Giáo dục iSMART: Hợp tác với 500 trường học nhưng chỉ tham gia 3 gói thầu

Công ty Giáo dục iSMART, thành viên của Tập đoàn EQuest tự giới thiệu là hợp tác với hơn 500 trường học trong cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay, iSMART mới chỉ tham gia 3 gói thầu. Tất cả đều được thực hiện trong tháng 9/2023.

Hợp tác 500 trường học...

EQuest tự giới thiệu là một trong những Tập đoàn giáo dục hàng đầu Việt Nam. Trong hệ sinh thái của EQuest, Công ty cổ phần Giáo dục iSMART là một trong những cái tên nổi bật nhất với Chương trình học iSMART (học tiếng Anh thông qua Toán và Khoa học). Chương trình này là một trong những cầu nối quan trọng để iSMART có đối tác là hơn 500 trường với hơn 120.000 học sinh khắp cả nước.

Chương trình học iSMART là một trong những hình thức đào tạo liên kết có quy mô rộng, xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. iSMART bắt đầu hành trình dạy tiếng Anh qua Toán và Khoa học tại Việt Nam từ năm 2013.

Tới năm 2021, công ty mới thành lập iSMART Online School. iSMART giới thiệu đây là trường học trực tuyến dạy tiếng Anh qua Toán và Khoa học lớn nhất Việt Nam.

 Chương trình iSMART đã đến với hơn 500 trường học cùng 120.000 học sinh nhưng hiện tại, công ty iSMART mới chỉ thực hiện 3 gói thầu, tất cả đều diễn ra trong tháng 9/2023. Ảnh minh họa

Chương trình iSMART đã đến với hơn 500 trường học cùng 120.000 học sinh nhưng hiện tại, công ty iSMART mới chỉ thực hiện 3 gói thầu, tất cả đều diễn ra trong tháng 9/2023. Ảnh minh họa

Từ năm 2021, rất nhiều trường trong cả nước đã đưa iSMART vào chương trình học “tự nguyện” nhưng được xếp trong thời gian chính khóa.

Trên website của mình, iSMART đã đăng tải ý kiến của một số Hiệu trưởng tại các ngôi trường hợp tác với công ty.

Cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Triều (TP Hà Nội) nhận xét: “Ngoài những tiết học, bên ISMART cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để các con tăng hứng thú cũng như nâng cao hiệu quả chất lượng học tập của các con hơn”.

Cô Nguyễn Thị Diệu Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Sài Đồng (TP Hà Nội) đưa ra ý kiến: “Trong 2 năm thực hiện, chương trình của ISMART nhận được sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh và đặc biệt là sự yêu thích của các em học sinh”.

… nhưng mới chỉ tham gia 3 gói thầu

Điều đáng nói, iSMART đã hợp tác với hơn 500 trường học để cung cấp Chương trình học iSMART cho 120.000 học sinh nhưng cho tới nay, công ty mới chỉ tham gia 3 gói thầu. Tất cả đều được thực hiện trong tháng 9/2023.

Cụ thể, ngày 6/9/2023, iSMART trúng Gói thầu số 1: Cung cấp dịch vụ tổ chức cho học sinh học Tiếng Anh qua môn Toán và Khoa học năm học 2023-2024 tại trường TH Vạn Bảo của bên mời thầu và chủ đầu tư là Trường tiểu học Vạn Bảo.

Giá gói thầu là 2.689.500.000 đồng, giá trúng thầu là 2.470.600,000 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 9 tháng. Kinh phí từ nguồn thu học phí của học sinh tham gia chương trình.

Ngày 14/9/2023, iSMART trúng Gói thầu số 1: Cung cấp dịch vụ tổ chức cho học sinh học Tiếng Anh qua môn Toán và Khoa học năm học 2023-2024 tại trường THCS Mai Dịch. Bên mời thầu và chủ đầu tư là Trường THCS Mai Dịch.

Giá gói thầu là 1.834.965.000 đồng, giá trúng thầu là 1.668.150.000 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 9 tháng. Kinh phí từ nguồn thu học phí của học sinh tham gia chương trình.

Ngày 15/9/2023, iSMART trúng Gói thầu số 1: Cung cấp dịch vụ tổ chức cho học sinh học Tiếng Anh qua môn Toán và Khoa học năm học 2023-2024 tại trường THCS Trương Công Giai. Bên mời thầu và chủ đầu tư là trường THCS Trương Công Giai.

Giá gói thầu là 490.050.000 đồng, giá trúng thầu là 445.500.000 đồng. Kinh phí từ nguồn thu học phí của học sinh tham gia chương trình.

Không có thông tin nào cho thấy việc iSMART hợp tác với hàng trăm trường học trong cả nước (ngoài 3 trường kể trên) có thông qua đấu thầu.

Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu chấn chỉnh

Trong tháng 9 và tháng 10 năm nay, chương trình giáo dục iSMART được báo chí “nhắc” tới nhiều khi khá đông phụ huynh đưa ra quan điểm không hưởng ứng. Theo đó, iSMART được khẳng định là chương trình “tự nguyện”, phụ huynh được lựa chọn có hay không cho con tham gia chương trình. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tờ báo cho biết các môn iSMART lại được sắp xếp vào giờ chính khóa.

Nhiều người sợ con “bơ vơ” nên “đành” ký vào đơn “tự nguyện” cho con. Trong khi đó, một số khác do hoàn cảnh khó khăn, không muốn cho con học thì được yêu cầu đi gặp… hiệu trưởng.

Trước sự phản ứng của đông đảo phụ huynh, ngày 28/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 5333/BGDĐT-GDTrH gửi các sở Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Trong đó, Bộ đề nghị các Sở tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.

Sau đó, hồi đầu tháng 10/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không chèn giờ dạy liên kết vào chính khóa nếu lớp đó không đủ 100% học sinh tự nguyện tham gia.

Cũng từ đầu tháng 10, các trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội đồng loạt tạm dừng, dạy liên kết, sắp xếp lại thời khóa biểu.

Sở Giáo dục vào Đào tạo tỉnh Ninh Bình yêu cầu các trường học phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục tổ chức hoạt động đảm bảo hiệu quả, khoa học, hợp lý, không cắt xén thời gian dạy học chính khóa để tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa.

Phụ huynh vẫn phải “tự nguyện”

Như đã nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không chèn giờ dạy liên kết vào chính khóa nếu lớp đó không đủ 100% học sinh tự nguyện tham gia.

Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng này vẫn đang diễn ra khi phụ huynh vẫn “tự nguyện” cho con học.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận trong ngày 12/12, chị Hồng Phương cho biết hiện tại, con chị (học sinh lớp 2 tại một của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội) vẫn tham gia chương trình iSMART với 3 môn tiếng Anh, học phí 3 môn mỗi tháng là 450.000 đồng. Và giờ học các môn này vẫn được xếp trong giờ chính khóa.

Chị Phương khẳng định với học sinh khác chị không đánh giá nhưng với riêng con chị, chị thấy chương trình chưa có hiệu quả. Sau 2 năm học tập với chi phí hàng triệu đồng, con chị vẫn chưa biết nói câu “Tên bạn là gì” bằng tiếng Anh.

Dù vậy, khi nhà trường đưa giấy “tự nguyện” tham gia chương trình iSMART, chị vẫn phải ký vì: “Môn học diễn ra trong giờ chính khóa. Nếu không ký cho con học thì con phải lang thang ở sân trường ?”.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giao-duc-ismart-hop-tac-voi-500-truong-hoc-nhung-chi-tham-gia-3-goi-thau-post276275.html