Giáo dục tiểu học: Chuẩn bị để sẵn sàng đổi mới theo chiều sâu

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý những vấn đề quan trọng với giáo dục Tiểu học trong năm học mới để bước vào giai đoạn đổi mới theo chiều sâu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Chiều 23/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 với giáo dục tiểu học. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã có những lưu ý, chỉ đạo quan trọng.

Chăm chút cho “đầu vào” giáo dục phổ thông

Ghi nhận kết quả đạt được với giáo dục tiểu học trong năm học 2023-2024, cũng như cả lộ trình 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, khi trao đổi về vấn đề cần quan tâm với giáo dục Tiểu học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đầu tiên đến chất lượng đầu vào của giáo dục phổ thông, cụ thể là lớp 1.

“Trong 12 năm học phổ thông, dường như chúng ta chú ý nhiều hơn đến kiểm soát “đầu ra”, dành nhiều thời gian, công sức cho tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chưa thực sự quan tâm một cách tương xứng với “đầu vào” là chăm chút, hỗ trợ cho học sinh lớp 1”.

Chia sẻ điều này, với lớp 1, Bộ trưởng đồng thời lưu ý đến việc bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ đến trường; chuẩn bị Tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trước khi vào tiểu học; chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để hỗ trợ tốt nhất học sinh vào lớp 1… Để làm sao thực hiện đồng thời và hiệu quả hai công việc: Chăm chút cho đầu vào và đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc đầu ra.

 Chủ trì Hội nghị (từ trái sang phải ảnh): Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài.

Chủ trì Hội nghị (từ trái sang phải ảnh): Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài.

Với triển khai dạy học Ngoại ngữ, Tin học, theo báo cáo, năm học 2023-2024, 100% nhà trường đã tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4, trong đó có một tỷ lệ nhỏ là các Ngoại ngữ khác (chiếm khoảng 0,1%). 100% học sinh lớp 3, 4 được học Tin học theo Chương trình GDPT 2018, cơ bản bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của Chương trình. Bộ trưởng đánh giá đây là cố gắng rất lớn.

Việc được học Tin học, Ngoại ngữ và những môn như Âm nhạc, Mỹ thuật giúp thay đổi về chất trong giáo dục; tăng cường cảm xúc thẩm mĩ, tố chất văn hóa, gia tăng chất lượng giáo dục con người một cách toàn diện theo chiều sâu.

Tuy nhiên, tổ chức dạy học Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề đội ngũ. Hiện nay, nhiều giải pháp được triển khai, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin để giáo viên địa phương này có thể hỗ trợ địa phương thiếu giáo viên khác. Nhưng các tỉnh khó khăn cần áp dụng một cách chủ động và tích cực hơn, có kế hoạch để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngay trên địa bàn của mình - đây mới là cách lâu dài.

Việc chuẩn bị đội ngũ, nhất là với môn Âm nhạc, Mỹ thuật cần thực hiện một cách bền vững, lâu dài và mục tiêu đặt ra trong Chương trình có thể chưa đáp ứng được ngay, nhưng cần từng bước triển khai.

Năm học 2024-2025 có nhiều hoạt động mang tính chất tổng kết. Như sau khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 5, cần đánh giá lại quá trình thực hiện xem đã tốt hay chưa, từ hệ thống sách giáo khoa đến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… Từ đó bước vào giai đoạn đổi mới theo chiều sâu được tốt hơn.

Đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, lòng yêu nước, bồi dưỡng nhân cách, phát triển con người, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện nghiêm túc hoạt động chào cờ, hát Quốc ca trong cả học sinh và thầy cô; học sinh cần thuộc Quốc ca của đất nước. Cùng với đó, dạy học sinh nhuần nhuyễn và vận dụng thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến từ địa phương đề cập đến học bạ điện tử. Theo Bộ trưởng, đây là việc rất cần thiết, cũng là công việc mới nên ban đầu có một vài việc hiểu chưa thống nhất, cách làm đôi lúc lệch nhau là khó tránh khỏi; tuy nhiên phải quyết tâm làm và tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Về nội dung này, Bộ trưởng cũng lưu ý liên quan đến vấn đề bảo mật dữ liệu; trong đó cho rằng, nếu có thể triển khai ký số với toàn bộ giáo viên thì sẽ bảo đảm tất cả các khâu đều chặt chẽ, an toàn.

Về cơ sở vật chất trường lớp học, Bộ trưởng băn khoăn khi mầm non và tiểu học có tỷ lệ trường lớp chưa kiên cố hóa cao nhất. Do đó, phải tận dụng cơ hội nếu có một chương trình đầu tư công nhằm tăng cường cơ sở vật chất để kiên cố hóa, tiến tới hiện đại hóa.

 Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Tập trung nâng cao chất lượng dạy học

Nhấn mạnh việc nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Vụ Giáo dục Tiểu học sau khi tổng hợp ý kiến tại Hội nghị sẽ hoàn thiện dự thảo hướng dẫn nhiệm vụ năm học, trình Lãnh đạo Bộ để có thể ký ban hành trước 31/7, làm căn cứ cho địa phương triển khai.

Nhất trí cao với các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 trong dự thảo báo cáo, Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần quan tâm triển khai trong năm học tới.

Theo đó, năm học 2024-2025 là năm tổng kết nhiệm kỳ của các cấp ủy, chính quyền. Với đặc điểm riêng của giáo dục tiểu học, Thứ trưởng đề nghị Lãnh đạo Sở GD&ĐT, Lãnh đạo Phòng Giáo dục Tiểu học cần có thông điệp, hoặc tổ chức hội nghị quán triệt cho các trưởng phòng GD&ĐT, cần thiết làm việc với UBND quận huyện, nếu vượt thẩm quyền thì tham mưu Lãnh đạo tỉnh có hội nghị hoặc có văn bản chỉ đạo đưa các chỉ số của GD-ĐT vào chương trình phát triển kinh tế xã hội, trong Nghị quyết đại hội trong thời gian tới.

Cùng với đó, tập trung duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập với giáo dục tiểu học. Khắc phục ngay những hạn chế liên quan đến chất lượng giáo dục dạy Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật; còn hành chính hóa trong chỉ đạo chuyên môn; công tác thanh tra, kiểm tra..

Thứ trưởng đồng thời đề nghị tập trung nâng cao chất lượng dạy học và chia sẻ chủ đề năm học được Bộ GD&ĐT xác định là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Với đội ngũ giáo viên, cần nâng cao chất lượng dạy học bằng cách thường xuyên trao đổi, giao lưu, hỏi hỏi lẫn nhau; xác định và nắm rõ đặc điểm của học sinh tiểu học để tổ chức dạy học, giáo dục tốt hơn.

 Đại diện các sở GD&ĐT chia sẻ kết quả đạt được của giáo dục tiểu học tại địa phương, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đưa ra kiến nghị, đề xuất.

Đại diện các sở GD&ĐT chia sẻ kết quả đạt được của giáo dục tiểu học tại địa phương, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đưa ra kiến nghị, đề xuất.

Năm học 2024-2025, các cơ sở giáo dục tiểu học cũng cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc “3 công khai” trong giáo dục; thực hiện đầy đủ chính sách cho học sinh; tiếp tục quan tâm công tác an toàn trường học….

Đồng thời, bên cạnh đội ngũ giáo viên sẽ quan tâm đến đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ này, Thứ trưởng cho rằng, nếu người hiệu trưởng nỗ lực, quyết tâm cao, không quản ngại khó khăn thì sẽ tạo ra khí thế trong trường học.

Cuối cùng, Thứ trưởng lưu ý các trường cần hết sức quan tâm tổ chức, phát động các phong trào thi đua phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, địa phương và không tạo áp lực cũng như bệnh thành tích. Nơi nào có phong trào thi đua tốt thì nhân rộng để triển khai hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT chia sẻ kết quả đạt được của giáo dục tiểu học tại địa phương, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đưa ra kiến nghị, đề xuất. Một số nội dung được tập trung trao đổi liên quan chuyển đổi số, triển khai học bạ số, tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường dạy học tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp 1 vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc triển khai dạy học Ngoại ngữ và Tin học...

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-tieu-hoc-chuan-bi-de-san-sang-doi-moi-theo-chieu-sau-post692876.html