Giáo dục giới tính sớm giúp trẻ tự bảo vệ bản thân

Giáo dục giới tính (GDGT) là giáo dục những kiến thức liên quan đến sinh sản, kỹ năng sống ở mỗi giới, giúp trẻ có những hiểu biết tối thiểu để không bỡ ngỡ trong quá trình phát triển. Những năm gần đây, để thực hiện tốt việc GDGT, nhất là GDGT sớm cho trẻ đối với bậc mầm non và tiểu học, các cấp, ngành liên quan và các bậc phụ huynh đã có nhiều động thái tích cực.

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tham gia hoạt động ngoại khóa sức khỏe học đường với chủ đề phòng chống xâm hại

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tham gia hoạt động ngoại khóa sức khỏe học đường với chủ đề phòng chống xâm hại

Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã tích cực tổ chức GDGT cho học sinh, trong đó có cả học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc GDGT cho học sinh là hết sức cần thiết và quan trọng đặc biệt là ở bậc học mầm non và tiểu học. Thời gian qua, sở đã khuyến khích các trường học, đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học đa dạng hơn nữa việc GDGT cho học sinh như: đẩy mạnh tuyên truyền qua các trang mạng xã hội chính thức của trường; tổ chức các hoạt động ngoại khóa; tăng cường phối hợp với các cấp, ngành liên quan thực hiện hiệu quả việc GDGT cho học sinh. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành liên quan và các bậc phụ huynh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác GDGT từ đó tạo “lá chắn” an toàn cho học sinh bảo vệ chính mình.

Chỉ tính riêng năm học 2023 - 2024, cả tỉnh có trên 670 trường ở các bậc học với trên 208.000 học sinh, trong đó có 481 trường mầm non và tiểu học. Trong năm học, các trường đều linh hoạt lồng ghép GDGT cho học sinh dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó 100% trường mầm non, tiểu học đã tổ chức các hoạt động GDGT. Các trường đã tổ chức cho học sinh tìm hiểu những kiến thức liên quan đến giới tính và GDGT qua các tiết học, sinh hoạt, chào cờ, hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trong năm học mỗi trường tổ chức ít nhất 1 chương trình hoạt động ngoại khóa bằng nhiều hình thức như sân khấu hóa, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, tổ chức hội thi... với nhiều nội dung liên quan đến GDGT… Tại các chương trình, hầu hết học sinh được tìm hiểu các kiến thức như: phân biệt bộ phận trên cơ thể; dấu hiệu tuổi dậy thì; kỹ năng phòng chống xâm hại, kỹ năng sống…

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lý Thị Hồng Hải, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Theo sự phát triển tâm lý bình thường của con người, trẻ em khoảng 2 tuổi đã bắt đầu có những nhận thức cơ bản về bản thân, các bộ phận trên cơ sở bao gồm cả cơ quan sinh sản. Việc GDGT sớm cho trẻ đặc biệt ở độ tuổi mầm non và tiểu học là điều rất cần thiết bởi trẻ nhỏ khi nhận biết và gọi đúng tên bộ phận trên cơ thể không chỉ giúp ích trong việc truyền đạt cho cha mẹ nếu gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe mà còn phòng, trách được nguy cơ xâm hại tình dục hoặc lạm dụng. Đối với trẻ lớn hơn, đặc biệt là thời điểm dậy thì, điều này còn giúp cho trẻ có những thông tin đúng đắn, chuẩn bị tốt cho những thay đổi trong cơ thể để không sợ hãi, bỡ ngỡ...

Bên cạnh trách nhiệm của nhà trường, gia đình là nền tảng vững chắc để giáo dục cho trẻ hiểu những vấn đề nhạy cảm về giới tính từ khi còn nhỏ. Thay vì có những suy nghĩ về việc GDGT như lớn lên con sẽ tự hiểu, không nên “vẽ đường cho hươu chạy”, đến tuổi dậy thì mới bắt đầu dạy... hay cảm thấy khó trao đổi với con về chủ đề giới tính và tình dục thì những năm gần đây, các phụ huynh cũng đã dần cởi mở và quan tâm theo dõi sự phát triển, sinh trưởng của con em mình, áp dụng các kiến thức cơ bản để GDGT sớm cho trẻ từ những năm học mầm non, tiểu học…

Chị Nguyễn Thu Trang, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc chia sẻ: Gia đình tôi có 2 con (con trai 9 tuổi và con gái 7 tuổi). Tôi đã GDGT cho các con từ khi mới được 3 tuổi thông qua trò chuyện, cho con xem hoạt hình về cách phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em. Tôi cũng thường giải thích thêm về những vùng nhạy cảm trên cơ thể của con và cách bảo bệ bản thân nhằm tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục…

Cùng với ngành GD&ĐT, gia đình thì những năm qua, các ngành liên quan như lao động, thương binh, xã hội và các tổ chức đoàn, đội, chính quyền các cấp... cũng quan tâm tổ chức các hoạt động liên quan đến trẻ em, trong đó có hoạt động GDGT. Với sự vào cuộc tích cực đó, những năm qua, việc GDGT đã mang lại những kết quả tích cực. Cơ bản trẻ em trong đó có trẻ mầm non, tiểu học được trang bị những kiến thức liên quan về giới tính, biết phân biệt các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, biết sử dụng các kỹ năng để bảo vệ bản thân nhằm tránh khỏi các vụ lạm dụng tình dục, qua đó góp phần giảm số vụ xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ với 18 trẻ em bị xâm hại, từ đầu năm 2023 đến nay toàn tỉnh xảy ra 8 vụ, với 8 trẻ em bị xâm hại.

Qua đây có thể thấy, việc GDGT sớm cho trẻ là hết sức cần thiết và quan trọng. Để việc GDGT cho trẻ tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực thì các cấp, ngành chức năng, nhà trường nên tiếp tục có những cách làm hay, phù hợp để trẻ có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về giới tính. Trong đó, gia đình và phụ huynh đóng vai trò là mắt xích quan trọng giúp trẻ tiếp cận với vấn đề giới tính ngay từ khi còn nhỏ, để con không phải bỡ ngỡ mà chủ động bảo vệ bản thân, từ đó góp phần giúp trẻ phát triển tốt về thể trạng và tâm sinh lý.

NGỌC TÂM - KHÁNH CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giao-duc-gioi-tinh-som-giup-tre-tu-bao-ve-ban-than-5011167.html