Giáo dục mầm non không thể chỉ trông chờ xã hội hóa

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng giáo dục mầm non muốn phát triển tốt cần cả nguồn xã hội hóa và đầu tư nhà nước.

Các địa phương cần ưu tiên bố trí giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non. Ảnh minh họa.

Các địa phương cần ưu tiên bố trí giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non. Ảnh minh họa.

Tại hội thảo đánh giá công tác huy động trẻ em mẫu giáo và các điều kiện bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức cuối tuần qua, các đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố đã thống nhất mục tiêu tới năm 2025 có 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến cơ sở giáo dục mầm non; con số này đạt 97% vào năm 2030.

Ngành giáo dục các địa phương phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm tỷ lệ giáo viên có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt 90% và đạt 100% vào năm 2030; bảo đảm mỗi lớp mẫu giáo có một phòng học vào năm 2025.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện cả nước có 15.334 trường mầm non, tăng 52% so với năm 2015. Năm học 2022-2023, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo đến trường trên cả nước đạt 93,1%, tương ứng gần 4,3 triệu trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi).

Bộ GDĐT đặt mục tiêu triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố, tiến tới thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ năm 2030.

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2017. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố, 100% đơn vị cấp huyện và 99,9% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Giai đoạn 2024-2028, Bộ GDĐT đặt mục tiêu triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố, tiến tới thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ năm 2030.

Bộ GDĐT dự kiến đề xuất Chính phủ ban hành đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp giai đoạn 2023-2030. Hiện cả nước có 212 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất với 11.116 cơ sở giáo dục mầm non. Các cơ sở này huy động hơn 1,6 triệu trẻ em. Đa số con công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục.

Năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 được Bộ GDĐT xác định là thúc đẩy các tỉnh tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT) Nguyễn Bá Minh nêu thực tế, số lượng trẻ em đến trường lớn, nhưng biên chế giáo viên lại giảm. Ông Minh đề xuất bổ sung biên chế để đủ định biên giáo viên/lớp, đồng thời làm rõ chính sách thu hút giáo viên mầm non.

Cụ thể, tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục mầm non cả nước là 537.953 người. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,86 trong khi quy định là 1,7 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường học không đảm bảo tỷ lệ này. Trường Mầm non Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh, Nghệ An) nhiều lớp chỉ có 1,5 giáo viên, phải làm việc từ sáng sớm đến chiều muộn. Điều này không chỉ vất vả cho giáo viên mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn.

Không chỉ thiếu người, bài toán tiền lương, chính sách của giáo viên mầm non cũng đang là vấn đề. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận, các thầy cô nghỉ việc xuất phát từ nhiều lý do, nhưng chủ yếu vẫn là câu chuyện tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc. Giáo viên mầm non làm việc căng thẳng, rủi ro nghề nghiệp nhiều. Mức lương của giáo viên trẻ mới ra trường chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, nhiều thầy cô có thâm niên công tác cũng chỉ hơn 9 triệu đồng/tháng. Họ hầu như không có nguồn thu tăng thêm, không tiền thưởng dịp lễ, Tết, không đủ trang trải cuộc sống…

Chia sẻ với những khó khăn, “thiếu nhiều thứ” của giáo dục mầm non, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định thời gian tới sẽ đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm sự phát triển của giáo dục mầm non trên mọi phương diện, coi đây là trọng tâm trong điều chỉnh chính sách vĩ mô.

Giáo dục mầm non là bậc học góp phần hình thành nhân cách, tinh thần, tình cảm của mỗi con người nhưng lại đang là bậc học có tỷ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên khó khăn nhất. Lẽ ra đây phải là bậc học được Nhà nước đầu tư nhất nhưng thực tế lại đang được “xã hội hóa” nhiều nhất.

“Không thể dùng xã hội hóa thay nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non” - Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nói và cho rằng, để giáo dục mầm non phát triển tốt cần cả đầu tư nhà nước, cả nguồn xã hội hóa.

“Không thể dùng xã hội hóa thay nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non” - Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nói và cho rằng, để giáo dục mầm non phát triển tốt cần cả đầu tư nhà nước, cả nguồn xã hội hóa.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giao-duc-mam-non-khong-the-chi-trong-cho-xa-hoi-hoa-10266400.html