Giáo dục phải đóng vai trò dẫn dắt xu thế phát triển

Theo PGS-TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), trước những yêu cầu mới của thời đại, trọng trách mà giáo dục ngày nay phải hướng tới là đào tạo nhân lực có khả năng phát triển tư duy sáng tạo. Để quốc gia thịnh vượng thì khoa học và giáo dục phải dẫn dắt các xu thế phát triển, cùng doanh nghiệp tham gia vào quá trình kiến tạo giá trị cho xã hội

PGS-TS Nguyễn Ái Việt

PGS-TS Nguyễn Ái Việt

Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai của một đất nước. Tại Việt Nam, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu để chấn hưng, phát triển dân tộc.

Áp lực lớn cho đổi mới giáo dục

* Thưa ông, sự phát triển về công nghệ và những áp lực, kỳ vọng của xã hội đã đặt ra yêu cầu gì đối với giáo dục hiện nay?

- Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mục tiêu giáo dục. Hiểu biết mới về ý thức sẽ tạo điều kiện thay đổi phương thức giáo dục. Đổi mới giáo dục, để hướng tới con người độc lập về tư duy, tự do về tư tưởng và hạnh phúc trong cuộc sống, nhiều thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội phát triển. Cần thiết có mô hình giáo dục tinh hoa loại bỏ cách học thụ động để tập trung vào những nội dung cấp bách mà nền giáo dục chưa thể đáp ứng ngay.

* So với sinh viên các nước tiên tiến, sinh viên Việt Nam có điểm yếu gì?

- Ở Việt Nam, phụ huynh có cái hay, cái dở. Cái hay là các bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình được học tập, nâng cao kiến thức. Tuy nhiên trong quá trình đó, phụ huynh lại muốn con em làm theo ý mình. Lâu dần, điều đó có thể làm cho người học học một cách thụ động, không nhìn thấy khả năng của mình để có hướng phát triển phù hợp.

Theo tôi, sinh viên Việt Nam cũng đa phần chưa chủ động suy nghĩ, tìm tòi, tham gia bàn luận, thực hiện những vấn đề mà xã hội đang gặp phải. Bài toán đặt ra hiện nay là phải đào tạo được lớp sinh viên có suy nghĩ mang sứ mệnh để thay đổi cuộc sống, dẫn dắt sự sáng tạo của xã hội.

PGS-TS Nguyễn Ái Việt tham gia soạn thảo nhiều chương trình, đề án, kế hoạch và chính sách quốc gia về công nghệ thông tin.

* Nói về bề nổi trong giáo dục, thành tích thi cử, theo ông có quá quan trọng không?

- Các thành tích thi cử, GS, TS, những cá nhân thành danh là các chỉ số thể hiện của nền giáo dục chứ không phải mục tiêu của nền giáo dục. Đối với cá nhân, nền giáo dục phải đào tạo ra những cá thể hạnh phúc, có suy nghĩ độc lập, khát vọng tự do sáng tạo. Đối với cộng đồng phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực, đám đông phải lành nghề, tinh hoa phải dám nghĩ vấn đề lớn của cộng đồng, có tư tưởng khai phóng. Giáo dục phải hướng tới đám đông lành nghề, tạo ra những con người có năng lực tự chủ, tự sáng tạo thay vì rập khuôn theo một mô hình, mô típ giáo dục nào đó.

* Vậy thì cách học mới cần đáp ứng tiêu chí như thế nào?

- Cách học mới phải là dựa trên giáo trình, học viên phải biết cách nắm bắt thông điệp, đặt câu hỏi, sắp xếp vào kho tri thức của mình. Sau đó, lại biết vận dụng kiến thức đã biết, sử dụng các tài liệu tham khảo, máy tìm kiếm để viết các tài liệu hoặc bản trình chiếu mới, khác với giáo trình ban đầu. Điểm đánh giá chính là mức độ sáng tạo, chứ không phải mức độ giống của tài liệu hoặc bản trình chiếu mới. Học viên phải được học để sáng tạo ra tri thức mới chứ không phải để học vẹt các tri thức đã biết rồi bắt bẻ đến từng dấu phẩy, lỗi chính tả, cho rằng đó là cơ bản.

Có thể có người cho rằng việc sáng tạo chỉ bắt đầu ở bậc TS. Tôi cho rằng học sáng tạo phải thực hiện ngay ở năm đầu đại học. Thậm chí, nếu có thể cần phải bắt đầu từ trung học, tiểu học.

Liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - xã hội

* Theo ông, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có tác động thế nào đến xu hướng giáo dục bậc đại học?

PGS-TS Nguyễn Ái Việt có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở các nước châu Âu và Mỹ. Tại Việt Nam, ông tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại nhiều trường đại học, viện nghiên cứu…

- Một trong những xu hướng đang rất phát triển hiện nay là mô hình liên kết đại học - doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp sẽ giúp trường đại học kiến tạo thêm nhiều giá trị cho xã hội thông qua các kết quả nghiên cứu được chuyển giao. Để mô hình hợp tác này hiệu quả, các trường đại học cần phát triển các dịch vụ khoa học công nghệ, thúc đẩy liên kết hợp tác trường đại học - doanh nghiệp - nhà khoa học, đặc biệt là các trung tâm chuyển giao công nghệ. Trường đại học cần phải tạo cho sinh viên sự tự tin, chủ động và tinh thần làm chủ, dám thay đổi. Đây là những tố chất mà sinh viên Việt Nam hiện nay đang thiếu. Ngoài ra, chuyển đổi số mạnh mẽ đang mang lại cơ hội mới, tạo ra một nền tảng số với nhiều tính năng vượt trội sẽ giúp các đại học có cơ hội phát triển và bứt phá.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng trong giờ thực hành

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng trong giờ thực hành

* Mô hình giáo dục mới mà ông và cộng sự hiện đang thử nghiệm và áp dụng cụ thể là thế nào?

- Mô hình đào tạo của chúng tôi không hướng tới thành tích, thi cử, điểm số mà hướng tới đào tạo con người có tư duy mới, tầm nhìn toàn cầu, nhưng cũng phải đáp ứng các yêu cầu chính đáng của các vị phụ huynh học sinh. Mục tiêu sát sườn nhất là việc lấp các lỗ hổng về kỹ năng, tri thức, kỹ năng mềm, tinh thần cộng đồng, phong cách lãnh đạo và tầm nhìn toàn cầu mà nền giáo dục phổ thông của chúng ta chưa thể khắc phục. Chúng ta không có thời gian phê phán, cũng không có khả năng thay đổi hệ thống, do đó chúng tôi nhằm vào việc bổ trợ cho chương trình đang có. Theo hướng này, học sinh sẽ có khả năng đọc, viết, tư duy, làm việc theo nhóm, tầm nhìn, văn hóa để có thể theo đuổi các khóa học ở nước ngoài. Nếu không du học được thì cũng có khả năng vào trường đại học với khả năng học mới để ở ngay trong tốp đầu và không phải vật lộn để san lấp các lỗ hổng mà giáo dục phổ thông để lại.

* Ông có thể chia sẻ về những dự kiến trong tương lai?

- Nhiều người cho rằng, tôi có nghĩ cao xa và viển vông nhưng tôi lại nghĩ, những vấn đề mình đang thực hiện rất thiết thực. Trước mắt, tôi sẽ cố gắng dạy cho những người cần cách học sáng tạo dựa trên những phương pháp mà tôi đã biết. Tất nhiên, có một số dự án mẫu, nhưng điều đó không hạn chế ở các tri thức. Sau này làm gì cụ thể là do học viên quyết định, điều quan trọng là luôn phải hướng tới sáng tạo ra tri thức mới.

* Xin cảm ơn ông!

Vương Thế (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202308/pgs-ts-nguyen-ai-viet-nguyen-vien-truong-vien-cong-nghe-thong-tin-giao-duc-phai-dong-vai-tro-dan-dat-xu-the-phat-trien-3174187/