Giáo dục kỹ năng sống: Nghịch lý thiếu – thừa
Hai vụ tai nạn đau lòng xảy ra với trẻ trong tuần thứ 2 của tháng 8-2019 một lần nữa cảnh báo về sự thiếu hụt những kỹ năng sống (KNS) ở lứa tuổi này, thậm chí ở cả người lớn. Báo động về sự thiếu hụt những kỹ năng cơ bản để trẻ thích nghi với cuộc sống là vấn đề không mới.
Trong quá trình tìm lời giải cho bài toán đã cũ ấy, các gia đình, nhà trường tích cực tìm cách khắc phục, bù đắp kiến thức KNS cho học sinh nhưng đang vấp phải không ít khó khăn, thậm chí đã xảy ra những mặt trái và hệ lụy không mong muốn.
Người lớn cũng thiếu kỹ năng
Ba ngày sau trường hợp bé trai 6 tuổi tử vong tại Trường Tiểu học Quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội), dư luận tiếp tục bàng hoàng, ngóng theo các thông tin tích cực về quá trình điều trị của 3 trẻ lớp mẫu giáo bị bỏng nặng tại Hà Nam.
Đáng buồn là sự việc xảy ra tại chính tiết học về KNS. Sự việc được thông tin khá ngắn gọn: Trong lúc học, các cô giáo đã dùng cồn đổ vào mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ. Đúng lúc đó, gió lớn thổi từ cửa sổ đã tạt ngọn lửa đang cháy trong mâm vào người 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng. Ngay trong đêm, cả 3 cháu bé được chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia cấp cứu.
Sau sự việc, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Duy Tiên (Hà Nam) khẳng định, giáo viên của nhóm trẻ này cũng như 100% giáo viên đứng lớp mầm non của huyện đã được Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tập huấn và cấp chứng chỉ; nhưng đây là một vụ tai nạn rất đáng tiếc và không ai mong muốn.
Nội dung học được lý giải là tạo tình huống mô phỏng, giúp trẻ nhận biết hiểm nguy, biết kêu cứu và chạy khỏi nơi nguy hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, thay vì bài học về KNS các em nhận được, thì đã có 3 trẻ nhỏ bị bỏng nặng. Nguyên nhân của vụ việc đang chờ kết luận từ cơ quan công an.
Sự việc này đặt ra một vấn đề: Để dạy các kỹ năng an toàn cho trẻ nhỏ thì chính người lớn phải có kỹ năng trước. Trở lại với vụ việc đau lòng xảy ra tại Trường Tiểu học Quốc tế Gateway, trước khi bàn về tinh thần trách nhiệm khi để quên trẻ trên xe, rõ ràng người phụ nữ được giao đưa đón trẻ cũng thiếu nhiều kỹ năng trong công việc.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc dạy KNS nhưng lại phản tác dụng, thậm chí gây mất an toàn cho người học?
Phối hợp chưa tốt
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho biết, từ trước đến nay, việc giáo dục kỹ năng cho học sinh được thực hiện theo Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28-2-2014 và Công văn số 463/BGDĐT-GDTX ngày 28-1-2015 của Bộ GD-ĐT về hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục KNS tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Từ tháng 1-2019, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản đề nghị phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã và các trường phổ thông tạm dừng thực hiện việc dạy KNS trong giờ chính khóa. Tuy nhiên, các trường vẫn hợp tác với các trung tâm giáo dục dạy ngoại khóa về kỹ năng phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, xâm hại tình dục, an ninh mạng...
Tại Công văn số 463, Bộ GD-ĐT yêu cầu các tổ chức giáo dục KNS cho học sinh phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, phát huy tính tự quản, chủ động, sáng tạo của học sinh; không xác định thời gian giáo dục KNS ở các cấp học là bao nhiêu mà để các trường tự xác định thời gian; căn cứ điều kiện của nhà trường, thực tế của địa phương và đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, khả năng, nhu cầu của học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục KNS, tránh việc tổ chức hình thức, quá tải, khiên cưỡng; không gây áp lực, không ép buộc học sinh tham gia.
“Về nội dung học cũng không được chuẩn hóa, bởi công văn này chỉ nêu những định hướng chung chung, chưa quy định về sách giáo khoa chuẩn dùng để giảng dạy”, ông Tuấn nêu thêm.
Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Hồng Thuận, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học và giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định, các văn bản hướng dẫn triển khai giáo dục KNS ở các cấp học còn thiếu, chưa chuẩn và việc kiểm tra thực tiễn chưa sát sao. Hơn nữa, hoạt động giáo dục KNS cho học sinh là hoạt động giáo dục ngoài giờ, phương thức giảng dạy mang tính mở, hình thức phong phú, đa dạng.
“Trên thực tế, có nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt, tùy vào điều kiện hoàn cảnh cơ sở vật chất của địa phương, đơn vị. Do đó, mới dẫn đến tình trạng dạy KNS nhưng lại gây mất an toàn cho học sinh”, PGS-TS Nguyễn Hồng Thuận nêu.
Phân tích thêm về nguyên nhân sâu xa, PGS-TS Nguyễn Hồng Thuận cho rằng, Bộ GD-ĐT đã trao quyền cho các địa phương tự xây dựng chương trình dạy phù hợp và đào tạo cho các giáo viên kỹ năng dạy bộ môn này trong nhà trường. Nếu địa phương không tự xây dựng được có thể phối hợp với các trung tâm giáo dục KNS đào tạo. Tuy nhiên, các chương trình phối hợp này phải được thẩm định chặt chẽ (về tiêu chuẩn giáo viên, cơ sở vật chất, giáo cụ trực quan phù hợp...), nhưng việc này chưa được thực hiện tốt dẫn đến không bảo đảm an toàn cho học sinh.
Sự thiếu hụt quy trình chuẩn mực trong giáo dục KNS đang tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy nguy hại nếu không sớm được khắc phục, chấn chỉnh, nhất là tình trạng các chương trình, trung tâm giáo dục KNS đang “trăm hoa đua nở” như hiện nay.
Hoang mang giữa “biển” học kỹ năng sống
Nếu gõ cụm từ giáo dục kỹ năng sống trên Google, chúng ta nhận được khoảng 9.350.000 kết quả trong 0,37 giây. Như vậy, lượng thông tin và quan tâm về KNS là rất lớn. Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh (Học viện Thành công) phân tích, ở khía cạnh tích cực thì đó là một tin tốt vì có nhiều phụ huynh, bạn trẻ muốn tìm hiểu về KNS. Tuy nhiên, chất lượng của các khóa học KNS thì “thượng vàng, hạ cám”. Nói một cách hình tượng, số lượng các khóa học KNS giống như "nấm mọc sau mưa", nhưng nấm độc hay nấm tốt thì không phải ai cũng phân biệt được.
Các khóa học và các trung tâm KNS cũng vậy, nhiều trung tâm quảng cáo, truyền thông rất hoành tráng nhưng không có một giảng viên, diễn giả chuyên trách mà hoàn toàn đi thuê ngoài. Chất lượng giảng viên, diễn giả cũng vậy, chỉ tham gia một vài khóa học ngắn hạn, không có chuyên môn rồi tự phong "diễn giả số 1"; "Master"; "Phù thủy"... và đẩy giá thành các khóa học lên cao để "lòe" người học. Vì vậy, phụ huynh và học sinh cần hết sức tỉnh táo khi tham gia các chương trình học này.
Một số chương trình giảng dạy cho trẻ em cách chạy thoát, đánh lại, vặn tay đối phương… Tôi rất lo vì các vụ xâm hại tình dục được gây ra bởi người thân quen của trẻ. Trẻ dù giỏi mấy thì khi ở trước người to lớn hơn khó mà chống đỡ.
Tại buổi tọa đàm có chủ đề “xâm hại trong học đường” mới được tổ chức, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cũng tỏ ra lo ngại khi đề cập đến vấn đề cho trẻ học các lớp KNS.
“Một số chương trình giảng dạy cho trẻ em cách chạy thoát, đánh lại, vặn tay đối phương… Tôi rất lo vì các vụ xâm hại tình dục được gây ra bởi người thân quen của trẻ. Trẻ dù giỏi mấy thì khi ở trước người to lớn hơn khó mà chống đỡ. Những kẻ tìm cách xâm hại tình dục trẻ em ngoài sức mạnh, còn có kế hoạch, âm mưu rất bền bỉ như cho kẹo, tiền, tăng quà… Đó là những vũ khí ngọt ngào, chứ không phải đối tượng lập tức xông vào trẻ, nên việc chống cự lại có thể sẽ khiến trẻ bị tổn hại về thể chất. Dạy trẻ như thế nào cần phải có sự thảo luận, chương trình cụ thể, quy định rõ. Không phải ai tự nhận mình là chuyên gia, lên truyền hình dạy cho hàng nghìn người, thì cái gì họ nói cũng đúng” - bà Vân Anh nói.
Từ thực tế trên, những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực như bà Nguyễn Thị Vân Anh hay PGS-TS Nguyễn Hồng Thuận đều mong muốn Bộ GD-ĐT sớm ban hành một quy trình chuẩn trong giáo dục KNS cho trẻ. Và cơ sở để ban hành quy trình chuẩn này nên có sự tham khảo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Trẻ em nước ngoài học kỹ năng sống ra sao?
Tại Nhật Bản, gia đình được coi là nơi đầu tiên ươm mầm những KNS cho trẻ và trường học cũng chú trọng giáo dục kỹ năng ngay từ những năm tháng đầu đời. Ở trường học, trẻ không học môn KNS riêng lẻ mà việc dạy KNS được lồng ghép vào nhiều môn học khác nhau.
Người Nhật quan niệm, việc rèn luyện để trẻ thích nghi với môi trường sống và tôi luyện bản năng sinh tồn, xử lý các tình huống trong cuộc sống là rất quan trọng. Tại quốc gia này có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những trẻ nhỏ mặc quần đùi đi học mẫu giáo trong những ngày mùa đông giá rét, hay học sinh lớp một tập thể dục dưới trời nắng nóng mà không đội mũ.
Khi lớn lên một chút, trẻ em được dạy cách kiềm chế sợ hãi, bình tĩnh xử lý vấn đề và cách bảo vệ bản thân trong trường hợp xảy ra những tình huống nguy hiểm, bao gồm cả động đất, sóng thần... Từ 6 tuổi, trẻ em Nhật Bản đã tự đi học một mình, tự bắt tàu, xe và tham gia giao thông tại những ga tàu đông đúc bậc nhất thế giới để đến trường mà không có cha mẹ đi cùng.
Tại Singapore, với triết lý giáo dục “Nhà trường tư duy - quốc gia học tập”, nền giáo dục Singapore chú trọng dạy học sinh cách suy nghĩ, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, thay vì nhồi nhét kiến thức cho học sinh. Việc phát triển kỹ năng mềm, tăng cường hoạt động ngoại khóa, xã hội và giáo dục công dân được quan tâm ngang hàng với việc truyền tải kiến thức. Nhiều trường học ở Singapore phát triển các chương trình nhằm rèn luyện thể lực và kỹ năng sinh tồn cho trẻ như: Leo núi, học xem bản đồ, đu dây qua vực, sơ cứu khi bị thương, bịt mắt đi đường mòn, chế tạo bè gỗ, nấu ăn ngoài trời…
Còn tại Mỹ, trong nền văn hóa luôn đánh giá cao sự độc lập, tự tin của mỗi con người, các bậc phụ huynh và nhà trường luôn tạo điều kiện để trẻ có thể tiếp thu được những bài học bổ ích thông qua những trải nghiệm thực tế ngoài kiến thức trong sách vở. Việc dạy KNS cho trẻ được khéo léo kết hợp với những buổi hoạt động ngoại khóa hay trò chơi ngoài trời. Ngay từ khi tròn 1 tuổi, bé được khuyến khích học bơi để tránh nguy cơ bị đuối nước sau này.
Đối với những bé lớn hơn, ngoài các kỹ năng vệ sinh cá nhân, văn hóa ứng xử, người Mỹ còn dạy kỹ năng sinh tồn để trẻ có thể tự mình sống sót khi phải rơi vào những tình huống nguy hiểm. Những chương trình hướng đạo sinh diễn ra trong môi trường tự nhiên với nhiều khó khăn, thử thách như những chuyến đi bộ đường dài, leo núi, cắm trại hay những cuộc phiêu lưu trong rừng... giúp trẻ rèn luyện thói quen tự chủ và vận dụng trí thông minh, khả năng sáng tạo để thoát hiểm trong những tình huống nguy cấp.
Quay trở lại với Việt Nam, trong khi chờ các cơ quan quản lý ban hành quy trình chuẩn trong giáo dục KNS, các phụ huynh cần tham khảo nhiều khuyến nghị từ các chuyên gia trong việc lựa chọn chương trình học cho con em mình.
Học kỹ năng sống sao cho đúng cách?
Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh cho rằng, để chọn được chương trình phù hợp cho con, các phụ huynh lưu ý việc chọn “thầy” cho con. Điều này quan trọng nhất vì một người thầy không có đạo đức, nghị lực và trí tuệ đủ lớn sẽ ảnh hưởng và gây ảo tưởng cho con rất nhiều. Tiếp đó, việc chọn chương trình học phải phù hợp với độ tuổi, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của con, không nên cho con tham gia các khóa học, các chương trình đặt nhái theo các chương trình uy tín. Giáo dục mà không liêm chính sẽ tạo ra những sản phẩm vô cùng nguy hại.
“Việc chọn bạn, chọn đồng đội cho con cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu tham gia khóa học mà trẻ có những người bạn cùng tư duy sẽ giúp con có môi trường tốt để rèn luyện. Tuy nhiên, nếu chỉ sau một số ngày ngắn ngủi, sẽ không đủ để con vận dụng kiến thức thành kỹ năng, mà rất cần môi trường để con rèn luyện, nên phụ huynh cần tìm những khóa học có các hoạt động chăm sóc hậu kỳ như các CLB cho con sau khóa học, các nhóm kết nối phụ huynh giúp con cùng tiến bộ”, ông Việt Anh nêu.
Tại gia đình, cha mẹ cũng cần tạo môi trường cùng con rèn luyện thường xuyên để những kỹ năng sống thành phản xạ, không nên trông chờ vào một chương trình nào đó có thể giúp con ngay lập tức trở nên hoàn hảo, vì việc học tập cần liên tục và suốt đời.
Xét trên khía cạnh quản lý nhà nước, rất cần có những quy chuẩn để đánh giá trình độ, cấp độ giảng viên, giáo trình quy chuẩn để bảo đảm hiệu quả trong việc đào tạo KNS. GS.TS Nguyễn Hồng Thuận lạc quan khi cho rằng, những bất cập trong giáo dục KNS hiện nay chắc chắn sẽ giải quyết được khi chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng trong thời gian tới.
“Chương trình giáo dục phổ thông mới nêu rõ quy định trong đào tạo KNS cho học sinh, các nhà trường nếu phối hợp với các trung tâm bên ngoài thì phải có sự thẩm định của Sở GD-ĐT địa phương đó về các tiêu chí đạt chuẩn về nội dung chương trình, giáo viên và cơ sở vật chất bảo đảm an toàn cho học sinh”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận nêu.
Hy vọng cùng những chuyển biến về công tác quản lý, những bất cập hiện nay trong giáo dục KNS sẽ sớm được khắc phục. Để cân bằng lại giữa nền giáo dục nặng về truyền tải lý thuyết trong nhà trường suốt thời gian dài, nhu cầu trang bị thêm kiến thức KNS là tất yếu, để không chỉ trẻ nhỏ, mà cả người lớn, tự tin thích ứng, hòa nhập với cuộc sống.