Thi tốt nghiệp THPT 2024: Những lỗi thí sinh dễ bị mất điểm khi làm bài thi môn Ngữ văn

Ngày 27/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ làm bài thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên Văn trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) chỉ ra những lỗi cơ bản cần lưu ý khiến thí sinh dễ bị mất điểm khi làm bài thi Ngữ văn.

Theo Thạc sĩ Phan Thế Hoài, một số kiểu bài thí sinh dễ bị trừ điểm như làm bài lộn xộn, không theo thứ tự, phần làm bài bị thiếu… Đặc biệt, những bài viết bị tẩy xóa, sử dụng ký hiệu riêng, viết hơn hai màu mực... sẽ bị đem ra chấm hội đồng, cũng rất bất lợi về điểm số cho học sinh.

Sáng 27/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước sẽ làm bài thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Sáng 27/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước sẽ làm bài thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Phần đọc hiểu có 4 câu hỏi. Cụ thể, câu nhận biết (câu 1) thí sinh thường nhầm lẫn giữa phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ. Để tránh mất điểm ở câu này, thí sinh cần nhớ phương thức biểu đạt là cách thức, phong cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu... để thể hiện thái độ, tình cảm và ý nghĩa nào đó; còn phong cách ngôn ngữ là toàn bộ đặc điểm về cách thức diễn đạt, tạo thành kiểu diễn đạt trong mỗi loại văn bản nhất định.

Câu nhận biết cũng có thể hỏi về thể thơ, nếu không đọc kỹ ngữ liệu, học sinh sẽ trả lời sai. Một số thể thơ thường gặp là lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ (còn gọi là thể thơ tự do). Học sinh trả lời sai câu nhận biết sẽ bị điểm 0.

Câu thông hiểu (câu 2), thường có dạng theo đoạn trích, tác giả nói đến điều gì. Học sinh phải dựa vào nội dung của văn bản để trả lời, chứ không phải nói theo quan điểm của mình.

Câu 3 là câu vận dụng thấp, thường kiểm tra việc đọc hiểu một nội dung có sẵn trong ngữ liệu. Câu hỏi rất tường minh nên học sinh cần trả lời ngắn gọn, đầy đủ.

Với câu 4 là câu hỏi vận dụng thấp, thường gặp là bản thân có đồng tình với ý kiến nào đó trong ngữ liệu hay không. Học sinh có thể trả lời đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình một phần. Tuy nhiên, phải đưa ra được chính kiến của mình, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật.

Phần 2 là phần làm Văn, học sinh cần chú ý về hình thức và nội dung của câu nghị luận xã hội. Về hình thức, học sinh viết khoảng 2/3 hoặc một mặt giấy thi là đạt yêu cầu. Về nội dung, lỗi bị mất điểm ở phần này thường là xác định sai vấn đề cần nghị luận, dẫn đến viết lạc đề. Theo đó, thí sinh nên viết đoạn văn theo kiểu tổng - phân - hợp, là sự phối hợp diễn dịch với quy nạp.

Riêng câu nghị luận Văn học chiếm số điểm cao nhất trong toàn bài văn với 5 điểm. Nếu không đảm bảo đúng hình thức và cấu trúc của bài nghị luận văn học, học sinh bị trừ ít nhất 0,5 điểm. Lỗi xác định sai vấn đề cần nghị luận dẫn đến viết lạc đề, có thể bị 0 điểm.

Thầy Phan Thế Hoài cũng lưu ý thêm, thí sinh cần lưu ý đến câu hỏi phụ. Nếu bỏ sót ở câu hỏi phụ, thí sinh sẽ bị trừ 0,5 điểm. Ngoài ra, giám khảo rất thiếu thiện cảm khi học sinh làm bài lộn xộn.

Để làm tốt bài thi môn Ngữ văn, thầy Phan Thế Hoài hướng dẫn: Khi nhận đề thi, thí sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề và phân chia thời gian làm bài thi hợp lý. Thí sinh có thể phân chia thời gian làm bài thi như sau: Phần đọc hiểu thí sinh dành 15 phút làm bài; nghị luận xã hội 30 phút; nghị luận Văn học 65 phút và dành 10 phút để xem lại bài.

Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/thi-tot-nghiep-thpt-2024-nhung-loi-thi-sinh-de-bi-mat-diem-khi-lam-bai-thi-mon-ngu-van-20240625191331227.htm