Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sự nghiệp giáo dục đã góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chiều tối 15-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu, là đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của cả nước, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Tại buổi gặp mặt, với tâm trạng của một người học trò, một người đã tham giảng dạy và cũng là một phụ huynh học sinh, Thủ tướng bày tỏ vui mừng được chào đón những thầy cô giáo tiêu biểu, những người đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngày 20-11 là ngày thiêng liêng, thể hiện tình cảm, sự trân trọng, yêu quý, tự hào với các thầy cô giáo, khẳng định truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc Việt Nam.
“Ngày 20-11, mỗi người đều thấy tự hào, nghĩ về thầy cô, trường lớp nhiều hơn với những kỷ niệm không thể nào quên được”, Thủ tướng chia sẻ.
Giáo dục góp phần đưa đất nước chuyển mình
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa và con người Việt Nam.
Thủ tướng nhắc lại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục. Người nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”; “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”; “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”.
Theo Thủ tướng, trong công cuộc đổi mới, ngành giáo dục đã không ngừng phát triển, đổi mới về tư duy, nhận thức và phương thức; cả quy mô và chất lượng dạy và học, đóng góp to lớn cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước; góp phần đưa đất nước từ một quốc gia nghèo khó, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh chuyển mình thành nước có quy mô kinh tế thứ 34 thế giới (năm 2023).
“Sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Những trang vàng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo là do biết bao thế hệ đội ngũ nhà giáo viết nên - những người luôn giữ lửa nghề, say nghề, yêu nghề; luôn nỗ lực tu dưỡng, không ngừng nâng cao năng lực, khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thách thức, hết mình gieo mầm tri thức, nuôi dưỡng ước mơ, khơi dậy đam mê, khơi nguồn sáng tạo, xây nên tương lai cho bao thế hệ học trò.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các thầy, cô trong suốt những năm qua, đặc biệt trong đại dịch COVID-19.
Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên
Thủ tướng nhấn mạnh hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu. Sự nghiệp giáo dục phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, phải được xây dựng thực sự chất lượng và sáng tạo.
Ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam hướng tới đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng”.
Trong đó, cần tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ để ngành giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ chiến lược đã được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn và được đưa ra trong Kết luận 91-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội; cầu thị, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Luật Nhà giáo, tạo sự đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý để phát triển ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Giáo dục ra đời phải khiến cho giáo viên thật sự phấn khởi, được tôn vinh và tạo điều kiện để cống hiến.
Thứ hai, ngành giáo dục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học; đẩy mạnh phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.
Thứ ba là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục cần tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại...
Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần: “Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên”.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, vai trò của các thầy giáo, cô giáo là đặc biệt quan trọng.
Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh bay cao, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.