Giáo dục Tiếp cận giới qua chuyện kể

TTH - 50 giáo viên tiểu học đã tham gia vào dự án sử dụng phương pháp tiếp cận giới trong kể chuyện, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục tiểu học. Họ đã viết hoặc sáng tạo các câu chuyện gần gũi với thiếu nhi, song truyền tải thông điệp về tái định hình tư duy định kiến giới.

Hoạt cảnh trong chuyện “Vương quốc Lòng Đất”

Hoạt cảnh trong chuyện “Vương quốc Lòng Đất”

Tôi thực sự khá ấn tượng khi nghe câu chuyện về “Lớp học đặc biệt” của cô giáo Nguyễn Phạm Tường An, giáo viên Trường tiểu học Lý Thường Kiệt. Chuyện diễn ra trong một lớp học ở một khu rừng của họ nhà chim. Các bạn nữ thường bị các bạn nam trong lớp gán ghép với cụm từ "lũ vịt giời", "không làm nên tích sự gì". Cho đến khi ông mặt trời xuất hiện, bằng chiếc gương khổng lồ ông đã phá vỡ định kiến về phái nữ. Ông mặt trời đã làm sự thật sáng tỏ rằng, những bạn nữ trong khu rừng vô cùng khéo léo, thông minh, hiếu thảo và xứng đáng được tôn trọng.

Còn câu chuyện “Hoàng tử màu hồng” của cô giáo Đặng Thị Thùy Trang, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung phá vỡ định kiến giới về màu sắc, bằng cách lồng ghép một thế giới khác. Ở thế giới sắc màu, sẽ không có những định kiến như con trai phải mang những màu sắc trầm, con gái mang những màu sắc tươi sáng và rực rỡ hơn. Con gái được phép điệu đà và ủy mị, con trai phải luôn thể hiện sự mạnh mẽ và bản lĩnh. Ở thế giới sắc màu, không có sự phân biệt sắc màu và giới tính.

Tôi vẫn thích câu chuyện về “Vương quốc Lòng Đất” của cô giáo Phan Thị Thúy Dinh khi phản ánh một định kiến giới rất phổ biến đối với nữ giới. Con gái thì không nên nỗ lực quá nhiều, không nên xông pha và đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Con gái chỉ nên an phận, có một cuộc sống an toàn và làm vai trò hậu phương. Tuy nhiên, câu chuyện truyền tải thông điệp rằng, dù là nam, nữ hay bất kỳ giới tính nào, mỗi con người đều có một sứ mệnh riêng, chỉ cần sống đúng với sứ mệnh của mình thì cuộc đời sẽ có ý nghĩa...

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khuôn mẫu về vai trò giới của trẻ em gái và trẻ em trai có thể dẫn đến sự chênh lệch giới trong kết quả học tập và vấn đề về sức khỏe tinh thần của học sinh. Dựa trên khuôn mẫu giới, các môn nghệ thuật và ngôn ngữ được xem là nữ tính, trong khi các môn toán học, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học được xem là nam tính. Các bé gái được cho là chịu nhiều áp lực về định kiến giới hơn từ cha mẹ, trong khi các bé trai cảm thấy áp lực từ bạn bè và giáo viên của mình.

Theo Quỹ Phát triển phụ nữ của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, hệ thống giáo dục cần có một phương pháp tiếp cận lồng ghép giới chính thống và toàn diện, nhằm thúc đẩy các sáng kiến về bình đẳng giới. Giáo viên đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các phương pháp giảng dạy. Trong đó, kể chuyện là một phương pháp đặc biệt để học sinh tiểu học phát triển sự hiểu biết và tôn trọng đối với các bản dạng giới. Tuy nhiên, trong nhiều sách truyện dành cho trẻ em, bé trai và bé gái được mô tả qua góc nhìn của khuôn mẫu giới do xã hội quy định và gắn nhãn, điều này góp phần duy trì định kiến giới.

Với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường giáo dục, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Đồng kiến tạo tri thức đã thực hiện dự án “Sử dụng phương pháp tiếp cận giới trong kể chuyện; thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục tiểu học”. Mục tiêu của dự án là 50 giáo viên tiểu học sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản về bình đẳng giới và phương pháp giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới. Từ đó, họ hiểu được những yếu tố định kiến giới trong sách truyện thiếu nhi và áp dụng phương thức tiếp cận giới trong thực hành kể chuyện. Các giáo viên đã tham gia dự án viết hoặc sáng tạo các câu chuyện thiếu nhi với phương pháp tiếp cận giới.

Sức lan tỏa của các câu chuyện này là khoảng hơn 2.000 giáo viên, học sinh tiểu học và phụ huynh tiếp cận với ấn phẩm truyền thông về bình đẳng giới được biên soạn bởi giáo viên và các chuyên gia nhằm tái định hình tư duy định kiến giới.

Bài, ảnh: An Nhiên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tiep-can-gioi-qua-chuyen-ke-a114436.html