Giáo dục tài chính cho phụ nữ để hướng đến phát triển bền vững
Phụ nữ thường được xem 'tay hòm, chìa khóa' chăm lo cho đời sống gia đình. Chính vì thế, nâng cao khả năng tiếp cận của phụ nữ với các chương trình giáo dục tài chính sẽ mang lại lợi ích dài lâu,mang đến sự ổn định và phát triển bền vững cho kinh tế hộ gia đình và cho xã hội.
Nhận diện thách thức
Kể từ khi dự án tài chính vi mô đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các chính phủ, tổ chức quốc tế cho Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta. Tuy nhiên công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng tài chính vi mô nói chung và phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là quan điểm chung được nhiều đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận về Giáo dục tài chính cho phụ nữ tại “Hội thảo chuyên đề ASEAN về tài chính toàn diện trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua các sáng kiến đổi mới về tài chính toàn diện” diễn ra tại Hà Nội ngày 25/9.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng nhà nước nhận thấy: Cần phải nói một cách đầy đủ về quản lý tài chính. Nhiều người nghĩ đơn giản là quản lý tiền, chi tiêu hợp lý nhưng nếu hiểu đầy đủ phải là quản lý thu nhập tiền tệ, lên kế hoạch chi tiêu và có kế hoạch phát triển trong tương lai, dành dụm, tiết kiệm, bảo hiểm cho những rủi ro trong tương lai.
Bên cạnh đó, để phụ nữ hiểu và tiếp cận đến các chương trình giáo dục tài chính vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có sự thống nhất trong cả hệ thống. Nhìn vào thực tế cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa chính thức hóa và phê duyệt giáo dục tài chính vào chương trình đào tạo. Trong khi đó, Luật lao động hiện nay không quy định trách nhiệm giáo dục quản lý tài chính cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ nên các doanh nghiệp mới chỉ trú trọng đào tạo về kỹ năng để lấy năng suất lao động mà chưa giáo dục cho người công nhân hiểu về quản lý tài chính.
Ngoài ra, trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và nghị định 38/2018/NĐ-CP có rất nhiều ưu ái hỗ trợ đào tạo lao động trong đó có các doanh nghiệp tỷ lệ lao động nữ cao. Gần như các chương trình đào tạo cho lao động nữ sẽ được tài trợ 100%. Nhưng vấn đề khó khăn nhất ở Việt Nam hiện nay là không bố trí được nguồn lực tài chính, khi tiếp cận được nguồn lực đó mang về giáo dục cho lao động nữ của mình cũng vô cùng khó.
Nhiều ý kiến cũng nhận định các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn vẫn chưa thật sự chú trọng tới đào tạo giáo dục tài chính cho phụ nữ. Đối với một số ngân hàng thương mại, tuy đã có những chương trình đào tạo về vấn đề này nhưng thường chỉ dừng lại ở việc cung cấp các kiến thức rất cơ bản và lồng ghép với các chuyên đề khác.
Bên cạnh việc nguồn lực còn rất nhỏ, dưới góc độ là một tổ chức thực hiện chương trình giáo dục tài chính cho phụ nữ, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thừa nhận, rào cản về địa lý, khoảng cách giữa các vùng miền, dân tộc cũng cũng là rào cản rất lớn trong công tác tiếp cận giáo dục tài chính bằng công nghệ số.
Giáo dục quản lý tài chính để phát triển bền vững
Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận khẳng định: “Đa số phụ nữ quản lý tài chính rất tốt, chặt chẽ và bài bản”. ThS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng đã nêu ra một ví dụ về cách làm hay, hiệu quả trong giáo dục tài chính cho phụ nữ đối với dự án Oxfam hỗ trợ tổ chức tài chính vi mô Tình thương (TYM) định vị trên địa bàn ba tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Cụ thể, tổ chức này đã đào tạo, cung cấp thông tin để làm một chương trình đào tạo cho chị, em phụ nữ lên kế hoạch kinh doanh bền vững, chống biến đổi khí hậu cho các tỉnh. Kết quả là, quỹ TYM đã lọt vào top 10 các doanh nghiệp xét về giáo dục tài chính cho phụ nữ chống biến đổi khí hậu.
Theo ông Hòe, có rất nhiều nguồn lực cần thực hiện giáo dục tài chính cho phụ nữ, như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngân hàng và các tổ chức tài chính, các tổ chức chính trị- xã hội, các cơ quan truyền thông…
Cùng chung quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Tường Vân, Học viện Ngân hàng cho rằng, vai trò của chương trình giáo dục tài chính cho phụ nữ mang lại lợi ích suốt đời, đặc biệt với đối tượng là phụ nữ - người chịu trách nhiệm chăm lo cho đời sống gia đình. Chỉ khi nào thay đổi đừng trình độ dân trí về quản lý tài chính thì phụ nữ mới tự tin hơn, độc lập hơn. Để làm được điều ấy, đòi hỏi sự đồng lòng của các Bộ, ban, ngành chứ không của riêng bất kỳ tổ chức nào.
Hiểu về tài chính, xét về mặt kinh tế sẽ giúp phụ nữ có kiến thức sâu hơn, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình nhiều hơn. Xa hơn là về tính xã hội, nó sẽ mang đến vài trò ổn định xã hội vì kinh tế hộ gia đình ổn định thì xã hội mới phát triển bền vững. Hiện nay, giáo dục tài chính có vai trò rất quan trọng việc giảm thiểu tín dụng đen, một trong những vấn đề gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội hiện nay.