Giáo dục Nga trong tiến trình Bologna: Chuyên gia đề xuất từ chối tham gia
Tuyên bố Bologna đã thúc đẩy một loạt các cải cách cần thiết để làm cho giáo dục đại học trên toàn châu Âu trở nên tương thích và dễ so sánh hơn...
Trung tuần tháng 3/2022, ông Sergey Stepashin - Chủ tịch Hội Luật sư Nga tuyên bố, nước Nga nên từ chối tham gia tiến trình giáo dục Bologna mà quay trở lại với phương án đào tạo cán bộ chuyên môn và nghiên cứu sinh truyền thống. Tuyên bố này ngay lập tức làm dấy lên nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội ở Nga.
Tiến trình Bologna
Hệ thống Bologna, hay tiến trình Bologna, xuất hiện cách đây không lâu: Ngày 19/6/1999, các bộ trưởng giáo dục của 29 quốc gia châu Âu đã ký tuyên bố “Khu vực giáo dục đại học châu Âu” tại Đại học Bologna ở Ý.
Tuyên bố Bologna đã thúc đẩy một loạt các cải cách cần thiết để làm cho giáo dục đại học trên toàn châu Âu trở nên tương thích và dễ so sánh hơn, tăng tính cạnh tranh và thu hút hơn đối với sinh viên châu Âu, cũng như sinh viên và học giả từ các châu lục khác. Nó là sự tiếp nối hợp lý sáng kiến của Hội đồng châu Âu về công nhận trình độ chuyên môn của các trường đại học.
Liên thông chương trình đào tạo
Ban đầu, tiến trình Bologna dự định đến năm 2010 ở châu Âu sẽ xuất hiện một không gian giáo dục đại học thống nhất. Điều này phải đạt được bằng việc xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông (12 lớp) và đại học (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) thống nhất.
Cử nhân được coi là sinh viên tốt nghiệp bậc đầu tiên của giáo dục đại học. Thời gian đào tạo cử nhân từ 3-4 năm, tùy thuộc vào mỗi nước, trường đại học và chuyên ngành. Tất nhiên, bậc cử nhân chủ yếu cung cấp kiến thức chuyên môn, nhưng để xin được việc làm tốt, sinh viên nhiều ngành phải học tiếp chương trình thạc sĩ. Thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1-2 năm. Những người muốn nghiên cứu chuyên sâu hơn có thể làm nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ. Như vậy, tổng thời gian đào tạo mất 7-8 năm.
Tiến trình Bologna cho phép so sánh các trường đại học theo một thang thống nhất, thực sự xóa bỏ sự khác biệt giữa đào tạo ở Đức hay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nó cũng làm tăng tính liên kết giữa các trường đại học và các quốc gia. Một sinh viên tốt nghiệp bằng cử nhân ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có thể vào học thạc sĩ ở Hamburg (Đức).
Các chương trình Erasmus (chương trình trao đổi sinh viên) và Erasmus Mundus (chương trình học bổng) cho phép sinh viên nhận được học bổng để đi du học. Lý tưởng nhất là mỗi sinh viên trong hệ thống Bologna phải có cơ hội học tập ở một quốc gia khác ít nhất là một học kỳ.
Một yếu tố quan trọng khác của hệ thống Bologna, ngoài các bậc học thống nhất, tính lưu động và phụ lục văn bằng thống nhất, là hệ thống chuyển đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu (ECTS). ECTS là chuẩn dùng để so sánh mức độ năng lực và thành tích của sinh viên trên toàn EU cũng như các nước châu Âu khác tham gia sáng kiến này.
Sinh viên học xong từng phần sẽ được cấp các tín chỉ ECTS. Một năm học được tính tương đương với 60 tín chỉ ECTS (khoảng 1500-1800 giờ học của sinh viên). Như vậy, một sinh viên chỉ có thể nhận bằng tốt nghiệp khi đạt một số điểm nhất định, để có bằng cử nhân, thường phải đạt 160-240 tín chỉ.
Hiện, có 48 quốc gia đã tham gia tiến trình Bologna, hầu hết là ở châu Âu. Thỏa thuận này cũng có giá trị ở châu lục khác: Mỹ, Canada, Australia, Brazil, Trung Quốc và Nhật Bản.
Tình hình ở nước Nga
Không phải tất cả các nước dễ dàng điều chỉnh hệ thống giáo dục đại học của mình theo mô hình Bologna. Ví dụ, hệ thống giáo dục Tây Ban Nha, Đức và Phần Lan đã điều chỉnh rất nhiều. Tại đây, lúc đầu thời gian đào tạo đại học nhiều hơn so với quy định của tiến trình Bologna. Nước Nga cũng rơi vào tình huống tương tự.
Nước Nga tham gia tiến trình Bologna tháng 9/2003. Vào thời điểm đó, nước Nga vẫn duy trì một phần hệ thống giáo dục đại học của Liên Xô cũ. Kết quả là, hệ thống Bologna được áp dụng trong các trường đại học, còn ở trường phổ thông vẫn duy trì hệ 11 năm.
Trước đó, ở các trường đại học Nga, tồn tại hình thức đào tạo cán bộ chuyên môn 5-6 năm, vốn không phù hợp với hệ thống Bologna. Hiện nay, hình thức đào tạo cán bộ chuyên môn chỉ tồn tại ở một số khoa và trường đại học. Nhưng các trường đại học ở các nước tham gia hệ thống Bologna coi đó là bậc cử nhân, chứ không công nhận bậc cử nhân cộng với hệ cao học (thạc sĩ).
Hệ thống đào tạo cử nhân ở Nga dựa trên các chương trình đào tạo cán bộ chuyên môn, trước tiên là học lý thuyết và sau đó mới thực hành, bắt đầu từ năm thứ 5-6. Vì vậy hiện nay, trên thực tế, bậc cử nhân ở Nga được coi là đại học không hoàn chỉnh, chỉ là một trong hai phần của chương trình tối thiểu cần thiết.
Cùng với hệ thống Bologna, ở Nga xuất hiện kỳ thi quốc gia thống nhất. Là hình thức kiểm tra kiến thức khách quan, nó bắt đầu thay thế kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học trước đây vốn không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, bản thân hệ thống Bologna không yêu cầu trực tiếp áp dụng kỳ thi quốc gia thống nhất. Điều chủ yếu là bảo đảm quyền bình đẳng của tất cả thí sinh khi thi vào các trường đại học, còn các công cụ và phương tiện để làm điều đó thì các nước có thể đề xuất riêng. Ví dụ ở Đức, chức năng này được thực hiện bởi kỳ thi Abitur.
Không có lý do xác đáng để cho rằng khi rút khỏi hệ thống Bologna, Nga phải bỏ kỳ thi quốc gia thống nhất. Thi cử không phải là một phần của tiến trình giáo dục Bologna thống nhất và có quan hệ khá gián tiếp với nó.
Những ý kiến trái chiều
Khó có thể nói rằng sau 19 năm tồn tại, hệ thống Bologna đã bám rễ một cách lý tưởng ở Nga. Nó bị chỉ trích là quá hẹp về chuyên môn và loại bỏ một số chuyên ngành của Liên Xô cũ khỏi chương trình giảng dạy, đặc biệt là về kỹ thuật.
Ông Sergey Stepashin, người đề nghị nước Nga rút khỏi tiến trình giáo dục Bologna, tuyên bố: Các trường đại học phương Tây vẫn chưa “tự động” công nhận văn bằng của các trường đại học Nga. Và trong 19 năm qua, nước Nga đã đánh mất chất lượng giáo dục được thừa hưởng từ thời Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, có một luồng ý kiến ủng hộ tiến trình Bologna và phản đối tuyên bố của ông Stepashin mà tiêu biểu là giáo sư Irina Abankina thuộc Trường Kinh tế cao cấp Matxcơva. Bà Irina Abankina coi việc quay trở lại hệ thống cũ là không phù hợp và nhấn mạnh: “Hoạt động của hệ thống Bologna khiến cho giáo dục phù hợp với thị trường lao động hiện nay, với việc nhanh chóng mở rộng hoạt động thực hành và trao đổi học thuật. Phá hủy hệ thống này hiện nay và rút khỏi nó có nghĩa là buộc mình cô lập hoàn toàn và không được thế giới công nhận”.
Theo báo Nga
Trần Hậu