Giáo dục Tin tức giáo dục Linh hoạt bố trí giáo viên dạy tích hợp liên môn

TTH - Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2021-2022, bậc THCS sẽ không còn học các môn lịch sử, địa lý, thay vào đó là môn tích hợp khoa học xã hội; các môn vật lý, hóa học, sinh học đơn lẻ sẽ được thay thế bằng môn tích hợp khoa học tự nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc các giáo viên vốn dạy đơn môn, nay sẽ phải chuyển sang dạy liên môn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới giúp học sinh hứng thú trong học tập. Ảnh: MC

Giáo viên lúng túng

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, dạy học tích hợp là một trong những giải pháp để phát triển năng lực của học sinh. Khi học tích hợp sẽ thiết lập các kiến thức một cách logic và giảm tải những kiến thức không cần thiết, tăng cường những kiến thức hữu ích, có khả năng áp dụng trong đời sống.

Tại hội nghị chọn sách giáo khoa lớp 3 và lớp 7 được Sở GD&ĐT tổ chức mới đây, nhiều giáo viên cho biết, họ vẫn chưa được trang bị kiến thức liên môn một cách đầy đủ.

Phần lớn giáo viên ở Thừa Thiên Huế chưa được đào tạo dạy tích hợp, nên trước mắt hiệu trưởng sẽ phân công giáo viên dạy các phân môn theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Hầu hết các trường không có điều kiện để một giáo viên đảm nhiệm dạy toàn bộ môn khoa học tự nhiên nên bố trí 2 - 3 giáo viên cùng đảm nhiệm. Do số lớp đông, khó có thể bố trí dạy liền mạch đối với môn tích hợp, mà phải dạy song song các phân môn.

Trong khi dạy tích hợp đòi hỏi giáo viên sẽ phải có kỹ năng tổ chức các hoạt động trong lớp học để đảm bảo tính linh hoạt, thực tiễn, có tính vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Nhiều giáo viên cũng gặp khó khăn khi mỗi tiết học hiện nay chỉ kéo dài 45 phút, quá ngắn để tổ chức 1 tiết học hay theo chương trình mới.

Khi phân chia dạy các mạch nội dung lý - hóa - sinh với thời lượng 2 tiết lý, 1 tiết hóa, 1 tiết sinh thì bất cập xảy ra. Các chủ đề môn học trong chương trình, sách giáo khoa được sắp xếp theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, trong khi việc dạy song song sẽ phá vỡ nội dung chương trình, phá bỏ nội dung sách giáo khoa. Khi một số trường thay đổi, quyết định sẽ "chạy" tuần tự chương trình theo sách giáo khoa thì phải đối mặt với khó khăn là có thời điểm giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên sẽ bị tăng số tiết dạy.

Dạy học theo từng phân môn tương đương

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chương trình môn lịch sử và địa lý bao gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và nội dung địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung lịch sử. Kế hoạch dạy môn học được xây dựng theo từng phân môn lịch sử và phân môn địa lý, các phân môn được bố trí dạy học, đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, đảm bảo tương đương về thời lượng trong từng học kỳ.

Còn chương trình môn khoa học tự nhiên gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất (hóa học), vật sống (sinh học), năng lượng và sự biến đổi (vật lý), trái đất và bầu trời (vật lý và sinh học).

Tại hội nghị về chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng và triển khai ưu tiên theo hướng lôgic của chương trình; trường hợp khó khăn không thể thực hiện được thì có thể dạy học đồng thời 2 chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm.

Về kiểm tra đánh giá, môn lịch sử và địa lý: bài kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm nội dung phân môn lịch sử và phân môn địa lý theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 2 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Đối với môn khoa học tự nhiên, các trường phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với chuyên môn được đào tạo của giáo viên; một số trường có giáo viên được đào tạo 2 môn (chủ yếu là giáo viên hóa - sinh) thì phân công dạy học 2 mạch nội dung tương ứng; giáo viên được đào tạo và bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thì đảm nhận cả môn khoa học tự nhiên 6. Đối với các trường phân công 2 - 3 giáo viên cùng dạy môn khoa học tự nhiên ở lớp 6, phải ưu tiên xếp thời khóa biểu đối với lớp 6 trước để bảo đảm môn khoa học tự nhiên được dạy theo đúng trình tự của chương trình.

Chương trình dạy học tích hợp đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 6 năm nay được xây dựng theo hướng mở, giúp giảm tải một lượng kiến thức trùng lặp ở từng môn đơn lẻ. Do đó, dạy học tích hợp sẽ có lợi cho học sinh, nhưng lại là thách thức không nhỏ đối với giáo viên. Vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, Sở GD và ĐT đang khẩn trương mở các lớp tập huấn trực tuyến để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu rõ, nắm bắt những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong dạy học tích hợp; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục khoa học, phù hợp, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục; phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày và tuần học.

Huế Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/linh-hoat-bo-tri-giao-vien-day-tich-hop-lien-mon-a111934.html