Giáo dục Khuyến học Khuyến học từ nhà ra cộng đồng

TTH - Qua triển khai đề án 'Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020', toàn tỉnh xây dựng được nhiều mô hình học tập tiêu biểu mang tính lan tỏa, khơi dậy và phát huy được truyền thống hiếu học của vùng đất.

Hội khuyến học xã Phú An tổ chức Lễ trao học bổng “VÌ EM HIẾU HỌC” cho học sinh xuất sắc 3 trường trên địa bàn xã do Vietttel Thừa Thiên Huế tài trợ. Ảnh: HT

Từ những điểm sáng

Tiêu biểu qua mô hình “Gia đình học tập” có gia đình ông Trần Xuân Phương ở xã Hương Sơn (Nam Đông), ông Nguyễn Văn Nhân ở Lộc Điền (Phú Lộc)… đã vượt khó, vươn lên và giáo dục con cái thành tài. Các dòng họ Nguyễn Văn ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc), Cơ Xích (A Lưới)… có phong trào xây dựng mô hình dòng họ học tập tốt. Tổ dân phố 7 phường Phường Đúc (TP. Huế), thôn La Phú thuộc xã Lộc Hòa (Phú Lộc)… là điển hình trong phong trào học tập của người lớn tuổi. Các trường: tiểu học Số 2 Phú Bài (Hương Thủy), tiểu học Số 1 Lộc Trì (Phú Lộc)... là đơn vị tiêu biểu trong phong trào học tập suốt đời trong tỉnh.

Hương Thủy là một trong những điểm sáng. Các danh hiệu học tập hằng năm đạt tỷ lệ cao, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh giao; cụ thể như gia đình học tập đạt 70%, dòng họ học tập đạt 35%, cộng đồng học tập đạt 80 - 90%, đơn vị học tập đạt trên 80%... Bước đầu tổ chức chỉ đạo điểm ở xã Thủy Phù và phường Thủy Dương, phong trào học tập suốt đời ở Hương Thủy sau đó được nhân rộng và lan tỏa khắp trên địa bàn thị xã. Hội Khuyến học đã tham mưu tổ chức xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu từng năm, từng giai đoạn của thị xã để các xã, phường, cơ sở thực hiện, hướng dẫn tổ chức đăng ký và bình xét các danh hiệu học tập ở cơ sở.

Từ các mô hình học tập được triển khai, nhân rộng trong cộng đồng đã có tác động tích cực trong đời sống Nhân dân; giúp cho người dân thoát nghèo, vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng nhờ được trang bị tri thức mới, kỹ năng mới, nhờ được học thêm nghề, có việc làm ổn định, tạo ra mô hình sản xuất - kinh doanh mới. Các mô hình học tập đã đem lại lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi gia đình và cộng đồng.

Cần sự gắn kết

Đến năm 2021, toàn tỉnh có 149.138/275.742 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (đạt 54,1%); 723/2.077 dòng họ được bầu chọn “Dòng họ học tập” (đạt 34,8%); 725/1043 thôn, tổ dân phố đạt “Cộng đồng học tập” cấp cơ sở (đạt 69,5%); 534/655 đơn vị (cơ quan, trường học, doanh nghiệp) đạt “Đơn vị học tập” (đạt 81,5%).

Để thực hiện tốt hơn đề án quan trọng này, bên cạnh nâng cao vai trò của tổ chức Đảng và hiệu quả hoạt động của tổ chức hội khuyến học các cấp, thiết nghĩ nên có chủ trương gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư” với “Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”. Việc phát động đăng ký và bầu chọn các danh hiệu “Gia đình và Đơn vị văn hóa” nên tiến hành đồng thời với việc phát động các gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị phấn đấu đạt các danh hiệu học tập.

An Nhiên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/khuyen-hoc-tu-nha-ra-cong-dong-a106161.html