Giáo dục liêm chính tốt nhất bằng chính tấm gương lãnh đạo liêm chính

Lãnh đạo liêm chính luôn là tấm gương sáng để cấp dưới học tập, noi theo nhưng những tấm gương như vậy chưa nhiều.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu dẫn dắt con thuyền cách mạng Việt Nam đến thắng lợi Cách mạng tháng 8, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương mẫu mực, người lãnh đạo liêm chính.

Tư tưởng ấy, 20 năm trước, được thể chế hóa cùng lúc thành hai Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo yêu cầu của Trung ương, nội dung hai luật này đã được đưa vào chương trình giáo dục, đào tạo trên cả nước.

Đến nay, khi hệ thống pháp luật cùng tổ chức, bộ máy nhà nước đã hoàn thiện hơn rất nhiều, hiểu biết pháp luật của cán bộ cũng như Nhân dân ngày càng đầy đủ hơn, thay vì chỉ giới thiệu các quy định pháp luật thì cần có cách tiếp cận trở về gốc tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Đó chính là yêu cầu mà Bộ Chính trị đã đặt ra trong Chỉ thị 42/2025 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ban hành hồi đầu năm.

Góp phần thúc đẩy nhận thức về vấn đề này, ngày 27-3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng NXB Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện Công an nhân dân tổ chức hội thảo về giáo dục liêm chính.

 PGS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng giáo dục liêm chính hiệu quả nhất chính bằng tấm gương của những vị lãnh đạo liêm chính.

PGS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng giáo dục liêm chính hiệu quả nhất chính bằng tấm gương của những vị lãnh đạo liêm chính.

Thiếu một đức thì không thành người

Phát biểu khai mạc, PGS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.

Để dẫn dắt đất nước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, mỗi cán bộ phải luôn tự rèn dũa đức liêm chính. Rộng hơn, tất cả các công tác của Đảng phải chú trọng yêu cầu giáo dục liêm chính, coi đây là giải pháp phòng ngừa từ gốc khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng khi hệ thống pháp luật, hệ thống quy định của Đảng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã đầy đủ rồi thì bước sang giai đoạn mới này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, cách thức, phương thức để thúc đẩy liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

“Chúng ta đề cao tự học, tự rèn luyện liêm chính, tự nâng cao sức đề kháng. Nhưng đồng thời phải có giải pháp để hạn chế tối đa tiêu cực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền” – ông Phúc nói.

Muốn như vậy, theo ông Phúc, phải chú ý giáo dục liêm chính ngay cho con trẻ từ tuổi mầm non cho đến các bậc học phổ thông. Muốn như vậy, ở nhà bố mẹ phải làm gương. Đến cơ quan, lãnh đạo cũng phải gương mẫu về đức liêm chính.

“Tôi nghe các cháu rất nhỏ thắc mắc tại sao bố mẹ bạn đưa phong bì cho cô mà nhà mình không. Các cháu chưa chắc đã hiểu trong phong bì có gì nhưng những hiện tượng tiêu cực ấy có thể làm hỏng các cháu từ khi còn bé” – ông Phúc băn khoăn.

Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa Luật – Học viện An ninh nhân dân, cũng cho rằng giáo dục liêm chính hiệu quả nhất phải từ chính tấm gương lãnh đạo liêm chính.

Nhìn nhận lại quá trình đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào các chương trình giáo dục, đào tạo, Thượng tá Thủy cho biết tất cả các cấp học đã triển khai dưới các hình thức khác nhau. Ở bậc phổ thông, nội dung này được lồng ghép trong môn giáo dục công dân cùng môn học kinh tế - luật. Ở đại học, cao đẳng thì nằm trong các môn học về pháp luật đại cương.

Dù vậy, hình thức truyền giảng còn khô cứng. “Nên chăng tới đây tổ chức cho học sinh, sinh viên, kể cả cán bộ đến dự các phiên tòa xét xử tham nhũng” – nữ Tiến sĩ ngành luật góp ý.

Trao đổi mang tính đối thoại với các câu hỏi của sinh viên báo chí, Đại tá Phan Văn Bé, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an, cho rằng để liêm chính trở thành giá trị dẫn dắt cho hành vi của từng thành viên trong xã hội, pháp luật nghiêm minh là rất quan trọng.

Tuy nhiên, từ công tác của ngành công an, ông cho rằng pháp luật chặt chẽ còn quan trọng hơn. “Nghiêm nhưng phải đồng bộ, chứ không thể chỗ nghiêm chỗ không. Rồi thực thi phải công bằng, dân chủ, có tính nhân văn” – ông Bé nói.

 Đại tá Phan Văn Bé, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an đối thoại với sinh viên báo chí về vấn đề giáo dục liêm chính.

Đại tá Phan Văn Bé, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an đối thoại với sinh viên báo chí về vấn đề giáo dục liêm chính.

Chủ trương 4 đồng bộ

Tổng kết các tham luận tại hội thảo, GS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhiều năm qua đã được đẩy mạnh nhưng chất lượng vẫn còn hạn chế. Biểu hiện mà ai cũng thấy là nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý đã trải qua đào tạo cơ bản nhưng sức đề kháng trước cám dỗ quyền lực, lợi ích cá nhân vẫn rất yếu, dẫn tới sai phạm, khuyết điểm, phải xử lý hình sự.

“Điều này phản ánh một thực tế rằng, giáo dục liêm chính tuy được nhận thức và triển khai rộng rãi nhưng ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và hành vi của người học” – ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, phương pháp giáo dục đạo đức liêm chính nhìn chung còn nặng lý thuyết, giáo điều, chưa lay động đến ý thức đạo đức và tinh thần trách nhiệm của người học. Nhiều nơi tổ chức học tập, tuyên truyền còn hình thức để đối phó, thiếu kiểm tra thường xuyên từ cấp trên. Giáo dục liêm chính bằng tấm gương, nhất là gương liêm chính từ chính người đứng đầu chưa được chú trọng.

Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị đã đề ra quan điểm rất rõ ràng, thực hiện đồng bộ 4 chủ trương lớn. Bao gồm đẩy mạnh giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để "không muốn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực"; đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế chặt chẽ để "không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực".

Xử lý vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ để "không dám tham nhũng, lãng phí, tiêu cực". Đồng thời, nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để "không cần tham nhũng, tiêu cực".

Trên tinh thần ấy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho biết cơ quan này đang chủ trì xây dựng chương trình khung về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho từng đối tượng học sinh, sinh viên, doanh nhân, các thành phần khác trong xã hội, cũng như cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị.

Nghĩa Nhân

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/giao-duc-liem-chinh-tot-nhat-bang-chinh-tam-guong-lanh-dao-liem-chinh-post841168.html