Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Lý luận và thực tiễn
Ngày 27/3, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện An ninh nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay: Lý luận và thực tiễn.

Đây là lần đầu tiên có một hội thảo khoa học cấp quốc gia về chủ đề giáo dục liêm chính. Ảnh: PV/Vietnam+
Chủ trì Hội thảo gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân; Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, Hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức có ý nghĩa hết sức thiết thực, diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/1/2025 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đồng thời, Hội thảo diễn ra trong không khí phấn khởi của cả nước hướng tới kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2025 và tiến tới Đại hội XIV của Đảng, cũng như triển khai nhiều quyết sách đổi mới có tính đột phá để vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hội thảo cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm khơi dậy nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục liêm chính, coi đây là giải pháp “phòng ngừa từ gốc” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - một cuộc đấu tranh không khoan nhượng mà Đảng ta đang quyết liệt triển khai trong thời gian qua.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác giáo dục liêm chính gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bước đầu tạo được những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức lẫn hành động trong xã hội nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác giáo dục liêm chính hiện nay vẫn còn khó khăn, hạn chế, cần có những giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính, nhất là cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta trong gian tới.
Gần 150 bài tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đang công tác tại nhiều cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương cùng nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ tại Hội thảo đã làm sáng tỏ, sâu sắc chủ đề và nội dung của Hội thảo.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các tham luận tại Hội thảo đã khẳng định, liêm chính không chỉ là một phẩm chất cao đẹp của cá nhân, mà cần phải trở thành chuẩn mực, yếu tố cốt lõi của nền văn hóa chính trị, văn hóa công vụ và là nền tảng của đạo đức xã hội.
Các tham luận và thảo luận tại hội thảo đã làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bao gồm: Mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, phương châm, phương pháp, yêu cầu cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến công tác giáo dục liêm chính ở Việt Nam hiện nay…
Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính ở Việt Nam hiện nay cũng như phân tích toàn diện bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước, các yêu cầu mới và vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính, nhất là cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta trong gian tới.