Nhận diện thách thức khi đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

Đơn vị lập dự án bước đầu nhận diện những thách thức khi triển khai dự án đầu tư mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành.

Đại diện Ban QLDA 7 cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, tính đến hiện tại, đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ Xây dựng đang thẩm tra nội bộ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành (Ảnh: Tạ Hải).

Cao tốc TP.HCM - Long Thành (Ảnh: Tạ Hải).

Nhận diện về những khó khăn, thách thức khi thực hiện dự án, 3 vấn đề được Ban QLDA 7 xác định.

Thứ nhất, khối lượng công việc tiếp theo cần triển khai để khởi công khá lớn, gồm các bước: Phê duyệt chủ trương đầu tư; Đấu thầu lựa chọn tư vấn lập dự án; Tổ chức lập dự án đầu tư; Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thỏa thuận với các địa phương và các bộ ngành liên quan; Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu.

Thứ hai, dự án có quy mô lớn (khoảng 15.337 tỷ đồng), yêu cầu kỹ thuật phức tạp (10km xử lý đất yếu tối thiểu 8 tháng và 12km cầu, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Long Thành và cầu Sông Tắc là cầu lớn dầm hộp đúc hẫng).

Thứ ba, việc thi công sẽ gặp khó khăn do phải vừa thi công vừa đảm bảo giao thông tuyến cao tốc đang khai thác thông suốt, không có mặt bằng thi công (hai bên hẹp), không có mặt bằng làm đường công vụ chạy dọc tuyến độc lập để thi công đồng loạt.

"Khối lượng công việc chuẩn bị đầu tư lớn, đảm bảo dự án có thể khởi công ngay trong năm 2025, sớm đưa vào khai thác, phục vụ kết nối sân bay Long Thành và TP.HCM cần cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận các cơ chế chính sách đặc thù cho dự án.

Quá trình triển khai, dự án cũng rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các ban, ngành địa phương, đặc biệt trong công tác GPMB và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: nhà thầu, tư vấn giám sát, chủ đầu tư; các cơ quan tham mưu của Bộ Xây dựng", lãnh đạo Ban QLDA 7 chia sẻ.

Theo phương án đề xuất, phạm vi đầu tư mở rộng tuyến có tổng chiều dài gần 22km. Điểm đầu dự án tại Km 4+000 (nút giao Vành đai 2) thuộc TP Thủ Đức, TP.HCM.

Điểm cuối tại Km 25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Về quy mô, đoạn cầu cạn Vành đai 2 - Vành đai 3 (Km 4+000 – Km 8+44,5) sẽ mở rộng mỗi bên 7,75m để đạt quy mô 8 làn xe. Trong đó, chiều rộng cầu tổng cộng là 42m bao gồm 2 đơn nguyên.

Đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km 8+44,5 - Km 25+920) sẽ đầu tư mở rộng quy mô 10 làn xe.

Trong đó, phần tuyến mở rộng mỗi bên 11m, bề rộng nền đường 49,5m. Phần cầu mở rộng mỗi bên 11,5m, bề rộng cầu tổng cộng là 49,5m gồm 2 đơn nguyên.

Riêng cầu Long Thành (chiều dài hơn 2.300m) xây dựng một đơn nguyên cầu mới với quy mô 5 làn xe hoàn chỉnh (có làn dừng xe khẩn cấp), bề rộng cầu 23,75m. Cầu Long Thành hiện hữu giữ nguyên quy mô hiện tại với 4 làn xe hoàn chỉnh (có làn dừng xe khẩn cấp), bề rộng 19,75m.

Với phương án trên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 15.337 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư dự án được đề xuất lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhan-dien-thach-thuc-khi-dau-tu-mo-rong-cao-toc-tphcm-long-thanh-192250401124757622.htm