Giáo dục Ninh Bình: Những kết quả tự hào

Với thành tích nhiều năm củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học; 3 năm liền thi tốt nghiệp THPT xếp tốp đầu toàn quốc; hàng năm có dự án đạt giải tại kỳ thi KHKT học sinh trung học cấp quốc gia; có 1 học sinh tham gia cuộc thi 'Đường lên đỉnh Olympia' đạt giải Nhất vòng chung kết năm thứ 20... đã khẳng định chất lượng Giáo dục Ninh Bình luôn ổn định, vững chắc. Để hiểu rõ hơn về những thành tích tự hào của Giáo dục Ninh Bình những năm qua, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với Nhà giáo Phan Thành Công, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình:

Đồng chí Phan Thành Công, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen cho các giáo viên đạt giải nhất tại Cuộc giao lưu Giáo viên tiểu học dạy giỏi tiết đọc thư viện cấp tỉnh năm học 2021-2022. Ảnh: Minh Quang

Đồng chí Phan Thành Công, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen cho các giáo viên đạt giải nhất tại Cuộc giao lưu Giáo viên tiểu học dạy giỏi tiết đọc thư viện cấp tỉnh năm học 2021-2022. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá sơ bộ về tình hình giáo dục Ninh Bình hiện nay?

Nhà giáo Phan Thành Công: Hiện nay, toàn tỉnh có 477 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX cấp THPT (có 12 trường tư thục). Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo tăng dần qua từng năm, đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục. Toàn ngành có 15.986 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 3 tiến sỹ, trên 600 thạc sỹ; tỷ lệ nhà giáo có trình độ đạt chuẩn trở lên là 93,7%, trên chuẩn chiếm 33%. Cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường theo hướng hiện đại, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 88,3%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 96,4%.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, ngành GD&ĐT Ninh Bình đã nỗ lực phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn, không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả.

Từ đầu năm học đến thời điểm này, cùng với thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, hoạt động giáo dục cơ bản được tổ chức trực tiếp tại trường, với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

Phóng viên: Xác định chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Vậy ngành đã có kế hoạch thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Nhà giáo Phan Thành Công: Trong những năm vừa qua, ngành GD&ĐT Ninh Bình đã tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập, bước đầu đạt nhiều kết quả: toàn ngành đã hoàn thiện hệ thống cổng thông tin điện tử từ Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT đến các trường phổ thông trong toàn tỉnh để thực hiện việc cung cấp, trao đổi thông tin hoạt động, quản lý, điều hành và quản lý hệ thống văn bản hành chính điện tử.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi số hiệu quả là cơ sở quan trọng giúp cho Ngành thích ứng an toàn với dịch bệnh, hoàn thành kế hoạch và nhiệm vụ các năm học. Kết quả đạt được thời gian qua sẽ là tiền đề cho việc số hóa dữ liệu, chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 106/ KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh, ngày 30/7/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Sở GD&ĐT ban hành Kế hoạch số 43/KH-SGDĐT về tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, phấn đấu thực hiện đồng bộ, liên thông đạt được các mục tiêu chính như: Thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số toàn ngành làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn tỉnh, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân toàn tỉnh. Với định hướng và mục tiêu trên, ngành GD&ĐT Ninh Bình phấn đấu tạo ra môi trường giáo dục số vào năm 2025, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa giáo dục, phù hợp với yêu cầu kết nối chính quyền số và xã hội thông minh trong tương lai, mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi hoạt động quản lý, dạy và học.

Phóng viên: Một trong những mục tiêu trong năm 2022 mà ngành đặt ra là nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Vậy ngành đã có giải pháp như thế nào, thưa đồng chí?

Nhà giáo Phan Thành Công: Trước hết ngành xác định phải xây dựng nền tảng chất lượng giáo dục mũi nhọn vững chắc, liên thông các cấp học, từ quan điểm như vậy, trong năm 2021 Sở đã chỉ đạo, xây dựng, triển khai thực hiện khung chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) cấp THCS; cùng với đó tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán dạy HSG cấp trung học thông qua bồi dưỡng thường xuyên hằng tuần, với lộ trình thực hiện trong 2 năm.

Bên cạnh đó Sở GD&ĐT cũng tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng tập huấn đội tuyển HSG quốc gia; đổi mới nội dung, hình thức thi chọn HSG lớp 9 và học sinh THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, trọng tâm vào đổi mới nội dung thi, cách tính hệ số bài thi môn chuyên trong công tác xét tuyển. Tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố định hướng công tác bồi dưỡng HSG, xây dựng trường chất lượng cao ở mỗi cấp học.

Cùng với các giải pháp về chuyên môn, Sở cũng tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có những cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, như: Nghị quyết về chính sách khuyến khích tài năng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, theo đó mức khen thưởng, động viên cho giáo viên và học sinh có thành tích cao tăng bình quân từ 2 đến 4 lần so với mức cũ; bố trí ngân sách tăng cường cơ sở vật chất cho trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, đảm bảo chi cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cốt cán và bồi dưỡng học sinh giỏi; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Khuyến học, Khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để triển khai hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cần tập trung vào những nhiệm vụ gì?

Nhà giáo Phan Thành Công: Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức, qua đó huy động được sự tham gia có trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên là khâu quan trọng quyết định thành công, do vậy phải chủ động rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo lộ trình.

Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, học liệu, đáp ứng đổi mới Chương trình GDPT mới. Ngành GD&ĐT phải chỉ đạo triển khai thật tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, quá trình thực hiện có tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời kế hoạch để phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục. Tích cực thực hiện đổi mới công tác quản lí giáo dục. Tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.

Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; chú trọng sinh hoạt chuyên môn, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, quản lý giáo dục, nguồn học liệu mở cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT.

Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lí giáo dục; thực hiện nhập số liệu, khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu toàn ngành và trường, lớp, học sinh, giáo viên, trường chuẩn quốc gia và các thông tin khác trong quản lí, báo cáo định kỳ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng Vân (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giao-duc-ninh-binh-nhung-ket-qua-tu-hao/d2022012115290811.htm