Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà tiền đầu tư lại ở hàng cuối thì thật mâu thuẫn
Chất lượng giáo dục ngày nay không thể mua bằng giá rẻ. Và đầu tư cho giáo dục được coi là đầu tư phát triển.
LTS: Theo kế hoạch, ngày 12/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ” tại Trường Đại học Cần Thơ.
Trước thềm diễn ra hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng– nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có chia sẻ quan điểm về 3 loại nguồn lực cho giáo dục đại học gồm con người, tài chính và công nghệ, cùng với đó là các kiến nghị.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả bài viết của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.
Nội dung của chủ đề “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ” rất rộng, ở đây tôi chỉ xin được nêu có giới hạn một số ý kiến về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính và nguồn lực công nghệ. Cũng không phải nói riêng cho một trường nào, mà là nói chung cho giáo dục đại học của Việt Nam trong thời kỳ này. Chắc chắn là chưa đầy đủ. Trong 3 nội dung đó, xin xếp yếu tố con người vào vị trí đầu tiên vì ý nghĩa và vai trò quan trọng của chính nó.
Về nguồn lực con người
Nói ở đây khuôn lại trong giới hạn là những người làm công tác quản trị, quản lý, kể cả quản trị nhà trường và quản trị vĩ mô về giáo dục trên toàn quốc, cùng với những thầy cô đang giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học.
Những người làm công tác quản trị giỏi có vai trò hết sức quan trọng, chính họ sẽ tìm được và nghĩ ra các nguồn lực quan trọng khác để phát triển giáo dục trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, đồng thời tổ chức công việc sao cho những người thầy giỏi có thể phát huy được tối đa năng lực của mình.
Lâu nay chúng ta nhiều khi cũng chưa thấy hết vấn đề, suy nghĩ đơn giản và dễ dãi trong việc bố trí người làm công tác quản trị, đó là chưa kể những yếu tố tiêu cực tác động vào công tác cán bộ.
Không ít trường hợp ai trúng vào cấp ủy hay hội đồng nhân dân thì nghĩ là sẽ làm được, có thể phân công phụ trách, coi đó là yếu tố đứng đầu hơn các yếu tố khác. Cấp ủy viên và đại biểu hội đồng nhân dân đối với nước ta đương nhiên là rất quan trọng, nhưng công tác Đảng và đoàn thể khác với quản trị đại học. Đúng ra phải nắm vững tiêu chí đầu tiên phải là người có khả năng quản trị công việc đặc thù của ngành này.
Người có khả năng quản trị tốt mà không hoặc chưa phải là đảng viên thì vẫn có thể phụ trách được chứ sao đâu. Thời Bác Hồ còn sống, nước ta đã có bộ trưởng, phó thủ tướng và quyền chủ tịch nước không phải đảng viên đó chứ đâu xa lạ. Còn trong đảng viên vẫn có nhiều người khác không phải cấp ủy viên nhưng biết làm quản trị tốt chứ không phải không có. Nhiều cơ sở đào tạo tốt xét đến cùng sẽ thấy chủ yếu là do bố trí đúng người đứng đầu, những nơi có vấn đề và bê bết cũng như vậy, chính là do người đứng đầu yếu kém.
Khi nói đến kế hoạch phát triển thì nhiều người thường nêu câu hỏi đầu tiên là tiền đâu để mà thực hiện. Tiền đương nhiên là cần phải có. Có thực mới vực được đạo như người xưa đã nói. Nhưng có lẽ câu hỏi đầu tiên là ai sẽ quản trị chứ chưa phải tiền đâu. Người quản trị giỏi họ biết trả lời câu hỏi tiền đâu, biết sử dụng tiền ít để làm ra nhiều hơn, hoặc cuối cùng họ thay đổi căn bản kế hoạch để có lối ra khả thi hơn. Người không biết quản trị có khi tiền nhiều nhưng vẫn thất bại và mất luôn cả tiền, cả người, cả lòng tin.
Các nước phát triển họ có nhiều kinh nghiệm đào tạo đội ngũ giỏi về quản trị. Những con người ấy tất nhiên vẫn có một phần do năng lực, nhưng nhìn chung chủ yếu vẫn là do đào tạo mà thành. Nhà nước cần quan tâm đầu tư cho đào tạo đội ngũ quản trị, vừa hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao kinh nghiệm, vừa có chính sách khuyến khích khởi nghiệp. Ở những trường đào tạo xuất sắc, sau khi học sinh ra trường họ không chú trọng hàng đầu việc xin việc làm được hay không, mà là những học sinh ấy đã tạo ra được bao nhiêu việc làm cho mọi người, đó chính là sự thành công trong khởi nghiệp. Điều này không phải nói riêng cho ngành sư phạm mà là nói chung đối với giáo dục đại học.
Ở các nước phát triển, mà nước ta trước đây cũng có thời kỳ như vậy, các trường sư phạm thường tuyển người giỏi. Chứ không phải "chuột chạy cùng sào". Tất nhiên người giỏi thì phải có chế độ lương thích đáng, mà thực ra ở cấp trường chỉ cần đưa ra cơ chế phù hợp và bố trí đúng người đứng đầu rồi tự họ tạo ra lương cho cả đơn vị. Còn tư lệnh vùng, tư lệnh ngành tất nhiên phải trong tương quan chung với các ngành khác, tức là trong bài toán chung. Nhưng trước tiên phải chọn được người giỏi rồi chính họ sẽ tham gia giải quyết bài toán đó.
Cán bộ quản trị là nhân tố chính tạo ra thương hiệu của nhà trường và của ngành. Nói đến việc xây dựng thương hiệu thì trước tiên phải nói đến yếu tố quản trị. Hàng chục năm qua, để xây dựng mô hình trường thuộc tốp cao, nhà nước ta cũng đã từng có đầu tư đáng kể về tài chính (hàng trăm triệu USD cho mỗi nơi) vào một số địa chỉ nhưng kết quả vẫn không thành, đó là do chưa đầu tư đúng mức cho nhân tố con người – quản trị. Những người quản trị ngành mà yếu kém thì có khi chẳng những không giúp được gì cho ngành, lại còn cản trở kìm hãm, gây nên sự cố, có tội hơn là có công.
Lâu nay nhìn chung vẫn chưa có một đội ngũ quản trị giỏi, mấy chục năm nêu ra mục tiêu có những trường tốp cao của thế giới, nhưng vẫn chưa đạt được. Thực tế này thêm một lần nữa chỉ ra rằng nước ta rất cần đội ngũ quản trị đại học giỏi.
Mà có đúng là ta chưa có hay đã có đội ngũ này, mà không phát huy họ được, do cơ chế quản trị chưa tốt? Rất có thể cả hai khả năng ấy đều có. Cần quan tâm hàng đầu để xây dựng đội ngũ này, từ việc phát hiện người có triển vọng, đến việc đào tạo và sau đó là tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.
Tiếp theo là các thầy cô giáo giỏi. Những người đi học luôn cần thầy giỏi, thời nào cũng vậy. Thầy mà không giỏi thì học mất công lắm, đó là chưa kể có hại nữa, hại cả đời. Thầy giỏi lúc nào cũng có thương hiệu của bản thân và góp phần rất quan trọng tạo nên thương hiệu nhà trường. Đối với học sinh, họ ít quan tâm và ít biết ai quản trị giỏi, nhưng họ rất biết các thầy cô giỏi. Nhiều khi người đi học chọn một trường nào đó là do biết ở đó có thầy giỏi.
Ngày xưa kia, bên Trung Quốc có ông Khổng Tử, là một ông thầy rất giỏi, rất nổi tiếng. Có lúc ông ấy mở trường người ta đến học rất đông, có tới hàng nghìn người cùng thời điểm, chủ yếu là ngồi ở một gốc cây to để nghe thầy giảng, chứ đâu có đủ phòng học và bàn ghế tiện nghi như ngày nay. Nói vậy để thấy vai trò quan trọng hàng đầu của nhân tố con người trong phát triển giáo dục. "Thầy phải ra thầy" là ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói cách đây mấy chục năm.
Mà thời nay cũng vậy, trong cuộc đời đi học của nhiều người đã có nhiều kỷ niệm nhớ mãi về những người thầy giáo mà họ yêu mến, kính phục bởi những kiến thức vượt trội và nhân cách cao thượng của thầy. Đây chẳng phải là nguồn lực rất quan trọng để nhà trường phát triển bền vững lâu dài hay sao. Trường là để học, không có thầy thì làm sao mà có trường. Nói lấy học trò làm trung tâm là phương châm đúng, nhưng ai thực hiện điều đó nếu không phải người đầu tiên là thầy. Trong thời buổi thị trường bây giờ không ít nhà quản lý chạy theo số lượng, kể cả hạ chuẩn, để thu được nhiều học phí. Nếu lấy học trò làm trung tâm kiểu ấy thì chỉ cần "chợ" chứ không cần trường.
Về nguồn lực tài chính
Tuy là xếp sau nguồn lực con người, nhưng nó vẫn là điều kiện "cứng", không thể không có, kể cả trong ý nghĩa vật chất quyết định ý thức. Chất lượng giáo dục ngày nay không thể mua bằng giá rẻ. Và đầu tư cho giáo dục được coi là đầu tư phát triển.
Tài chính là yếu tố thứ 2, nhưng tài chính cho giáo dục chính là đầu tư cho con người – thuộc yếu tố thứ nhất. Cho nên thứ nhất và thứ nhì nói ở đây có ý nghĩa tương đối, không thể tách rời nhau, và chúng có thể chuyển hóa qua lại.
Đừng bao giờ nghĩ sẽ có cách nào đó để tạo nên một khoản tài chính lớn đổ vào giáo dục nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính hiện nay. Lối nghĩ đó không khả thi trong thực tế. Mà nếu có tiền nhiều nhưng không thay đổi cách tư duy, cách quản trị thì có khi chẳng đem lại hiệu quả mà ngược lại còn có hại cho văn hóa và giáo dục. Chỉ có cách duy nhất là phải giải quyết tổng thể bằng nhiều giải pháp trực tiếp và gián tiếp, của nhà nước và của xã hội, đầu tư bằng tài chính và đầu tư bằng các chính sách khác, từ nhiều phương diện khác nhau, với tư duy mới. Từ đó hợp lại thành sức mạnh chung mà người ta thường gọi là sức mạnh tổng hợp.
So với các nước, tình hình đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam còn rất thấp, mới chỉ bằng từ ½ đến 1/6 so với họ nếu tính theo tỷ lệ trong GDP, và nếu tính bình quân trên một sinh viên thì mức độ cũng tương tự như vậy.
Muốn hơn 20 năm nữa trở thành một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao thì cần số lao động tốt nghiệp đại học trong cơ cấu lao động xã hội lúc đó bằng khoảng 2 lần so với hiện nay. Mặt khác lại cần chất lượng cao hơn hiện tại. Nói thế để thấy lượng tài chính cần đầu tư vào đây là một số lượng lớn. Lớn thì cũng phải cố, vì phải thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa để có một quốc gia phát triển. Mà cũng đã nói đây là quốc sách hàng đầu. Quốc sách hàng đầu mà tiền đầu tư lại ở hàng cuối thì thật mâu thuẫn trong tư duy, không biện chứng.
Ngân sách nhà nước lâu nay đầu tư cho giáo dục nói chung đã có cố gắng. Mặc dù vẫn cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. Nhưng dù sao thì vẫn không đủ. Hiện tại các trường công lập đang chiếm trên 80% trong cơ cấu số lượng sinh viên, trong khi ở nhiều nước phát triển tỷ lệ này chỉ khoảng 30-35%. Cần tái cơ cấu theo hướng cho tăng số trường và sinh viên ngoài công lập lên, chiếm đa phần trong tổng số, trong đó nhất là việc phát triển các trường không vì lợi nhuận.
Chú ý là: đừng nghe nói tỷ lệ trường công nhiều mà tính đến chuyện giải thể bớt cho ít lại. Nhiều ở đây là nói theo so sánh tương đối, còn số lượng sinh viên thì nước ta vẫn ít, tỷ lệ nhập trường vẫn thấp nhất Đông Nam Á, nên nhiều mà vẫn không dư. Cái chính là phải phát triển tăng mạnh các trường ngoài công lập. Sự thay đổi cơ cấu như vậy sẽ góp phần tích cực để thêm nguồn lực phát triển.
Trước đây ở nước ta có 3 loại trường gồm công lập, tư thục và dân lập. Sau đó lại có chủ trương bỏ đi loại hình trường dân lập, cũng tức là chủ trương cho chuyển các trường dân lập sang trường tư thục, cũng có nghĩa là tư nhân hóa số trường này. Trong đó nhiều trường bị ép phải chuyển, một số trường nhất quyết không chịu chuyển.
Chúng tôi nghĩ rằng, tại Việt Nam, việc tồn tại các trường dân lập là khách quan và cần thiết. Khi một trường mà sở hữu không phải của tư nhân, cũng không phải của nhà nước, mà là của một cộng đồng xã hội cùng tự nguyện lập nên, thì đó là trường dân lập. Sao cứ bắt người ta phải tư nhân hóa để chuyển tài sản chung thành của tư nhân. Còn trường tư thì đã có loại hình trường tư rồi. Thực hiện theo loại hình dân lập cũng sẽ mở ra thêm một phương án nữa cho nguồn lực trong xã hội đầu tư vào giáo dục. Mà trường dân lập sẽ là trường không vì mục đích lợi nhuận – loại hình có nhiều mặt ưu điểm hơn so với trường tư thục vì ít bị sức ép về lợi tức được phân chia và kể cả so với trường công lập vì tính tự chủ - chủ động sáng tạo.
Hiện nay một số trường công lập đang gặp khó khăn trong tuyển sinh vì năng lực quản trị và chưa có thương hiệu, kể cả một số trường cao đẳng sư phạm gặp khó do thay đổi các quy định của cơ quan nhà nước, cần điều chỉnh các quy định và thay đổi mô hình để các trường này có thể hoạt động khá lên hoặc cho họ chuyển sang loại hình ngoài công lập không vì mục đích lợi nhuận (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã và sẽ có đề xuất kiến nghị cụ thể tiếp về vấn đề này). Các biện pháp này cũng là nhằm đưa các khoản do nhà nước đầu tư những năm trước đây cho các trường này vào hoạt động hiệu quả, đó cũng là giải pháp về nguồn lực tài chính.
Lâu nay nhà nước đã có chương trình cho sinh viên vay tiền với lãi suất ưu đãi để đi học đại học. Chính sách này rất tốt. Cần dành thêm nguồn tài chính cho mục tiêu này. Gần đây tôi nghe Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội có nói đến chủ trương tạo điều kiện giúp cho sinh viên khởi nghiệp, điều này rất đáng được hoan nghênh ủng hộ.
Các chương trình mục tiêu và các dự án lâu nay nhà nước đầu tư cho giáo dục cũng không phải ít, mặc dù cũng nên cố gắng đầu tư thêm, kể cả vốn cấp phát và nhất là các khoản cho vay ưu đãi có thu hồi vốn. Tất nhiên cần phải hoàn thiện phương thức đầu tư để hiệu quả cao hơn, chống thất thoát và tiêu cực. Văn hóa trong đầu tư và trong tiêu tiền ở Việt Nam, nhất là đối với khoản tiền công, mà người ta còn gọi "tiền chùa" là chưa tốt, nếu không muốn nói là nhiều mặt yếu kém. Đồng thời phải hết sức cảnh giác và đấu tranh chống "lợi ích nhóm" tiêu cực.
Các trường ngoài công lập khi có nhu cầu đầu tư cho giáo dục thì các dự án ấy xứng đáng được nằm trong danh mục ưu tiên hàng đầu được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các trường công lập ngoài số vốn cấp phát vẫn phải tiếp tục (đừng hiểu sai về tự chủ như là tự túc, nhà nước không cân đối vốn nữa) hàng năm, có thể thêm nguồn tài chính cho vay ưu đãi. Các trường công lập được ngân sách nhà nước cấp phát vốn xây dựng cơ bản cần nộp khấu hao về cho quỹ phát triển giáo dục của quốc gia. Cách làm này cũng là để kiểm soát hiệu quả sử dụng vốn.
Lâu nay nhà nước đã không ít lần đưa ra chính sách cho các trường học ngoài công lập được thuê đất sạch và miễn tiền thuê đất, đó là một chính sách tốt, nhưng trong thực tế không thực hiện được, quy định đó không khả thi do khả năng của ngân sách không bảo đảm. Trước tiên để bớt gánh nặng cho ngân sách, chỉ cần tập trung thực hiện tốt chính sách miễn tiền thuê đất, còn tiền đền bù giải phóng mặt bằng thì nhà đầu tư phải tự lo, trừ những trường ở nơi cần có trong quy hoạch mạng lưới (sẽ cho thuê đất sạch). Đồng thời với đó cần ưu tiên trong quy hoạch sử dụng đất, dành một lượng diện tích đủ cho chiến lược phát triển giáo dục lâu dài, và đưa vào luật quản lý nghiêm ngặt quỹ đất dùng cho giáo dục, cấm việc thay đổi mục đích sử dụng đất, chuyển sang đất ở và đô thị cũng như các mục đích khác.
Trong trường hợp đặc biệt, từ yêu cầu lớn về quốc kế dân sinh mà cần thay đổi mục đích sử dụng đất thì phải báo cáo ra Quốc hội để xin phép, và nhất thiết phải bổ sung quỹ đất cho giáo dục ở vị trí khác ít nhất là tương ứng với số đất phải lấy đi. Trong mọi trường hợp khi giải thể hoặc sáp nhập các đơn vị giáo dục đào tạo tuyệt đối không được dùng số diện tích dành cho giáo dục ở đó vào mục đích khác.
Còn nữa là vấn đề thuế. Đề nghị nhà nước nên có một đề án nghiên cứu kỹ về các loại thuế đối với đầu tư vào giáo dục theo tinh thần khuyến khích nhất. Về thực trạng, đã có những quy định rồi và còn thiếu chưa quy định đủ, qua nghiên cứu sẽ quyết định. Trường học nên được xem xét miễn giảm nhiều loại thuế.
Sau đây là một số đề xuất ban đầu, chưa đủ. Cụ thể, trường không vì mục đích lợi nhuận là trường không phân chia lợi nhuận cho cá nhân, lợi nhuận nếu có chỉ để đầu tư tăng thêm cho phát triển giáo dục, thì cần được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Những trường tư thục có phân chia lợi nhuận cho cá nhân góp vốn thì chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ tương ứng với số tiền phân chia lợi nhuận thực tế mỗi năm, còn nếu có lợi nhuận mà năm ấy không phân chia, để tất cả lại cho đầu tư phát triển trường thì cũng được miễn thuế của năm ấy như trường không vì mục đích lợi nhuận.
Thuế sử dụng đất, thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu thiết bị để sử dụng (không mua bán thương mại) sẽ không thi hành đối với hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp. Thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định chung và bổ sung thêm đối tượng ưu tiên được miễn giảm là các thầy cô giáo đến sống và làm việc ở nơi khó khăn.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, dịch vụ khác, nếu dùng lợi nhuận của mình đầu tư cho giáo dục (kể cả trực tiếp đầu tư hoặc cho tặng/góp vốn) tham gia cùng với các pháp nhân khác, được tính số chi phí đó vào chi phí trước thuế của doanh nghiệp. Tất nhiên là có giới hạn nhất định cơ chế mở. Một số nước ở khu vực Bắc Âu đã có chính sách như thế, chúng ta có thể nghiên cứu để tham khảo. Chính sách tính thuế kiểu này cộng với văn hóa hiến tặng là nguồn tài chính rất đáng kể đầu tư vào giáo dục để hình thành các trường không vì mục đích lợi nhuận.
Tạo thêm nguồn lực, có chính sách khuyến khích huy động nguồn lực cho giáo dục đại học là việc rất cần thiết, nhưng một việc khác, song song với đó, là sử dụng hiệu quả nhất, từ đó mà tạo ra được nhiều sản phẩm con người cả về số lượng và chất lượng. Sản phẩm giáo dục có đồng thời hai yêu cầu cùng lúc. Thứ nhất, là yêu cầu về mặt nhân văn với tinh thần con người là mục đích, mục tiêu. Và yêu cầu thứ hai là về cân đối được nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển bản thân ngành và các cơ sở giáo dục.
Nếu không cân đối được nguồn lực thì các mong muốn dù là tốt đẹp đến mấy cũng sẽ bất khả thi vì không có nguồn lực để tái đầu tư cho các vòng tiếp theo sau đó. Nhưng nếu cái gì cũng hạch toán trực tiếp như các ngành sản xuất thì cũng hỏng việc trong nhiều lĩnh vực. Việc đầu tư cho giáo dục phần nhiều là đầu tư trước mắt nhưng lại chuẩn bị cho chiến lược lâu dài sau đó, có độ trễ tương đối lớn, không thể hạch toán trực tiếp được. Vì vậy rất cần sự chia sẻ giữa nhà trường, gia đình, xã hội và nhà nước.
Hoạt động giáo dục không thể nằm ngoài một cách riêng biệt so với cơ chế thị trường, giáo dục cũng không thể không theo quan hệ cung cầu, nhưng giáo dục có một đặc trưng khác nữa, riêng có. Đó là đặc trưng về mục đích con người và tính chất nhân văn. Không phải thị trường theo nghĩa sản xuất "hàng hóa" vật chất trần trụi. Trường là trường, chứ trường không phải là chợ. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, nếu cái gì cũng chạy theo lợi nhuận thì giáo dục không còn là giáo dục, mà chỉ là một ngành kinh tế không hơn không kém.
Còn tất nhiên việc có thu lại được chi phí đã bỏ ra hay không để đủ điều kiện cho tái sản xuất là vấn đề chính đáng và nghiêm túc. Nhà nước và các tổ chức xã hội, các gia đình phải cùng chia sẻ trách nhiệm trong đầu tư cho giáo dục, đừng để nó không ổn định, lên xuống thất thường như nhiều loại giá cả hàng hóa bán mua ngoài chợ.
Về nguồn lực công nghệ
Thời đại ngày nay, khoa học - công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, chứ không còn là điều kiện và nhân tố thúc đẩy như ngày xưa nữa. Chính vì vậy mà nhiều tiến bộ về công nghệ đã được đưa nhanh vào sản xuất. Trong đó, riêng công nghệ thông tin đã có bước tiến vượt bậc, tạo tiền đề và tham gia nền tảng cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cùng với đó là những tiến bộ về khoa học giáo dục, về công nghệ trong các lĩnh vực khác liên quan đến khoa học tự nhiên – kỹ thuật và kể cả khoa học xã hội.
Công nghệ thông tin sẽ giúp các thầy giáo và tham gia trực tiếp truyền thụ kiến thức (công việc mà ngày trước người thầy trực tiếp thực hiện); nâng cao hiệu suất công việc, giảm thời gian đi lại và tăng năng suất lao động một cách nhảy vọt (một người thầy giỏi + công nghệ thông tin = hàng nghìn ông thầy giáo ở khắp nơi); thay đổi phương thức "sách giáo khoa"; làm chức năng của "thư viện" và "liên thư viện" kết nối trong nước và quốc tế cung cấp thông tin và dữ liệu mở cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; thực hiện chức năng của giáo dục mở và khoa học mở (như UNESCO đã có hai khuyến nghị trong mấy năm gần đây); tham gia công việc quản lý, quản trị; thay đổi cách mua sắm và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật… Từ đó cũng đồng thời làm giảm bớt chi phí tương đối trong đầu tư.
Công nghệ thông tin tạo môi trường để hội nhập toàn cầu, tiếp biến văn hóa phương Đông và phương Tây, dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng và nhiều chiều, từ đó mà người học trở thành những con người tự do hơn, biết tư duy độc lập và có năng lực xử lý thông tin hơn. Cũng tức là họ trưởng thành nhanh hơn. Chính vì vậy, công nghệ không chỉ là nguồn lực rất quan trọng mà nó còn là một cách dạy-cách học hiệu quả hơn nếu biết sử dụng đúng và tạo được dòng chủ lưu tiến bộ nhân văn trên không gian mạng.
Công nghệ thông tin đang và sẽ tiếp tục tiến bộ nhanh và mới hơn nữa, đến một ngày không xa (thực ra thì hiện nay đã bắt đầu diễn ra rồi) nó sẽ trực tiếp tham gia vào việc thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người. Người ta sẽ hoạt động theo một phương thức khác so với thời đại của văn minh nông nghiệp và văn minh công nghiệp từ trước đến nay. Cuộc "đại cách mạng" này sẽ giúp con người bước vào một nền " văn minh" mới.
Cần nhận thức đầy đủ vai trò của việc chủ động chuẩn bị nguồn lực, sử dụng hiệu quả và tranh thủ lợi thế của những tiến bộ mới về công nghệ, trước nhất là công nghệ thông tin, trong đó kể cả đào tạo từ xa, qua mạng. Cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thích ứng với đặc điểm mới của tình hình, trong đó có việc đầu tư hiệu quả cao cho cơ sở hạ tầng, kể cả băng thông rộng, các thiết bị chủ chốt và đường truyền, sao cho không phải bỏ đi làm lại nhiều lần gây tốn kém lãng phí, trong đó có chuẩn bị con người đủ năng lực tiếp thu cái mới và làm lan tỏa ra cho đồng nghiệp.
Ngay như việc chuyển đổi số đang thành "phong trào" hiện nay, nếu không có kế hoạch vĩ mô kết hợp chặt chẽ với vi mô, không phân công rõ ràng thì sẽ không tránh khỏi lãng phí lớn. (Một ví dụ, muốn số hóa thì đầu tiên sẽ số hóa dữ liệu, sau đó là kết nối. Mà ngay trong khâu đầu tiên, một dữ liệu có thể số hóa rất nhiều lần, lặp đi lặp lại, vì đơn vị nào cũng cần dữ liệu ấy, trong khi chỉ cần số hóa nó một lần và dùng chung thì tiết kiệm rất nhiều. Bởi vì đằng nào thì cũng phải kết nối mà, đặc trưng 4.0 chính là sự "kết nối", chứ còn máy tính thì 3.0 đã có rồi).
Công nghệ thông tin cũng giúp cho việc tổ chức liên thông giữa các cấp học và ngành học, từ đó mà khớp nối chương trình, các khung tiêu chuẩn đầu ra và các thỏa thuận về thừa nhận kết quả của nhau. Khi tổ chức tốt việc liên thông, mà trước nhất là liên thông giữa đại học và cao đẳng, giữa đào tạo kỹ thuật viên cao cấp và đào tạo kỹ sư, đại học thì xã hội đã lợi nhiều rồi (kỹ thuật viên cao cấp là đầu ra chính của cao đẳng chuyên nghiệp trước đây – một bộ phận hợp thành của giáo dục đại học, nó khác với đào tạo thợ là công việc của giáo dục nghề nghiệp cũng rất cần hiện nay).