Giáo dục nhân cách cho học sinh thông qua lao động

Vấn đề giáo dục nhân cách, hình thành các kỹ năng sống luôn là một nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các nhà trường. Trong yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học như hiện nay thì giáo dục lao động cần được xem là một tiêu chí quan trọng trong giáo dục đạo đức học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện.

 Học sinh Trường Tiểu học Đông Giang, TP. Đông Hà tham gia dọn vệ sinh trường, lớp - Ảnh: H.T

Học sinh Trường Tiểu học Đông Giang, TP. Đông Hà tham gia dọn vệ sinh trường, lớp - Ảnh: H.T

Vào giữa học kỳ 2, con gái của chị Trương Thị Thu Thảo, ở Phường 2, TP. Đông Hà về xin tiền mẹ để đóng khoản vệ sinh trường lớp cuối năm học. Chị Thảo nghe con giải thích, đó là khoản tiền để trả cho người lao công dọn dẹp vệ sinh, nhặt rác xung quanh sân trường.

Chị Thảo tâm sự, ngày trước, ngay khi chị còn học ở bậc tiểu học (từ lớp 3 trở đi), mỗi tuần một lớp có buổi lao động dọn vệ sinh trường. Học buổi sáng thì đi lao động buổi chiều hoặc ngược lại. Các buổi lao động đó thường mệt, nhưng rất vui. Cả lớp tập trung quét dọn rác, nhổ cỏ vun lại thành đống lớn, rồi sau đó hai hoặc ba người tập trung đi đổ. Các tổ, các nhóm thi đua nhau nên rất háo hức. Việc quét dọn vệ sinh làm cho sân trường sạch sẽ, thoáng mát nên ai cũng tích cực, tự giác. Chị Thảo đem chuyện này trao đổi với con gái, con chị liền hưởng ứng và nói nếu được lao động tập thể như thế, lớp con chắc sẽ đoàn kết và đạt được kết quả tốt. Nhưng rồi con gái chị lại thắc mắc: “Bọn con suốt ngày vùi đầu vào học, thời gian đâu mà tham gia lao động? May mà ở nhà thỉnh thoảng con còn được nấu ăn, nhặt rau, rửa bát, chứ các bạn lớp con không ai phải động tay động chân vào việc gì”.

Theo chị Thảo, hiện nay, tại nhiều gia đình khá giả ở thành thị, mặc dù trẻ đã đến tuổi đi học nhưng bố mẹ vẫn phải dỗ dành từng bữa cơm, trẻ không biết cầm chổi quét nhà, rửa bát đũa, cốc chén giúp bố mẹ, chỉ biết học và vui chơi... Sự chiều chuộng này sẽ khiến trẻ mất khả năng tự thích nghi với cuộc sống, thiếu ý thức quan tâm giúp đỡ người xung quanh, sống dựa dẫm vào người khác. “Nếu trẻ không có cơ hội để lao động chân tay cả ở trường lẫn ở nhà để rèn luyện thể lực và biết được giá trị của lao động chân chính thì không thể phát triển nhân cách một cách toàn diện được”, chị Thảo chia sẻ.

Trường học ngoài rèn luyện đạo đức, cung cấp tri thức cho học sinh thì một yếu tố rất quan trọng đó là luôn coi lao động là việc làm cần thiết để giáo dục toàn diện học sinh. Ngoài giờ học, hằng tuần, học sinh phải tham gia lao động, vệ sinh trường lớp, vệ sinh nơi công cộng và tham gia lao động công ích ở địa phương để giúp học sinh hiểu và có trách nhiệm với bản thân, cuộc sống… Thế nhưng, thời gian gần đây việc giáo dục lao động đối với học sinh các cấp giảm hẳn đi, do nhiều nguyên nhân như áp lực bài vở và thi cử khá nặng nề. Đời sống các gia đình, nhất là ở thành thị đã nâng lên đáng kể, hầu hết trẻ em không phải lao động như trước đây. Việc lao động ở các nhà trường được hoán đổi sang “phí vệ sinh” để thuê nhân công làm thay… Những nguyên nhân trên khiến việc giáo dục lao động đối với trẻ em bị hạn chế rất nhiều, việc giáo dục toàn diện cho học sinh từ đó có phần ảnh hưởng.

Giáo dục lao động ở các nhà trường hiện nay rất cần khôi phục và tăng cường. Những công việc hằng ngày khi các em đến trường phải làm tưởng như đơn giản như quét dọn lớp, sân trường, tưới nước cây, lau bàn ghế… sẽ hình thành ở các em tình yêu lao động và khả năng hoàn thiện các kỹ năng lao động phục vụ cho sinh hoạt, phù hợp với mục tiêu giáo dục hiện nay: chú trọng “giáo dục năng lực và phẩm chất”, “giáo dục kỹ năng sống”, tăng cường hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường. Hiệu quả đạt được ở học sinh qua lao động đó là hình thành trong các em suy nghĩ đúng đắn về việc lao động là vinh quang, là trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống. Điều đó sẽ kích thích nhiều hơn nữa ý chí học tập của các em. Và đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi mà Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hơn bao giờ hết, các nhà trường dù ở cấp học nào cũng cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục học sinh qua lao động, coi đây là yếu tố quan trọng trong việc giáo dục các em trở thành người hữu ích cho xã hội.

Bên cạnh đó, thông qua giáo dục lao động, giáo viên có thể quan sát, uốn nắn, điều chỉnh hành vi, kỹ năng của học sinh. Đây cũng là cơ hội giúp học sinh rèn luyện tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, biết trân trọng sức lao động để phát triển nhân cách một cách toàn diện, trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=158259&title=giao-duc-nhan-cach-cho-hoc-sinh-thong-qua-lao-dong