Giáo dục TP HCM đạt nhiều bước tiến vượt trội

Ngành giáo dục và đào tạo TP HCM đã rất nỗ lực trên nhiều phương diện, đạt được kết quả vượt trội, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn của thành phố đều được nâng lên

Ngày 16-8, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Năm học 2023 - 2024, TP HCM có 2.295 trường học từ mầm non đến THPT, gồm cả công lập và ngoài công lập, với hơn 50.000 phòng học các cấp, gần 1,7 triệu học sinh (HS).

Tiếp cận tri thức mới, phát huy sáng tạo

Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM nêu rõ số HS không có hộ khẩu thường trú tại thành phố là 347.962 (chiếm 20,67% tổng HS toàn thành phố), bình quân mỗi năm số HS tăng thêm ở các cấp học khoảng 25.000, áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn (nhất là cấp tiểu học).

Tuy nhiên, năm học 2023 - 2024, thành phố đã chủ động sắp xếp, bảo đảm 100% trẻ em trong độ tuổi đi học sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học; công tác tổ chức hoạt động tại các cơ sở giáo dục bảo đảm theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Là địa phương có quy mô GD-ĐT lớn thứ 2 trong cả nước, TP HCM cũng đối diện với nhiều khó khăn, hạn chế như quy hoạch và quản lý mạng lưới trường lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, tiến độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng nhu cầu về chỗ học tăng… hằng năm; sĩ số HS/lớp còn cao so với quy định, tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày chưa đạt chỉ tiêu. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu, chưa có định biên một số chức danh theo yêu cầu giáo dục toàn diện; một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ và tin học... Một số chính sách đối với GD-ĐT còn bất cập chưa phù hợp với đặc điểm, tình hình GD-ĐT của thành phố…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ trao bằng khen cho tập thể, cá nhân đạt thành tích

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ trao bằng khen cho tập thể, cá nhân đạt thành tích

Dù vậy, trong năm học 2023 - 2024, ngành GD-ĐT đã rất nỗ lực trên nhiều phương diện và đạt được kết quả vượt trội, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn của thành phố đều được nâng lên, nhất là việc phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới, khả năng sáng tạo, tự học của HS. Cụ thể, kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024 đoàn thành phố xếp thứ 2, vượt 10 bậc so với năm học 2022 - 2023, trong đó có 1 HS thủ khoa môn tiếng Anh; kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 99,68%, 8 năm liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; 2 HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Mỹ, kết quả đoạt giải nhì thuộc lĩnh vực phần mềm hệ thống và giải tư do Hiệp hội Tin học Mỹ trao tặng...

Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh thành phố

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết trong năm học 2023 - 2024, ngành GD-ĐT TP HCM đã đạt được những thành tích ấn tượng.

Chia sẻ những khó khăn với ngành GD-ĐT TP HCM, như sĩ số HS, giáo viên đông đứng thứ nhì cả nước; tỉ lệ giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn cao chủ yếu ngoài công lập, chiếm khoảng 60,7%; số biên chế được giao của TP HCM chưa sử dụng hết còn cao, hơn 6.000 người, đứng thứ 2 toàn quốc… nhưng ông Thưởng khẳng định chính sách giáo dục của TP HCM rất nhân văn, đó là không để ai bị bỏ lại phía sau. "TP HCM có cơ chế đặc biệt, tạo điều kiện cho HS chưa có hộ khẩu vẫn được đi học..." - ông Thưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết TP HCM có những mô hình, chương trình đề án ấn tượng, cụ thể Đề án 5695 về "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" đã thực hiện được 10 năm.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết trong kết luận của Bộ Chính trị ngày 12-8 về thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của HS, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình hành động thực hiện kết luận này. Tuy nhiên, TP HCM cần chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng kết luận để triển khai. Trong đó, có những vấn đề thành phố đã thực hiện như trường học số, nâng cao năng lực ngoại ngữ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. TP HCM đã đi trước 10 năm nay, có Đề án tiếng Anh 5695.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh năm học mới, giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM phải tổng kết đề án trên. Bộ GD-ĐT sẽ đề nghị Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT phối hợp, mời các tỉnh, thành tham gia. Mục đích học tập để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Những tiêu chí nào cần có, phải học bao nhiêu môn và thời lượng trong bao lâu. Hiện nay, đề án đang triển khai là học toán, khoa học bằng tiếng Anh, tiến tới sẽ mở rộng qua các môn khác. Muốn thực hiện phải có lộ trình và được xây dựng từng bước, từng trường. TP HCM là đầu tàu kinh tế của đất nước và phấn đấu không chỉ của đất nước mà là của khu vực, châu Á và thế giới. Do đó, trình độ tiếng Anh của HS phải ngang tầm khu vực và thế giới. "Làm sao trong thời gian ngắn nhất, TP HCM sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất và nhiều nhất toàn quốc. TP HCM đã có những nền tảng và điều kiện thuận lợi. Hiện chúng ta đã có căn cứ chính trị là kết luận của Bộ Chính trị, căn cứ trong thực tiễn là 10 năm thực hiện Đề án 5695" - ông Thưởng nhấn mạnh.

"Đặt hàng" nhiều nội dung

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - đã "đặt hàng" ngành GD-ĐT thành phố nhiều vấn đề quan trọng. Trong năm học 2024 - 2025, Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị ngành GD-ĐT thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2024 - 2030" năm 2024. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS; thực hiện hiệu quả việc xây dựng "Trường học hạnh phúc".

Triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện "Chiến lược phát triển giáo dục TP HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", xây dựng TP HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. Tiếp tục thực hiện theo lộ trình, bảo đảm hoàn thành các chương trình, đề án đột phá của thành phố về giáo dục; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS; chương trình "Dạy và học toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam"...

Thí điểm sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và thành phố, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết ngành GD-ĐT thành phố nhận nhiệm vụ Bộ GD-ĐT giao, sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết một số đề án, chương trình mang lại hiệu quả tích cực, từ đó nhân rộng, hỗ trợ các tỉnh, thành, địa phương. Ông Hiếu nói thêm ngoài Đề án 5695, từ năm 2012, TP HCM đã triển khai đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp TP HCM, đến nay vẫn kiên trì thực hiện. Điều này phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị ngày 12-8 vừa qua, trong đó yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học...

Theo ông Hiếu, TP HCM sẽ nghiên cứu các tiêu chí để chọn một số trường để thí điểm sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường.

Bài và ảnh: Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-tp-hcm-dat-nhieu-buoc-tien-vuot-troi-196240816200341992.htm