Giáo dục Góc HS-SV Những 'nhà khoa học' tương lai

TTH - Không chỉ là những học sinh giỏi của Trường THCS Phạm Văn Đồng (TP. Huế), Nguyễn Xuân Nguyên và Nguyễn Văn Bảo Hoàng (lớp 9/6) còn luôn chăm chỉ, biết quan sát và sớm quan tâm đến các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sống.

Hai “nhà khoa học” tương lai Xuân Nguyên (bên trái) và Bảo Hoàng (bên phải)

Hai “nhà khoa học” tương lai Xuân Nguyên (bên trái) và Bảo Hoàng (bên phải)

Một lần đi ngang Đập Đá, Nguyên và Hoàng thấy từng đám bèo lục bình trôi nổi khá dày trên dòng sông Như Ý, ngăn chặn dòng chảy và giữ rác thải, không chỉ làm xấu dòng sông mà còn gây nguy cơ ô nhiễm dòng nước... Hai em đã tìm hiểu và biết đây chính là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nước, cản trở giao thông đường thủy, gây hại cho các loài sinh vật dưới nước…

Nhìn những cây lục bình hoa tím thơ mộng, một sự nuối tiếc khiến cách em nhen nhóm ý tưởng làm sao để có thể sử dụng những cây bèo lục bình thành một sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường, cơ bản là “giải phóng dòng chảy”. Đó chính là lý do giúp các em nghĩ ra đề tài “Tấm cách nhiệt thân thiện với môi trường”. Đề tài này đã nhận được sự ủng hộ của cô giáo Hàn Ny, giáo viên chủ nhiệm cũng là cô giáo dạy vật lý của cả hai.

Khu vực Vỹ Dạ, nơi các em sống và học tập có khá nhiều sông, hói… Những con hói có lúc bị cây lục bình làm tắc nghẽn dòng chảy, nước thải dân sinh bị ùn ứ gây ô nhiễm môi trường, nhưng bởi giá trị sử dụng không có nên không ai thu hái, khiến cây lục bình phát triển khắp các dòng chảy.

Để phục vụ đề tài, ba cô trò đã tự mình đi vớt bèo lục bình chế biến thành vật liệu. Xuân Nguyên cho biết: “Lúc mới bắt đầu thử nghiệm công thức thất bại rất nhiều, nhưng chúng em chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc, mà kiên trì nghiên cứu, thử nghiệm tiếp cho đến khi thành công”. Rất may, các em được gia đình, bạn bè, nhà trường luôn cổ vũ, động viên. Bên cạnh việc ủng hộ về tinh thần, nhà trường còn hỗ trợ kinh phí và lập nhóm phản biện, kiểm tra sản phẩm. Cô giáo Hàn Ny cũng đóng vai trò rất lớn khi là người giúp các em liên hệ nơi bán vật liệu, tìm đến những nơi có thể hỗ trợ xay, sấy, ép vật liệu,… để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Đề tài “Tấm cách nhiệt thân thiện với môi trường” đã được “nghiệm thu” tại trường và chọn tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học của học sinh THCS cấp thành phố và được đánh giá là có triển vọng. Để hoàn thiện hơn nữa, các em đã không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, song các em vẫn miệt mài nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa. Để sản phẩm bền hơn và thân thiện hơn với môi trường, hai em đã mạnh dạn sử dụng bột keo bời lời (được nghiền từ vỏ cây bời lời, sử dụng để làm chất kết dính trong sản xuất nhang), nguyên liệu thân thiện môi trường và phù hợp với bèo lục bình để làm chất kết dính. Sau quá trình nghiên cứu, ba cô trò Trường THCS Phạm Văn Đồng đã làm ra được một tấm cách nhiệt hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu, tiêu chí về thân thiện môi trường, giá cả hợp lý.

Được biết, các em đã tìm hiểu và biết thị trường vật liệu cách nhiệt hiện nay của Việt Nam, ngoài một số cơ sở chế tạo sợi thủy tinh với công suất nhỏ, dây chuyền chưa đồng bộ thì hầu hết vật liệu cách nhiệu hiệu quả cao đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chính vì vậy, sản phẩm tấm cách nhiệt được chế tạo từ nguyên liệu chính là lục bình với bột keo bời lời sẽ là một hướng đi mới cho thị trường cách nhiệt, đồng thời cũng giải quyết được vấn nạn lục bình đang gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan trên các dòng sông. Đó cũng là lý do đề tài nghiên cứu của hai em đã đạt giải nhất tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố Huế năm 2022”.

Nhận xét về hai em học trò của mình, cô giáo Hàn Ny tự hào: “Cả hai em có sức học tốt, kỹ năng tốt, có trách nhiệm, tự tin, có khả năng đi tiếp vào con đường nghiên cứu khoa học. Vì thế, tôi tin các em sẽ có cơ hội thành công trong những dự án nghiên cứu tiếp theo”.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nhung-nha-khoa-hoc-tuong-lai-a110037.html