Giáo dục pháp luật cho học sinh qua những phiên tòa giả định

Được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thời gian qua, những 'Phiên tòa giả định' do Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp trong tỉnh xây dựng, phối hợp tổ chức tại các cơ sở giáo dục đã, đang đem lại hiệu quả thiết thực. Đây được coi là hình thức giáo dục pháp luật trực quan, sinh động cho học sinh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn trong trường học, tiến tới xây dựng môi trường văn hóa học đường an toàn, lành mạnh.

Với tình huống giả định sát với thực tế, nội dung thể hiện sinh động phù hợp với giới trẻ, những “Phiên tòa giả định” đã đề cập đến một số vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay trước hiện tượng thanh thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật (VPPL); bạo lực học đường; xâm hại sức khỏe vị thành niên; vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ (GTĐB); tệ nạn ma túy… Các nội dung phiên tòa được chọn lọc phù hợp với tình hình địa phương, tâm lý lứa tuổi. Qua đó, giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Viện KSND huyện Lý Nhân vừa phối hợp với Ban Giám hiệu (BGH) Trường THPT Lý Nhân tổ chức “Phiên tòa giả định” tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật GTĐB. Phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục và đầy đủ thành phần (chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, luật sư, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan) theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Theo nội dung cáo trạng: Khoảng 13h50 phút ngày 22/10/2023, tại đường bờ sông thuộc địa phận tổ dân phố Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân), Trần Đức Minh (sinh năm 2007) điều khiển xe máy điện trong tình trạng hơi thở có nồng độ cồn 0,15mg/ lít khí thở, vượt ô tô đi cùng chiều, lấn sang làn đường của xe đi ngược chiều đã đâm vào xe mô tô do cháu Phạm Văn Huy điều khiển ngược chiều. Hậu quả làm cháu Phạm Văn Huy bị tử vong. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào quá trình tranh tụng tại phiên tòa, quy định của pháp luật, xét tính chất vụ án là rất nghiêm trọng, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Đức Minh 12 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b, khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa giả định do Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phủ Lý phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Phú tổ chức.

Phiên tòa giả định do Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phủ Lý phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Phú tổ chức.

Nói về cảm nhận của bản thân khi tham dự “Phiên tòa giả định”, em Đỗ Văn Quân, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Lý Nhân chia sẻ: Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền pháp luật mới, giúp chúng em hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật. Bản thân em cũng có vài lần vi phạm Luật GTĐB, kể cả các bậc phụ huynh đôi khi biết mà vẫn cố tình vi phạm. Thông qua phiên tòa giả định thực sự đã giúp chúng em có thêm những kiến thức bổ ích, hiểu rõ những hậu quả và hình phạt đối với người vi phạm pháp luật, từ đó em sẽ tuân thủ tốt hơn quy định khi tham gia giao thông, bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Trước đó, tại Trường THCS Trần Phú (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý), Viện KSND thành phố Phủ Lý phối hợp với BGH nhà trường tổ chức “Phiên tòa giả định” tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực học đường.

Tình huống đưa ra là: Trần Văn Hùng và Nguyễn Văn Tuấn là học sinh lớp 11A1, Trường THPT Thái Bình (thành phố Phủ Lý). Vào giờ ra chơi tiết 1 ngày 1/2/2023, do có mâu thuẫn trong việc Tuấn trêu bạn gái của Hùng từ hôm trước nên Hùng và Tuấn đã xảy ra xô xát đánh nhau. Trong lúc xảy ra xô xát, Hùng đuổi theo Tuấn xuống sân trường và nhặt 1/2 viên gạch đỏ ném vào đầu Tuấn làm Tuấn bị thương nặng. Kết quả tại bản giám định pháp y kết luận, tỷ lệ tổn thương cơ thể của Tuấn là 45%. Căn cứ đề nghị của đại diện viện kiểm sát, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Hùng 24 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 134 của Bộ luật Hình sự.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức cũng đã đan xen thực hiện giao lưu với học sinh qua phần hỏi đáp với nhiều câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật về vấn đề phòng chống bạo lực học đường. Với mỗi câu hỏi trả lời đúng, các em học sinh sẽ được nhận những phần quà khích lệ, động viên. Điều này giúp các em học sinh vận động tư duy, có kỹ năng nhận biết các vấn đề trong cuộc sống và kiến thức về pháp luật.

Cô giáo Đỗ Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú chia sẻ: Phiên tòa giả định là cách thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trực quan, dễ hiểu, mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua phiên tòa giả định sẽ có tác dụng răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực học đường cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên trong trường học.

Đây chỉ là hai trong hàng chục “Phiên tòa giả định” được Viện KSND hai cấp trong tỉnh phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai trong thời gian qua. Mỗi phiên tòa giả định được tổ chức đều được đơn vị xây dựng với tình huống giả định có tình tiết, nội dung tuyên truyền khác nhau, mục đích chung của các phiên tòa này để giúp các em học sinh tiếp cận nhanh chóng các quy định và hiểu rõ hậu quả khi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, phiên tòa được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý của giới trẻ, tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với mỗi học sinh khi tham dự phiên tòa, bởi tình huống gần gũi, sát hợp với đời sống, qua đó góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật cho giáo viên, học sinh trong các nhà trường.

Ông Phan Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: Nhằm đổi mới, đa dạng hình thức TTPBGDPL, việc thực hiện xây dựng sân khấu hóa phiên tòa giả định nhằm làm “mềm hóa” những quy định của pháp luật, đưa các tình huống pháp lý có trong thực tế, gần với tâm lý, độ tuổi của học sinh. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì các em sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của đối tượng trong buổi xét xử. Do đó, Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo Viện KSND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện trong nhà trường “Phiên tòa giả định” giúp các em học sinh có cái nhìn sinh động, cụ thể và thực tế hơn về các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành nội quy của nhà trường cũng như pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.

Trần Ích

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/giao-duc-phap-luat-cho-hoc-sinh-qua-nhung-phien-toa-gia-dinh-125018.html