Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh: Dấu ấn trên hành trình hội nhập
Đẩy mạnh mô hình giáo dục thông minh, nâng chuẩn tiếng Anh cho học sinh các cấp, tập trung triển khai tuyển sinh đầu cấp trên nền tảng số, đưa bộ tiêu chí 'Trường học hạnh phúc' vào thực tiễn, gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO…, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang tạo nên nhiều dấn ấn trên hành trình hội nhập.
NỖ LỰC TỪ NHỮNG NGÀY ĐẦU
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, việc tiếp quản thành phố Sài Gòn được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố) lúc bấy giờ khẩn trương triển khai với rất nhiều thay đổi. Bên cạnh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo cũng là lĩnh vực được chú trọng đầu tư để thực hiện đúng chỉ đạo "chống giặc dốt" từ Trung ương. Năm học đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, ở Thành phố, các bậc cha mẹ vui mừng đưa trẻ đến trường trong không khí rộn ràng của tháng ngày hòa bình, độc lập. Một khởi đầu đáng nhớ. Từ năm 1981, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình Cải cách giáo dục, tiến đến phổ cập Giáo dục bậc Tiểu học.
Giai đoạn đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đạt chuẩn Phổ cập Giáo dục bậc Tiểu học vào năm 1995 và hoàn thành Phổ cập Giáo dục bậc Tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2000. Theo đồng chí Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh), đây là dấu mốc quan trọng trong thời kỳ giáo dục có nhiều biến động. Đời sống người dân thì còn nhiều khó khăn trong cơ chế bao cấp nên việc vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường hay đi học lớp học tình thương là rất cam go. Thế nhưng, chính quyền Thành phố quyết tâm phải cho tất cả trẻ em đi học.
Đồng chí Lê Ngọc Điệp kể, thời điểm ấy, dù còn nhiều thử thách nhưng tất cả các ban ngành đều vào cuộc. Hằng năm, ngày tựu trường cũng là ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường". Cả ngành giáo dục nỗ lực, những thầy cô hưu trí cũng góp phần, chung tay mở các lớp học ban đêm cho trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mọi người cùng góp sức để thêm nhiều trẻ được đến trường đúng độ tuổi.
Năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra và công nhận Thành phố là đơn vị đầu tiên ở các tỉnh phía nam đạt chuẩn hoàn thành Phổ cập Giáo dục bậc Tiểu học.
Năm 2008, Hội đồng nhân dân Thành phố tiến hành khảo sát niềm tin của nhân dân vào các lĩnh vực công, trong đó có giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã chọn Giáo dục Tiểu học để hỏi ý kiến về mức độ hài lòng của người dân. Kết quả, Giáo dục Tiểu học đạt tỉ lệ niềm tin đứng đầu với 74,8% người dân hài lòng.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cũng là nơi đầu tiên trên cả nước tổ chức dạy Tiếng Anh tăng cường cho bậc Tiểu học, bắt đầu từ lớp 1. Năm 1998, việc dạy thí điểm được triển khai ở Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Quận 1). Phòng Giáo dục Tiểu học nhận nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ, tìm tòi xây dựng chương trình, sách giáo khoa, giáo viên và các phương tiện để thầy cô tại các trường có thể dạy tốt và học sinh thu về kết quả khả quan.
Khi tổ chức tuyển giáo viên dạy Tiếng Anh tăng cường, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố sàng lọc rất kỹ để chọn ra người tài. Về sau, chương trình Tiếng Anh tích hợp cũng được Thành phố mạnh dạn triển khai cho hệ thống giáo dục phổ thông. Nhờ tinh thần không ngại đổi mới cùng sự đầu tư "đến nơi đến chốn", năng lực ngoại ngữ của học sinh Thành phố được đánh giá cao so với mặt bằng chung trên cả nước. Trong các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, phổ điểm tiếng Anh của Thành phố luôn ở tốp đầu.
Cuối năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" chính thức được ban hành. Ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đề ra những kế hoạch đổi mới nhằm đáp ứng tốt yêu cầu từ thực tiễn.
Suốt 10 năm qua, hệ thống giáo dục của Thành phố từng bước được hoàn thiện theo hướng tiệm cận giáo dục tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới thông qua việc phát triển giáo dục thông minh, giáo dục ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn quốc tế. Thành phố chú trọng đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, đồng thời đẩy mạnh các loại hình giáo dục mở, phục vụ tốt cho xã hội học tập suốt đời.
Mới đây, Thành phố chính thức gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO và triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030".
LẤY HỌC SINH LÀM TRUNG TÂM
Trải qua 10 năm ở vị trí giáo viên và 27 năm làm công tác quản lý, đồng chí Võ Ngọc Thu (nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 5) chứng kiến nhiều mốc thay đổi lớn của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố. Trong đó, đồng chí ấn tượng với quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dạy - học trong nhà trường.
"Ngày trước, khi tôi còn đứng lớp, mỗi lần Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố tổ chức thi giáo viên giỏi thì chỉ dùng đèn chiếu, mọi thứ thô sơ lắm. Nhưng từ năm 2010 trở đi, đến trường nào tôi cũng nhìn thấy bảng tương tác, bảng thông minh, thực sự rất phấn khởi. Với bảng tương tác, giáo viên có thể chủ động tích hợp thêm nhiều thông tin từ thực tiễn giúp bài giảng trở nên sinh động, sát với thực tế hơn. Khi chưa ứng dụng công nghệ, chúng tôi soạn giáo án bằng tay, giảng dạy cũng chủ yếu đọc - viết, trò thì học thuộc lòng. Sau này giáo viên nào cũng giỏi công nghệ, giáo án điện tử nhờ vậy chất lượng hơn rất nhiều và được cập nhật liên tục. Công nghệ còn giúp cho quá trình tuyển sinh đầu cấp thuận tiện, nhẹ nhàng, góp phần hạn chế tiêu cực, phụ huynh an tâm", đồng chí Võ Ngọc Thu chia sẻ.
Đồng chí Võ Ngọc Thu cũng cho rằng, điều mà ngành giáo dục và đào tạo Thành phố làm tốt trong nhiều năm qua chính là đổi mới theo hướng "Lấy học sinh làm trung tâm". Học sinh được tạo môi trường học tập tốt với trường lớp khang trang, hiện đại cùng chương trình giáo dục có nhiều hoạt động kích thích sự tư duy, sáng tạo theo hướng mở. Chủ động tiếp cận bài giảng, biết cách tự học và thành thạo công nghệ từ sớm, các em học sinh tự tin khai thác thêm nhiều nguồn tư liệu trên internet. Không còn thụ động nghe giảng, ngay từ bậc tiểu học, học sinh được trình bày ý kiến, góp phần xây dựng bài học và liên hệ thực tế, liên kết với các sự kiện, vấn đề đáng quan tâm trong cuộc sống hằng ngày.
Việc lắng nghe thông tin từ nhiều kênh tương tác trên mạng xã hội để sớm có những chỉ đạo kịp thời, bảo đảm quyền lợi của học sinh, giáo viên cũng được ngành giáo dục và đào tạo Thành phố hết mực quan tâm. Bỏ kiểm tra kiến thức đầu giờ, thay đổi giờ vào lớp để thuận tiện cho việc đưa đón, chuyển đổi thời khóa biểu sao cho giờ học thể dục ngoài trời không ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh khi thời tiết nắng nóng kéo dài… là những thay đổi mà sở yêu cầu các trường thực hiện dựa trên tình hình thực tế tại địa phương cũng như phản ánh, tâm tư từ phụ huynh, học sinh.
"Sự quản lý linh hoạt, chỉ đạo sát sao từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố giúp môi trường giáo dục ngày càng thân thiện, tích cực hơn. Điều tôi mong muốn là các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" và tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên, học sinh phát huy hết thế mạnh của mình. Giáo viên cần được chăm lo tốt về đời sống, giảm bớt áp lực bởi các công việc "không tên" thì mới toàn tâm toàn sức dạy dỗ, hỗ trợ học sinh", đồng chí Võ Ngọc Thu đề xuất.
Giao thêm quyền chủ động về tay giáo viên, chăm lo nhiều hơn cho đời sống của các thầy cô giáo, giảm kiến thức, tăng cường hoạt động trải nghiệm, rèn thói quen ứng xử và lối sống văn minh là những kiến nghị của nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục & Đào tạo Thành phố Lê Ngọc Điệp với ngành giáo dục & đào tạo Thành phố trong giai đoạn tới. Ngoài ra, đồng chí Lê Ngọc Điệp còn đề xuất ngành giáo dục nên từng bước đào tạo chính quy lực lượng bảo vệ, giám thị, bảo mẫu và bếp trưởng, bổ sung vào bộ máy của các trường nhằm đảm bảo tốt nhất điều kiện học tập, sinh hoạt cho các em học sinh khi học 2 buổi/ngày như hiện nay./.
Trong chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu là xây dựng nền giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại, hội nhập, đưa Thành phố trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. Phấn đấu đến năm 2030, Thành phố đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia.
Mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT thực hiện chương trình chất lượng cao trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.
Thành phố cũng đặt mục tiêu có ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao trường tiên tiến, hội nhập quốc tế; 100% trường học phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.
NGUYỄN TRẦN (VGP)