Giáo dục Giáo dục Nghị lực của cô giáo Nhiệm

- Thôi đừng viết về chị nữa, chị bình thường mà, để chị giới thiệu người khác cho em hí.

Ngại vì chị thấy mình chẳng có gì nổi bật để viết nhưng chính tinh thần lạc quan, tình yêu thơ và niềm thiết tha với cuộc sống của một cô giáo mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo khiến tôi không dễ dàng buông bút mặc cho chị cứ do dự…

Nghiêm Thị Nhiệm sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống văn hóa lâu đời ở xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Lớn lên giữa thời khói lửa đạn bom, nơi mảnh đất nghèo bên dòng sông La lịch sử, Nghiêm Thị Nhiệm vượt qua tất cả khó khăn để đạt được ước mơ đứng trên bục giảng. Tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội năm 1967, mang trong mình nhiệt huyết tuổi thanh xuân, cô giáo trẻ dạy môn toán có cái tên lạ Nghiêm Thị Nhiệm đã xông xáo và đam mê truyền đạt kiến thức cho học sinh thân yêu ở nhiều trường cấp 3 trên quê hương Hà Tĩnh. Sau ngày đất nước thống nhất, chị cùng với người chồng của mình là thầy giáo – chiến sĩ Nguyễn Dư Ba chuyển công tác vào Huế, và từ đó cả hai vợ chồng chị dồn toàn bộ tâm huyết vào từng trang giáo án trong sự nghiệp trồng người trên đất Huế.

Dạy ở Trường THPT Hai Bà Trưng từ năm 1976 đến năm 2001, cô giáo Nhiệm tận tụy, nghiêm túc, hết lòng với các thế hệ học sinh. Năm 2001, chị nghỉ hưu sống cùng chồng con ở ngôi nhà cấp 4 đơn sơ tại 24/43 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Thuận Thành, TP. Huế. Vào một ngày đầu tháng 9 năm 2013, tại Bệnh viện Trung ương Huế, chị biết mình bị ung thư trực tràng. Trải qua 28 đợt xạ trị, 6 đợt hóa trị với biết bao đau đớn nhưng mỗi lần nhìn chồng con, lời sẻ chia của học sinh và đồng nghiệp, chị không cho phép mình yếu đuối, ngã gục. Từ bệnh viện điều trị trở về, cô giáo Nhiệm cùng chồng lo lắng việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ, kèm cặp các cháu học hành.

Thuở còn đi dạy, ít ai biết rằng cô giáo Nhiệm vừa dạy toán, vừa làm thơ. Chị đến với thơ như một cuộc dạo chơi để tâm hồn thanh thản với bao tất bật lo toan trong cuộc sống thường nhật. Từ lúc nghỉ hưu, đặc biệt là từ ngày chị phải sống chung với bệnh thì cảm hứng thơ lại càng dồi dào, mãnh liệt. Chị tâm sự: “Nhờ làm thơ mà quên đi bệnh tật. Khi cảm xúc thăng hoa, tâm hồn gửi vào câu chữ mình thấy lòng bình yên và quên hết cơn đau”.

Vượt lên bệnh tật đau đớn, sau một đợt xạ trị, truyền hóa chất từ bệnh viện trở về, cô giáo Nhiệm lại làm thơ, đọc thơ… Đến nay, chị đã sáng tác được 1.500 bài thơ và đã xuất bản 3 tập thơ. Lời của lá (2012), Thơ Nghiêm Thị Nhiệm (2018) và Mai sau dù có bao giờ (2018) là những sản phẩm tinh thần mà chị nâng niu, trân trọng để lại cho bạn bè, đồng nghiệp, cho những người yêu thơ.

Đọc những vần thơ tinh tế của trong bài Lời của lá của chị, nhà thơ Nguyễn Công Bình – NXB Thanh niên, người học trò năm xưa của cô Nhiệm đã xúc động viết: “Đúng thế, thưa cô giáo! Đời người cũng như kiếp lá, hiển hiện để tiếp màu xanh cho đời, rồi hóa thân vào vô tận. Đã là hoa thì phải thắm, đã là lá thì phải xanh, thơ cô, đời cô giáo Nghiêm Thị Nhiệm thực sự là một chiếc lá biếc xanh. Chúng em luôn mong cô luôn vượt lên bằng chính nội lực mạnh mẽ vốn có để sống tiếp, viết tiếp những vần thơ càng đằm thắm, càng da diết với cuộc đời này”.

Vâng, tôi tin chiếc lá ấy luôn xanh màu ước vọng, dù bão dông bệnh tật dày vò. Chính tình yêu cuộc sống, tâm hồn thiết tha và tinh thần lạc quan của chị đã là bài học đáng quý, đáng trọng tỏa hương hoa cho đời.

Bài, ảnh: Trần Văn Toản

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/nghi-luc-cua-co-giao-nhiem-a75166.html