Giáo dục ở Thủ đô: Xóa dần 'khoảng cách' chất lượng
Năm học 2022-2023 khép lại với những chuyển biến đáng ghi nhận của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Dù vậy, so với yêu cầu nhiệm vụ và mong muốn của nhân dân thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có sự chênh lệch về chất lượng của các nhà trường giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
Tăng đầu tư để rút ngắn, dần xóa khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024.
Còn nhiều chênh lệch
Năm học 2022-2023, quy mô giáo dục của Hà Nội tiếp tục phát triển, mạng lưới trường, lớp mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới. Toàn thành phố có 2.840 trường mầm non và phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, năm học 2022-2023, với việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, Sở được Cụm thi đua số 7 thành phố Hà Nội thống nhất đề xuất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố trình Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2022. “Sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội diễn ra toàn diện, đều khắp ở các cấp học, cả ở khối công lập và ngoài công lập. Đây là minh chứng rõ nét, khẳng định sự quyết tâm, cố gắng của toàn ngành trong việc khắc phục khó khăn của một năm học vẫn còn nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Trần Thế Cương nhận định.
Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ, giáo viên các nhà trường, đây là năm học còn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Các lứa học sinh cuối cấp (lớp 9 và lớp 12) phải học trực tuyến trong thời gian khá dài trước đó. Đây cũng là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 10. Việc lựa chọn môn học của một số học sinh chưa thực sự phù hợp, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập; còn hơn 7.500 em xếp loại học lực trung bình và yếu.
Đáng nói, qua kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 cho thấy rõ nhất về sự chênh lệch chất lượng giáo dục. Hầu hết trường học ở các quận đều có mức điểm chuẩn lớp 10 cao hơn các trường ở các huyện. Trong khi trường có điểm chuẩn cao nhất là 44,5 điểm (Trường Trung học phổ thông Chu Văn An), thì các trường thấp nhất là 17 điểm (4 trường trung học phổ thông là: Lưu Hoàng, Bắc Lương Sơn, Bất Bạt và Minh Quang); mức điểm chênh lệch là 27,5 điểm.
Tính theo các quận, huyện, thị xã, thì học sinh quận Cầu Giấy có tổng điểm xét tuyển trung bình ba môn là 40,75 điểm (trong đó môn ngữ văn và toán tính hệ số 2, môn ngoại ngữ hệ số 1); tức là trung bình 8,15 điểm/môn. Với cùng nội dung này, học sinh huyện Mỹ Đức đạt 29,34 điểm, tức là 5,86 điểm/môn. Nhóm 10 trường có điểm chuẩn lớp 10 thấp nhất thành phố đều là các trường ở các huyện, như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, Thạch Thất...
Tăng hỗ trợ để nâng chất lượng
Ưu tiên nguồn lực, tăng cường đầu tư để nâng chất lượng giáo dục là quyết tâm của ngành Giáo dục và chính quyền các cấp thành phố Hà Nội trong năm học 2023-2024. Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà, một trong những giải pháp mới đang được triển khai trong toàn ngành là cuộc vận động “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025. Mục đích của cuộc vận động nhằm tăng cường kết nối nhà trường - nhà trường, giáo viên - giáo viên để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tốt trong xây dựng môi trường giáo dục, nâng cao hiệu quả dạy học...
Xác định việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Bích Nga cho biết, sau chuyên đề trao đổi kinh nghiệm với cán bộ, giáo viên của hơn 30 trường tiểu học thuộc huyện Mỹ Đức, Phúc Thọ hồi cuối tháng 3-2023, nhà trường đã nhận được phản hồi tích cực và sẽ nhân rộng những tiết dạy hay, tiết dạy đoạt giải cấp thành phố đến nhiều đồng nghiệp...
Tạo thuận lợi, hỗ trợ nhiều nhất cho học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh diện chính sách... là giải pháp được huyện Ba Vì tập trung triển khai trong năm học mới. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho hay, với đặc thù có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, địa bàn rộng với nhiều xã miền núi, từ nay tới trước ngày khai giảng năm học mới, huyện ưu tiên các nguồn lực và tăng cường vận động các tập thể, cá nhân hỗ trợ cho học sinh để bảo đảm không học sinh nào bị thiếu sách giáo khoa và dụng cụ học tập thiết yếu.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, năm học 2023-2024, Hà Nội tập trung 7 giải pháp trọng tâm, trong đó giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục, ưu tiên nguồn lực cho các huyện còn khó khăn để nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh nơi đây.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giao-duc-o-thu-do-xoa-dan-khoang-cach-chat-luong-635784.html