Giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT xung quanh vấn đề này. Bà Ái cho biết:

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa). Ảnh: TRUNG HIẾU

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa). Ảnh: TRUNG HIẾU

- Giáo dục kỹ năng công dân số (KNCDS) là đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm mã nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho các em. Việc trang bị KNCDS giúp học sinh có kỹ năng và năng lực học tập, sống và làm việc an toàn, hiệu quả trong môi trường số ngày càng phát triển.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái

* Bà có thể nói rõ hơn về nội dung giáo dục KNCDS?

- Nội dung giáo dục KNCDS dành cho cấp tiểu học bao gồm chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học cấp tiểu học và các nội dung được xác định dựa trên khung năng lực số (NLS) dành cho học sinh cấp tiểu học.

Các nội dung giáo dục KNCDS được lựa chọn đáp ứng 7 miền năng lực trong khung NLS với 26 năng lực thành phần. Mỗi năng lực thành phần được mô tả chi tiết, các mô tả này làm rõ những kiến thức, kỹ năng và mức độ đạt được của học sinh tương ứng với mỗi miền năng lực và mỗi năng lực thành phần, đảm bảo có thể đo lường được.

* Tổ chức giáo dục KNCDS đối với môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Tin học là môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 đối với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 và môn học tự chọn đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Chương trình được thiết kế nhằm thực hiện vai trò chủ đạo trong việc giáo dục hình thành và phát triển năng lực Tin học với 5 thành phần năng lực thông qua 7 chủ đề nội dung và 3 mạch kiến thức hòa quyện.

Với 5 chủ đề thành phần năng lực, 7 chủ đề nội dung và 3 mạch kiến thức hòa quyện đáp ứng 7 miền năng lực của khung NLS, Chương trình GDPT 2018 môn Tin học có cấu trúc, nội dung đáp ứng khung NLS. Dạy môn Tin học theo Chương trình GDPT 2018 là một hình thức thực hiện giáo dục KNCDS. Đây là hình thức chủ đạo, cơ bản trong các hình thức giáo dục KNCDS cho học sinh tiểu học.

* Đối với việc tích hợp giáo dục KNCDS trong dạy học các môn học, hoạt động giáo dục sẽ triển khai ra sao?

- Trong các môn học, hoạt động giáo dục thuộc Chương trình GDPT 2018 đều hàm chứa những nội dung, cơ hội để hình thành, phát triển năng lực Tin học và thực hiện giáo dục KNCDS cho học sinh. Do đó, việc tích hợp nội dung giáo dục KNCDS vào quá trình dạy học các môn học là một giải pháp khả thi và hiệu quả để thực hiện giáo dục KNCDS cho học sinh cấp tiểu học.

Trong dạy học tích hợp giáo dục KNCDS, giáo viên có nhiệm vụ nghiên cứu chương trình môn học, thực hiện tham chiếu chương trình môn học với khung NLS để xây dựng kế hoạch dạy học môn học, trong đó xác định rõ địa chỉ, nội dung, hình thức tích hợp giáo dục KNCDS; xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm mục tiêu, yêu cầu cần đạt của bài học, đồng thời tích hợp nội dung giáo dục KNCDS một cách hiệu quả nhằm phát triển một hay nhiều năng lực thành phần thuộc một hay nhiều năng lực của khung NLS.

Giáo dục KNCDS tích hợp trong dạy học các môn học ở cấp tiểu học chú trọng cả hình thức tích hợp nội môn và liên môn. Việc thiết kế và tổ chức dạy học bài học tích hợp nội dung giáo dục KNCDS có thể sử dụng hình thức bài học Stem theo một trong hai tiến trình thiết kế kỹ thuật hay nghiên cứu khoa học.

* Việc dạy tăng cường giáo dục KNCDS có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa bà?

- Tăng cường giáo dục KNCDS là bổ sung, tăng cường nội dung và thời lượng giáo dục KNCDS trong kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó tăng cường nội dung giáo dục KNCDS cho học sinh lớp 1, lớp 2 để sớm hình thành kỹ năng cần thiết cho các em, đồng thời làm cơ sở để học sinh tiếp cận, học tập thuận lợi môn Tin học ở các lớp tiếp theo.

Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5 tăng cường thời lượng, nội dung theo từng chủ đề, mạch kiến thức, miền năng lực nhằm củng cố, khắc sâu chương trình GDPT môn Tin học, đồng thời tạo điều kiện để học sinh được nghiên cứu, khám phá, đào sâu, mở rộng kiến thức Tin học, phát triển năng lực Tin học đáp ứng khung NLS.

Dạy học tăng cường nội dung giáo dục KNCDS thường được tổ chức theo bài học/tiết học trên quy mô, phạm vi lớp học của cơ sở giáo dục, có thể dạy trải đều theo số tiết/tuần (1-2 tiết/tuần) hoặc thành các chủ đề theo từng giai đoạn trong năm học. Căn cứ khung NLS và điều kiện thực tiễn, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tăng cường giáo dục KNCDS với nội dung và thời lượng phù hợp.

* Xin cảm ơn bà!

TRUNG HIẾU (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/319227/giao-duc-ky-nang-cong-dan-so-o-cap-tieu-hoc.html