Giáo dục nghề nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Nhờ triển khai tích cực các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, chỉ tiêu 'lao động qua đào tạo' luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra,  góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, công tác GDNN cần có sự thích nghi, phát triển tương xứng để đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp.

Công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp.

(baophutho.vn)

- Nhờ triển khai tích cực các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, chỉ tiêu “lao động qua đào tạo” luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, công tác GDNN cần có sự thích nghi, phát triển tương xứng để đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Kỳ I: Nhiều đột phá trong công tác đào tạo nghề

Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực. Mạng lưới cơ sở GDNN được quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng được các nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
Đổi mới chất lượng đào tạo nghề
Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 8 trường Cao đẳng, 5 trường Trung cấp, 18 Trung tâm GDNN tham gia đào tạo 225 ngành, nghề. Một số ngành, nghề như: Công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại, điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị khách sạn, điện dân dụng… đang thu hút nhiều người học. Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề được quan tâm, phát triển toàn diện. Toàn tỉnh hiện có 2.007 giáo viên tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gần 100% đã đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều cơ sở dạy nghề đã chủ động tìm đầu ra cho học sinh bằng các hợp đồng đào tạo; các doanh nghiệp chủ động cho sinh viên thực tập trực tiếp tại cơ sở.Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Yên Lập là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bắt kịp xu hướng phát triển khi chú trọng đào tạo theo hướng phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương và các doanh nghiệp. Xác định học sinh ở khu vực miền núi, người dân lại chủ yếu sống bằng nghề nông, Trung tâm đã lựa chọn đào tạo các ngành, nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp phù hợp với thực tế địa phương để người học dễ áp dụng vào cuộc sống, cụ thể như đào tạo, dạy trồng lúa năng suất cao; trồng quả có múi; phòng trừ dịch bệnh cho lợn, gà; nuôi trồng thủy sản; hàn điện; sửa chữa điện dân dụng; sửa chữa máy nông nghiệp… Năm 2020, sau khi được tham gia lớp sơ cấp nghề về nuôi và phòng trị bệnh cho gà do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lập tổ chức, chị Đinh Thị Thư, khu 3, xã Ngọc Đồng đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên 1.000 con gà, 40 con lợn trồng thêm ngô, sắn, rau màu để phục vụ chăn nuôi. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên mô hình nuôi gà của gia đình phát triển, ít dịch bệnh và trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Doanh thu ước đạt trên 150 triệu đồng/ năm.

Ông Nguyễn Mai Hoàng - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lập cho biết: “Hiện nay Trung tâm có 28 cán bộ, giáo viên, chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy và từng bước được nâng cao. Chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề cơ bản phù hợp về nội dung, thời gian đào tạo, đối tượng người học và đặc điểm của địa phương”. Tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ, đã tập trung phát triển quy mô, đa dạng ngành, nghề đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng, cung ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung. Hiện trường đào tạo 10 ngành, nghề hệ cao đẳng, 14 nghề trung cấp và các ngành, nghề sơ cấp. Ông Nguyễn Bá Dũng - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ cho biết: Chương trình đào tạo của trường đã chuẩn hóa mục tiêu, kỹ năng nghề nghiệp, coi trọng thực hành, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường. Hàng năm, trường chủ động lấy ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia để bổ sung, cải tiến, cập nhật kiến thức mới nhằm đào tạo sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trong khóa học, học sinh, sinh viên được thực tập, trải nghiệm thực tế từ 2 - 3 tháng tại các doanh nghiệp. Khâu giải quyết việc làm sau đào tạo luôn được nhà trường chú trọng, do đó sau khi tốt nghiệp, số học sinh, sinh viên của trường có việc làm đúng nghề chiếm tỷ lệ trên 80%. Qua điều tra về việc làm tại các đơn vị tuyển dụng, học sinh, sinh viên của nhà trường được các doanh nghiệp đánh giá cao về ý thức kỷ luật, tay nghề.

Năm 2020, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 31.879 người, trong đó trình độ cao đẳng 1.437 người, trung cấp 5.183 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 25.259 người. Số lao động có việc làm tăng thêm 15.038 người; xuất khẩu lao động 1.750 người. Đã thực hiện cho vay 448 dự án từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, thông qua nguồn vốn vay đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 789 lao động với số tiền gần 33 tỷ đồng… Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70%, trong đó lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%.

Góp phần giải quyết việc làm

Ông Hoàng Công Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN có vai trò rất quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn lao động, mang lại lợi thế cạnh tranh cho quốc gia. Trên thực tế, nhiều quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng vẫn có được vị trí nhất định trên thị trường lao động và thu hút được đầu tư bởi họ có nguồn lao động chất lượng và ổn định. Hoạt động GDNN không chỉ diễn ra đơn lẻ mà phải gắn với thị trường lao động, doanh nghiệp, đây được xem là mục tiêu trọng tâm của các cơ sở GDNN nhằm nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo.
Công tác đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của thị trường, do đó nhiều cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã chủ động rà soát thị trường, định hướng nghề nghiệp cho học viên. Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ có trên 1.800 học sinh, sinh viên theo học ở 13 ngành, nghề đào tạo, trong đó có 7 nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và khu vực ASEAN. Nhà trường đã tổ chức đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao như: Công nghệ ô tô, hàn, cơ khí... đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để học sinh, sinh viên được trực tiếp thực tập tại các cơ sở sản xuất, giúp tích lũy kinh nghiệm thực tế, học tập văn hóa doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho các em, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn cung lao động. Bà Trần Thị Thúy Lan - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ cho biết: Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó có những định hướng chỉ đạo phù hợp. Chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế theo hướng tập trung vào lý thuyết cốt lõi, tăng cường rèn luyện kỹ năng gắn liền với thực tế giúp người học có thể tìm kiếm và thích ứng với vị trí việc làm sau tốt nghiệp. Có thể thấy, chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo bước chuyển về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, sự cạnh tranh các môi trường giáo dục, yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp và tâm lý học nghề của xã hội đã và đang khiến hệ thống Trung tâm GDNN-GDTX bộc lộ nhiều yếu điểm, trăn trở tìm hướng đi cho thích ứng.* Kỳ II: Những rào cản trong công tác đào tạo nghề

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202106/giao-duc-nghe-nghiep-tao-dong-luc-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-177663