Giáo dục kỷ luật tích cực, nhân văn

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông với nhiều điểm mới, trong đó có bổ sung thêm các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực, nhân văn. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến của bạn đọc về những quy định mới này.

Luật sư TRẦN VĂN HÙNG, Công ty Luật TNHH Bùi Gia và Cộng sự: Kỷ luật dựa trên nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của học sinh

Ở Việt Nam, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật là dưới 18 tuổi, đồng thời cũng có quy định riêng về những chế định pháp luật đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể. Ở góc độ pháp lý quốc tế, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, nên các giải pháp để ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên không phải bằng cách tăng hình phạt mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho trẻ em.

Cũng trên tinh thần đó, có thể thấy Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông với nhiều điểm mới, trong đó có bổ sung thêm các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực là một quy định tiến bộ, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Trong khi thông tư cũ còn mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm thì dự thảo thông tư mới phù hợp hơn với tinh thần của Luật Giáo dục năm 2019, phù hợp với những quan điểm đổi mới trong một số bộ luật vừa được Quốc hội thông qua, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016. Khi việc kỷ luật dựa trên nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của học sinh, chúng ta sẽ có một nền giáo dục kỷ cương và nhân văn.

DƯƠNG SAO (ghi)

-----------------------------

Thầy giáo ĐỖ TẤN NGỌC, Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi: Phát huy tinh thần trách nhiệm của giáo viên

Dự thảo thông tư không còn điều khoản “buộc thôi học” học sinh như trước. Việc khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường cũng được bỏ. Đồng thời, dự thảo thông tư cũng yêu cầu giáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục học sinh... Đây là quy định tích cực, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; thể hiện tính nhân văn, đề cao biện pháp giáo dục trên cơ sở tinh thần trách nhiệm của giáo viên, nhà trường thay vì nặng về xử phạt học sinh.

Tuy nhiên, nhà trường không phải là môi trường giáo dục duy nhất đối với học sinh. Để xây dựng môi trường học tập hiệu quả, thân thiện cần xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình học sinh và địa phương trong việc hỗ trợ giáo dục, giám sát quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; kết hợp giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức trong nhà trường. Đồng thời, cần có thêm những lớp tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho giáo viên trong việc lập kế hoạch giáo dục đặc biệt để thực hiện đúng và phát huy hiệu quả, tính ưu việt của thông tư mới.

CÔNG LƯƠNG (ghi)

 Một giờ hoạt động ngoại khóa tại Trường Tiểu học Thực nghiệm (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: TRỊNH PHÚ SƠN.

Một giờ hoạt động ngoại khóa tại Trường Tiểu học Thực nghiệm (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: TRỊNH PHÚ SƠN.

Cô giáo PHÙNG THỊ TÂM, Trường Tiểu học Gia Khánh A, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc: Cảm hóa bằng tình yêu thương

Tôi rất đồng tình với quy định nêu trong dự thảo: “Giáo viên thu thập các thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm”.

Học sinh “cá biệt” thường là những em có cá tính mạnh, hay bộc lộ tính cách bản thân và thực ra các em cũng là người dễ tổn thương, là nạn nhân của người lớn. Nhiều năm trong nghề, tôi đã gặp không ít học sinh “cá biệt”. Tôi nhớ nhất trường hợp một em học sinh lớp 5. Em này có xu hướng bạo lực. Trong khi tham gia chơi trò chơi với các bạn, do bạn để đội mình thua, em đã tức giận dùng kéo đâm bạn. Một lần khác, do không hài lòng về bạn, em đã lấy ghế ngồi để đánh, khi thầy cô giáo can ngăn thì em nói tục với cả thầy cô... Với những vi phạm như thế, có thể áp dụng các hình thức kỷ luật. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, nếu chỉ kỷ luật mà không hiểu, chia sẻ và có hình thức giáo dục phù hợp thì em học sinh này sẽ không thể tiến bộ.

Trước những học sinh "cá biệt" như vậy, tôi thường tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lý, quan hệ bạn bè của các em để từ đó đưa ra phương pháp giáo dục riêng. Với em học sinh nói trên, qua tìm hiểu được biết bố em là người nghiện ma túy, mẹ không có việc làm, thường phạt em bằng hình phạt khắt khe khi em mắc lỗi... Có lẽ đây là nguyên nhân khiến em trở thành một học sinh chưa ngoan. Tôi đã chọn cách gần gũi, quan tâm đến em, uốn nắn em trong từng lời nói, hành động, quyết tâm cảm hóa em bằng tình yêu thương. Thông qua hành động của cô giáo, em thấy mình vẫn được yêu thương, được tin tưởng và đã dần tiến bộ...

PHƯƠNG HIỀN (ghi)

-------------------------

Chị LÊ THỊ CHI, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên: Để môi trường giáo dục đầy tính nhân văn

Là một phụ huynh có hai con đang là học sinh bậc THCS và THPT, tôi rất phấn khởi và ủng hộ dự thảo thông tư mới của Bộ GD&ĐT, bởi trong đó quy định: “Không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh”; chỉ có các mức khiển trách, cảnh cáo và “tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm”. Quy định này tạo cảm giác an tâm về tâm lý cho cả học sinh và phụ huynh, góp phần xây dựng và duy trì môi trường giáo dục nhân văn, hiệu quả.

Hiện nay, tâm sinh lý học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống, từ hoàn cảnh gia đình. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ thường xuyên cãi nhau, đánh nhau, ly hôn, phải ở với ông bà hoặc cha mẹ mải lo làm ăn không có thời gian quan tâm, dạy dỗ con cái... Những trường hợp như vậy rất cần sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, giáo dục từ các thầy cô giáo trong nhà trường. Thực tế cho thấy các hình thức kỷ luật như “buộc thôi học”, “đuổi học” trước đây chưa thực sự mang lại hiệu quả giáo dục. Một đứa trẻ đang trong quá trình phát triển tâm sinh lý, khi bị "lên án", kỷ luật trước đám đông sẽ bị tổn thương, ám ảnh, dễ dẫn đến tâm lý tự ti, mặc cảm...

BẠCH DƯƠNG (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/giao-duc-ky-luat-tich-cuc-nhan-van-635778