Giáo dục Tin tức giáo dục Giải bài toán nhân lực du lịch, cần vai trò nhà đào tạo
TTH - Du lịch trên đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 lại 'nóng' lên bài toán khát nhân lực. Cùng với nỗ lực từ các đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch, vai trò từ phía đơn vị đào tạo rất quan trọng.
Đơn vị đào tạo đóng vai trò quan trọng
Vừa qua, Việt Nam mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, câu chuyện thiếu nhân lực lại “nóng” lên. Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc khách sạn Alba Spa và khách sạn Alba chia sẻ: “Điểm chung của các đơn vị làm dịch vụ du lịch là đang cần nhân lực. Thời gian qua, khách sạn chúng tôi tuy vẫn duy trì hoạt động và duy trì đội ngũ cơ bản nhưng trong thực tế vẫn đang cần tuyển thêm nhân lực. Các đơn vị đóng cửa, bây giờ mở cửa trở lại thì rất khó trong việc tìm nguồn nhân lực”.
Nỗ lực tuyển dụng và tự đào tạo nhân lực từ doanh nghiệp chắc chắn phải có, nhưng vai trò từ phía đơn vị đào tạo cũng không thể thiếu. Trên thực tế, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Hệ quả, nhiều lao động trong ngành du lịch đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc mới. Tâm lý lo ngại vì công việc ngành du lịch dễ bị ảnh hưởng khi gặp biến động nên khi phục hồi, ngành du lịch đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân lực, thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực cho sự vận hành khi du lịch trở lại bình thường sau đại dịch. Theo các chuyên gia, có thể trong vài năm tới, số lượng lao động bổ sung mới cho ngành du lịch cũng thiếu hụt, đòi hỏi những chiến lược ngắn hạn và dài hạn đối với các đơn vị đào tạo.
PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế thừa nhận, vấn đề “gãy” nguồn nhân lực ngành dịch vụ du lịch thì đơn vị đào tạo về du lịch cần có vai trò, trách nhiệm và đó cũng là cơ hội trong đào tạo, đáp ứng nguồn nhu cầu nhân lực trong ngắn hạn và chuẩn bị nhân lực hội đủ các điều kiện theo xu thế trong tương lai.
Hai nguồn nhân lực có thể đáp ứng cho nhu cầu nhân lực chính là người lao động cũ tạm nghỉ việc hoặc đổi nghề do dịch bệnh và những lao động mới. Đối với nguồn lao động cũ quay trở lại ngành, sau hơn 2 năm mưu sinh với ngành nghề khác, họ cần được đào tạo lại để có thể ghi nhớ nghiệp vụ, rèn dũa kỹ năng, bắt kịp với yêu cầu của công việc và với nhịp độ của lớp lao động mới. Do vậy, việc đào tạo lại là rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể tiến hành tự đào tạo theo hình thức đào tạo chéo hoặc tập trung tại chỗ, đồng thời cần thêm phương án kết hợp với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, dù Việt Nam đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới nhưng tâm lý du khách quốc tế còn thăm dò, dự đoán cần vài tháng để khách quốc tế trở lại. Đây là khoảng thời gian quan trọng trong hoạt động đào tạo nhân lực du lịch. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Du lịch và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo sẽ có hợp tác chung liên quan đến đáp ứng nguồn nhân lực, trong đó đơn vị đào tạo nắm vai trò hỗ trợ lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất đào tạo, chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp, chú trọng đến các kỹ năng phù hợp về phòng, chống dịch; yêu cầu và xu thế mới.
Triển khai giải pháp thiết thực
Đào tạo hướng đến nhu cầu thị trường lao động, do vậy ngoài nâng cao chất lượng đào tạo học viên, đa dạng hóa hình thức đào tạo, để giải "cơn khát" nhân lực ngành du lịch thời kỳ hậu COVID-19, các trường cần có sự liên kết mật thiết giữa nhà trường với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, tập trung các kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng xu thế mới, giai đoạn hậu COVID-19.
Đối với nguồn lao động mới, các trường đào tạo chuyên nghiệp về du lịch - nhà hàng khách sạn chính là địa chỉ mà các doanh nghiệp hướng đến tuyển dụng. PGS.TS. Trần Hữu Tuấn cho biết thêm, trước nhu cầu này, đơn vị đào tạo cũng triển khai hàng loạt giải pháp. Để đáp ứng nguồn nhân lực trước mắt, nhà trường mở ra các lớp đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ về du lịch, điều hành tour, hướng dẫn viên với thời gian đào tạo từ 1 - 2 tháng. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo liên thông từ hệ trung cấp, cao đẳng, các trường nghề có chứng chỉ kiểm định theo quy định ở các tỉnh thành. Đối với các hệ đào tạo cử nhân và sau ĐH, đơn vị đào tạo chú trọng đảm bảo đúng tiến độ đào tạo để lứa sinh viên năm cuối tốt nghiệp đúng thời hạn.
“Chúng tôi cũng chú trọng hợp tác doanh nghiệp hơn về hoạt động thực hành thực tế tại doanh nghiệp hơn sau thời gian sinh viên học online. Trường Du lịch - ĐH Huế đã và đang triển khai một loạt các ký kết hợp tác với các đơn vị truyền thống và thêm các đơn vị không chỉ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn ở Phú Quốc, Quảng Ninh… để mở rộng liên kết doanh nghiệp, đưa sinh viên đi thực tập, thực tế và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong tuyển dụng”, ông Tuấn kể.
Đại diện Trường cao đẳng Du lịch Huế cũng cho biết, trước nhu cầu rất cần từ thị trường lao động, nhà trường cũng đang gắn kết các doanh nghiệp để đáp ứng vấn đề đầu ra cả về số lượng lẫn chất lượng, chú trọng các nghiệp vụ, lĩnh vực doanh nghiệp cần.
Vấn đề quan trọng không kém là mở rộng quy mô tuyển sinh theo nhu cầu thị trường lao động; nghiên cứu mở các ngành mới theo yêu cầu của xu thế. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, phải tạo được tâm lý và niềm tin cho người học về tương lai của ngành du lịch và cập nhật chương trình, kỹ năng đáp ứng để thuận lợi cho tuyển sinh, đào tạo và đáp ứng đầu ra.