Giáo dục Nhờ xe đi học
Trên những con dốc ngoằn ngoèo ở Lộc Bình (huyện Phú Lộc), khi những chuyến xe mưu sinh bắt đầu ồn ã cũng là lúc các em học sinh đến trường. Xe tay ga, xe số, chiếc láng cóng màu sơn mới hay 'cà tàng', cứ ai thấy học sinh đi học thì như một thói quen, dừng ngay lại và chở các em đến tận nơi.
Không phải các em học sinh tại vùng quê nghèo này ít chăm chỉ đi bộ, đi xe đạp. Ba mẹ mưu sinh bằng lưới chài, trồng rừng, nhiều em từ nhỏ đã quen với con nước, cây cỏ. Dăm ba đoạn đường đất không nghĩa lý gì với những đôi chân nhỏ. Thế mà các em vẫn phải xin xe để đến trường.
Mai Văn Lực, cậu học trò gầy có gương mặt thật sáng kể: “Năm lớp 4, em đã bắt đầu xin đi nhờ xe. Từ nhà đến trường phải vượt hai con dốc dài lắm. Nhà có xe đạp nhưng em không đi nổi”. Vất vả với nghề nông, mới tảng sáng, phụ huynh của Lực đã đi làm. Nhà neo người, không ai chở em đi học, vì thế đã thành thói quen, gần sáu giờ rưỡi, Lực mang cặp ra đường cái. Đến trưa, cậu học trò hiền lành lại ở cổng trường xin đi về. Nếu hôm nào có suất học chiều, chặng đường của em kéo dài gấp đôi, tổng cộng vượt 16km trên cung đường dốc gập ghềnh. Hành trình ấy đã kéo dài 5 năm.
Với Cường, cậu học trò lanh lẹ lớp 6 thường băng qua những con dốc đến người lớn nhìn còn ngao ngán, thế mà Cường vui vẻ: “Dạ em cũng có đi xe đạp, nhưng xe cứ lên dốc là bị đứt xích hoài. Vì vậy, nhiều hôm em cũng xin xe để đến trường”.
Từ những con dốc dài đằng đẵng, quanh co, tình người ở Lộc Bình rực sáng như ánh bình minh. Không ai bảo ai (đâu cần người hướng dẫn trong những trường hợp như thế này), mỗi người dân khi đi qua Lộc Bình đều mang trong mình một trách nhiệm cao cả: Chở các em đi tìm con chữ. Chỉ cần kiên nhẫn một chút ở cổng trường, nhìn những “phụ huynh” thì sẽ vỡ lẽ ra nhiều điều. Những người thợ làm rừng mặt mày tóc tai đen mùi nắng. Những cán bộ người Cầu Hai làm việc ở vùng Khu III. Họ không nói những câu đại loại như “Trưa mấy giờ tan học con?”. Họ chỉ nhìn các cô cậu học trò với ánh mắt lấp lánh, ánh mắt của tình thương và sự mến phục. Và tất nhiên, các em đều cảm ơn những “phụ huynh” đã chở mình…
Không chỉ riêng họ, mỗi giáo viên tại Trường TH & THCS Lộc Bình đều là “phụ huynh”. “Cứ nghĩ đến các em học sinh của mình gò lưng để lên những con dốc, mình thấy rất xót. Các em ngoan và rất lễ phép, nhưng sức mình có hạn, nhiều lắm chỉ giúp chở được hai em”, cô Tuyết Hương, giáo viên dạy môn ngữ văn của trường bộc bạch. Là người con Cầu Hai, vì thế hành trình đến trường quen thuộc của cô hơn mười năm nay là những đèo dốc. Không biết cô giáo và các đồng nghiệp đã chở bao nhiêu lượt học sinh, vì qua hàng năm, các em cứ lớn lên, và tiếp tục hành trình đi tìm con chữ.
Thầy Nguyễn Tài, Hiệu trưởng Trường TH & THCS Lộc Bình cho biết: “Hiện tại ở Lộc Bình có ba điểm trường, một điểm trường trung tâm và hai điểm trường tiểu học tại thôn Mai Gia Phường và thôn Tân An Hải. Đường đèo dốc khá khó khăn cho việc di chuyển, nhất là với các em học sinh THCS, vì thế có nhiều em học sinh phải xin xe để đến trường”.
Hành trình để các em tìm con chữ thật gian nan. Nhưng cũng từ đó, niềm tin vào tương lai tươi sáng, động lực để đến trường ngày càng mạnh mẽ. Từ những khó khăn ấy, tình thương của con người sinh sôi nảy nở, ngát hương như đóa hoa núi rừng. Chia tay ngôi trường ở vùng quê nghèo khó, chúng tôi vẫn canh cánh nỗi niềm của Lực và Cường, của cô giáo Tuyết Hương giàu lòng nhân hậu. Giá như có một chuyến xe buýt thì niềm khát khao đến lớp của các em sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Bài, ảnh: MAI HUẾ
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/nho-xe-di-hoc-a77926.html