người cùng xóm, đến chia buồn cũng là điều đáng quý. Người Việt có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Chính sự giúp đỡ lẫn nhau giữa bà con hàng xóm, sẽ giúp chúng ta ấm lòng trước những khó khăn trong cuộc sống.
Xã hội nhiều khi làm cho chúng ta cảnh giác lẫn nhau. Những cái xấu, cái ác nhan nhản xảy ra, đôi khi chúng ta muốn làm người tốt cũng e dè. Tôi còn nhớ, lúc tôi còn nhỏ, người đi lỡ đường đứng đục mưa dưới mái hiên nhà, bà tôi mở cửa mời vào ngồi trong nhà, đứng ngoài đó sợ mưa tạt ướt mình. Ở nông thôn, ngày trước cho khách lỡ đường ăn một bữa cơm hay ngủ tạm một đêm cũng rất dễ gặp. Còn bây giờ, chẳng ai dám, cho ngủ nhờ có khi rước họa vào thân!
Chạnh nghĩ, ngày nay có không ít gia đình ít chú trọng đến việc giáo dục con cái dẫn đến chuyện họ sống chỉ biết đến mình. Trong xã hội, có trường hợp vì quyền lợi cỏn con của cá nhân mà không nghĩ đến tình nghĩa sống ở đời. Tôi đã từng chứng kiến nhiều sự việc đau lòng. Cũng vì tranh nhau một miếng đất hay ngôi nhà mà anh em mâu thuẫn, quên đi tình cốt nhục.
Câu châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” luôn là bài học sinh động. Lễ là một trong những đức tính giúp con người sống cao đẹp hơn. Xã hội có thể thay đổi nhưng nền tảng ấy không thể thiếu. Đó là nét đẹp truyền thống của dân tộc có ý nghĩa sâu sắc cần được các bạn trẻ kế thừa, giữ gìn thật tốt.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/giao-duc-gia-dinh-53688.html