Giáo dục Tin tức giáo dục Hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng cho năm học mới

TTH - Năm học 2021- 2022, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, đặc biệt là các đơn vị trường học tại 13 xã, phường mới sáp nhập vào thành phố từ 1/7/2021, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT TP. Huế nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT TP. Huế nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Thêm nhiều phòng học mới

Trường tiểu học (TH) Xuân Phú được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009 với quy mô 23 phòng học, hệ thống nhà ăn, khu bếp… Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh, trên địa bàn xây dựng nhiều khu chung cư, thành lập các khu đô thị mới nên số lượng con em có hộ khẩu ở phường tăng, nhu cầu học tập nhiều nên trường thiếu phòng học và các phòng chức năng.

Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích cho rằng, do thiếu phòng học và phòng chức năng, không đảm bảo cơ sở vật chất nên trước đây nhà trường chỉ tổ chức bán trú cho học sinh khối 1 và 4 lớp khối 2, trong khi nhu cầu cho con em học bán trú của các bậc phụ huynh trên địa bàn khá lớn.

Tháng 3/2020, UBND TP. Huế đầu tư xây dựng tòa nhà 3 tầng, gồm 12 phòng học mới và 1 nhà đa năng, kinh phí 13,8 tỷ đồng. Hiện, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nâng tổng số phòng học hiện có lên 35 phòng và nhà đa năng, hệ thống nhà ăn, khu bếp, sân chơi, bãi tập đảm bảo cơ sở hạ tầng để tổ chức học 2 buổi/ngày. Với cơ sở hạ tầng hiện có, năm học 2021- 2022, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức học bán trú cho 100% học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 với hơn 1.300 học sinh nếu phụ huynh có nhu cầu đăng ký.

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Huế Nguyễn Thuận, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, thời gian qua TP. Huế đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây mới các phòng học, nhà đa năng và bổ sung trang thiết bị dạy học. Năm học 2021- 2022, ngành GD&ĐT thành phố có 4 công trình trường học đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm Trường mầm non (MN) Thuận Hòa, Trường THCS Nguyễn Du, THCS Huỳnh Thúc Kháng và Trường TH Xuân Phú với quy mô 30 phòng học, 6 phòng chức năng, 2 nhà đa năng.

Ngoài ra, thành phố đã đầu tư kinh phí cải tạo, sửa chữa trường lớp cho 14 đơn vị với tổng kinh phí khoảng 4,7 tỷ đồng; bổ sung mua sắm trang thiết bị dạy học cho năm học mới hơn 10,7 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 về dự án trang thiết bị bàn ghế các trường học, phòng đã phối hợp, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục mua sắm bàn, ghế học sinh và thiết bị dạy học tối thiểu cho 10 đơn vị với tổng kinh phí 4,9 tỷ đồng, gồm 260 bộ bàn, ghế THCS, 546 bộ bàn, ghế TH và 4 thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời cho các trường MN.

Đối với các đơn vị trường học mới tiếp nhận từ 13 xã, phường mới, phòng đã chủ động rà soát về nhu cầu cải tạo, nâng cấp trường lớp học và mua sắm bổ sung trang thiết bị thiết yếu chuẩn bị cho năm học 2021- 2022, với tổng kinh phí khoảng 27 tỷ đồng. Hiện, phòng đã gửi Phòng Tài chính Kế hoạch thành phố rà soát để tham mưu lãnh đạo thành phố phê duyệt, triển khai đầu tư cho các đơn vị.

Trường THCS Nguyễn Du tập huấn sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên để dạy học online

Trường THCS Nguyễn Du tập huấn sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên để dạy học online

Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai và dịch COVID-19, song ngành GD&ĐT thành phố vẫn đạt được những kết quả nhất định. Khi thành phố mở rộng theo Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội từ ngày 1/7/2021, Phòng GD&ĐT thành phố quản lý 162 đơn vị trường học, so với 105 trường khi chưa mở rộng, trong đó có 67 trường MN, 57 trường TH và 38 trường THCS.

Hiện, TP. Huế có 66 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 62,9%; tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn mầm non là 96,7%, tiểu học 90,2% và THCS 96,2%. Nhìn chung, quy mô trường lớp, học sinh của thành phố được củng cố và phát triển; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh ngày càng tốt hơn; chất lượng giáo dục toàn diện được quan tâm. Trong đó, thành phố đã tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, phổ cập giáo dục – xóa mù chữ; công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được chú trọng. Đặc biệt, thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.

Tại buổi làm việc về công tác GD&ĐT với UBND TP. Huế vào đầu tháng 8/2021, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu ngành GĐ&ĐT thành phố cần nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia và chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn, đồng thời chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa các hạng mục trong nhà trường. Mặt khác, khi thành phố mở rộng với quy mô hiện nay, ngành GD&ĐT thành phố cần phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; nâng cao năng lực tự chủ đối với các cơ sở giáo dục với mục tiêu ngành GD&ĐT tiếp tục gắn liền với sự phát triển của đô thị Huế.

Theo ông Nguyễn Thuận, để nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn, năm học 2021- 2022, phòng tham mưu thành phố ban hành văn bản thu chi đầu năm học nhằm tránh trường hợp lạm thu, tăng cường các hoạt động chuyên môn; đồng thời triển khai tập huấn chương trình sách giáo khoa lớp 1, 2, 6; tập huấn sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên để thực hiện việc dạy online, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và nâng cao hiệu quả trong quản lý dạy và học. Hiện, phòng đã hoàn tất việc xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác phù hợp với thực tế của thành phố trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 và điều kiện của từng trường để thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/hoan-thien-ha-tang-s-n-sang-cho-nam-hoc-moi-a103878.html