Giáo dục Linh hoạt trong tổ chức học trực tuyến
TTH - Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTTT) trong dạy và học, ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đã và đang vượt qua những khó khăn, thách thức để dạy tốt và học tốt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trực tuyến mùa dịch
Ứng phó với dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế đã có buổi lễ khai giảng lịch sử khi được tổ chức chung cho toàn tỉnh tại Trường THPT chuyên Quốc Học và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Với phương châm “ngừng đến trường nhưng không dừng học”, năm học 2021 - 2022 được khởi đầu bằng hình thức học trực tuyến và học qua truyền hình (dành cho học sinh khối lớp 1, 2 và 6).
Một vòng quanh TP. Huế và một số địa phương, thật ấn tượng là hình ảnh các em học chăm chút trước các màn hình và không khí yên ắng ở nhiều gia đình vào các buổi sáng, bình thường là thời gian đến trường của học sinh. Giải quyết khó khăn về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, ở các địa phương vùng cao như A Lưới và Nam Đông, nhiều giáo viên được phân công trực tiếp về nhà của học sinh để nắm tình hình và hướng dẫn học sinh học tập. Nhiều khó khăn phát sinh đã được giáo viên hỗ trợ và giải quyết.
Xử lý vấn đề nan giải về cơ sở thiết bị, ngành giáo dục các địa phương còn linh hoạt tổ chức học trực tuyến theo từng nhóm nhỏ ở gia đình có đầy đủ cơ sở vật chất. Nhiều trường học nhờ phụ huynh ghép nhóm để các học sinh lớp 1, 2 ở gần nhà nhau có thể theo dõi học chung qua truyền hình và cử giáo viên về theo dõi, hướng dẫn. Nhà được chọn lựa để theo hướng rộng rãi và học sinh được phát khẩu trang để đeo. Ngoài dạy kiến thức trong sách giáo khoa, giáo viên còn ra đề hằng ngày để học sinh làm và đánh giá kết quả.
Trước đó, ngành giáo dục cũng cho học sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức trực tuyến, hỗ trợ hàng trăm nghìn lượt truy cập, xác nhận nhập học thành công. Hình thức đăng ký tuyển sinh, xác nhận nhập học trực tuyến tạo điều kiện cho người dân và các cơ sở giáo dục kết nối với nhau, giúp cho phụ huynh giảm bớt việc đi lại; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình đăng ký tuyển sinh, bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, phát huy hiệu quả trong thời điểm cần đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đầu tư đúng hướng
Không còn xa lạ và bỡ ngỡ khi trước đó Thừa Thiên Huế là địa phương chọn phương án dạy học trực tuyến và học trên truyền hình sớm nhất cả nước. Công tác ứng dụng CNTT được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD &ĐT) đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai, nhất là công tác chuyển đổi số, xây dựng nền giáo dục thông minh. Việc ứng dụng CNTT trong dạy học được đầu tư và khuyến khích. Sở đã xây dựng, triển khai thành công các hệ sinh thái giáo dục thông minh. Đáng chú ý, như dịch vụ Phòng học thông minh theo mô hình SmartEdu, học bạ điện tử… Sở cũng phối hợp tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công tuần lễ chuyển đổi số, định hướng và triển khai các nội dung lớn trong chuyển đổi số của ngành.
Thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà nhiều giáo viên ứng dụng tốt CNTT. Ví như ở Trường THPT Gia Hội, nhiều năm qua, họ đã nghiên cứu, xây dựng bài giảng E-Learning, sử dụng phần mềm trình chiếu, phần mềm hỗ trợ soạn giảng tương tác, phần mềm dạy học để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học… khá thuần thục. Thuận tiện hơn khi Thừa Thiên Huế cũng là địa phương được xây dựng mô hình phòng học thông minh (SmartEdu) ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương, THPT chuyên Quốc Học và THPT Phú Bài…
Mô hình “lớp học ảo” mang lại thuận tiện cho người học, đáp ứng nhu cầu học ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào khi công nghệ truyền thông được kết nối. Dạy học trên nền tảng số trong thời kỳ dịch COVID-19 giúp kỹ năng về công nghệ, chuyển đổi số của học sinh, giáo viên đã được nâng cao. Khảo sát ban đầu sau khi học sinh trở lại trường cho thấy, chất lượng dạy và học trực tuyến được bảo đảm. Đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh. Về lâu dài, cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong các hoạt động dạy và học.
Giáo viên phải tiên phong
Ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đã có những bước chuyển mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới. Tuy nhiên, các trường vẫn gặp khó khi thiếu trang thiết bị, năng lực ứng dụng của đội ngũ giáo viên còn yếu, thiếu đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều giáo viên chưa biết cách cân đối khi xây dựng một giáo án điện tử bởi mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi họ phải có khả năng ứng dụng công nghệ thành thạo, phải đầu tư ý tưởng…
Giám đốc Sở GD & ĐT Nguyễn Tân cho rằng, phát huy điểm mạnh của đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục sẽ xây dựng kho học liệu số, mời những thầy, cô giáo có kinh nghiệm thực hiện các bài giảng trên cơ sở chương trình tinh giản để có kho học liệu dùng chung; từng bước số hóa và phát triển giáo án điện tử với sự tham gia đóng góp xây dựng kho học liệu của giáo viên và học sinh.
Theo thầy giáo Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, công nghệ số sẽ được áp dụng vào mọi hoạt động liên quan tới nghiệp vụ của nhà giáo, như: Sổ liên lạc điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, giáo án điện tử, bài giảng điện tử, sách điện tử, lớp học ảo… Ngành giáo dục cần tập trung hạ tầng CNTT trong dạy học, trong đó, bảo đảm phần mềm, bảo đảm an ninh mạng. Dù công nghệ có hiện đại đến đâu, song yếu tố quyết định đổi mới phương pháp giảng dạy qua CNTT vẫn là khả năng, sự sáng tạo linh hoạt của giáo viên.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/linh-hoat-trong-to-chuc-hoc-truc-tuyen-a104626.html