Giáo dục trực tuyến Việt Nam: Mảnh đất vàng trong mắt nhà đầu tư mạo hiểm
Giống như nhiều nước khác trong khu vực, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực học online. Đây là thị trường vô cùng hấp dẫn cho các startup giáo dục trực tuyến.
Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dzung) là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp. Anh từng gắn bó 13 năm với CyberAgent Capital ở cương vị Giám đốc Quỹ đầu tư tại Việt Nam và Thái Lan.
Sau khi rời CyberAgent Capital để tự mình sáng lập nên quỹ đầu tư Do Ventures, mới đây, anh đã có buổi trò chuyện với PV VietNamNet để chia sẻ những suy nghĩ của mình về thị trường giáo dục trực tuyến.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển giáo dục trực tuyến
Việt Nam là một trong những quốc gia quan tâm nhiều đến giáo dục. Tổng chi tiêu cho giáo dục Việt Nam năm 2018 ở mức 20 tỷ USD. Với doanh thu khoảng 200 triệu USD, lĩnh vực giáo dục trực tuyến hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu toàn thị trường.
Trong năm 2019, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường giáo dục trực tuyến phát triển nhanh nhất toàn cầu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 44.3%. Theo Ken Research, thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ khoảng 20.2% trong giai đoạn 2019-2023.
Thực tế cho thấy trong thời kỳ bùng phát của dịch bệnh Covid-19, xu thế chuyển đổi số đang được thúc đẩy nhanh hơn bởi nhiều trường học phải đóng cửa do giãn cách xã hội.
Chia sẻ về tiềm năng của giáo dục trực tuyến Việt Nam, Shark Dzung cho rằng, thị trường EdTech (công nghệ giáo dục) Việt Nam đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua.
Theo một báo cáo mới dây của Do Ventures, EdTech đang là lĩnh vực được đầu tư nhiều thứ 3 tại Việt Nam trong 8 năm qua ở mảng công nghệ. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực EdTech tại Việt Nam là 103 triệu USD, chỉ xếp sau lĩnh vực thanh toán (462 triệu USD) và bán lẻ (416 triệu USD). Tuy vậy, lĩnh vực EdTech và chuyển đổi số giáo dục nói chung tại nước ta vẫn chỉ đang ở thời điểm mới bắt đầu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, tiềm năng phát triển của EdTech Việt Nam bắt nguồn từ quỹ đạo phát triển chung của thị trường Châu Á và Đông Nam Á.
Bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, Đông Nam Á là khu vực có điều kiện thuận lợi cho EdTech phát triển bởi quy mô dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, mức lương cạnh tranh, mật độ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao và độ phủ của Internet tốt.
Rào cản nào ảnh hưởng tới chuyển đổi số giáo dục Việt Nam?
Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, mỗi thị trường giáo dục sẽ có một đặc trưng riêng, chủ yếu do thói quen hành vi của người dùng.
Ở một số quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam, kết quả học tập được xem là một lợi thế cạnh tranh để xây dựng sự nghiệp. Yếu tố trên khiến quy mô thị trường giáo dục tại các nước Châu Á trở nên rất lớn.
Riêng đối với mảng giáo dục trực tuyến, vẫn còn khá nhiều rào cản khi triển khai tại các quốc gia Châu Á. Học sinh Châu Á đôi khi thiếu sự kiên trì nếu đặt vào trong hoàn cảnh phải tự học. Họ quen với môi trường trường lớp và đôi khi cần phải có người thúc đẩy như cha mẹ, thầy cô, bạn bè thì việc học mới trở nên hiệu quả.
Tại khu vực Châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc hiện là những thị trường bùng nổ nhất về việc học trực tuyến. Với một quốc gia phát triển khác là Nhật Bản, thị trường học trực tuyến tại đây có vẻ kém bùng nổ hơn.
Vẫn còn nhiều lý do để việc giáo dục online vẫn chưa thể đột phá tại Việt Nam. Tuy vậy, nếu nhìn kỹ vào bối cảnh khu vực, ngay cả trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19, giáo dục online cũng mới chỉ phát triển mạnh ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc với các tên tuổi lớn như ST Unitas, SmartStudy, VIPKid,...
Tuy Việt Nam đi sau các quốc gia này, thế nhưng việc chuyển sang môi trường học online là một xu thế không thể thay đổi. Đại dịch Covid-19 chính là một cơ hội để mảng thị trường EdTech trở nên bùng nổ tại Việt Nam.
Với xu thế chuyển đổi số trong mảng giáo dục cùng thói quen sử dụng công nghệ của giới trẻ, thị trường học trực tuyến sẽ trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn trong thời gian tới.
Online kết hợp Offline: Mô hình mới để thúc đẩy giáo dục trực tuyến
Trao đổi với Pv. VietNamNet, Shark Dzung cho rằng, để việc học online hiệu quả hơn, chúng ta nên triển khai các giải pháp đồng bộ, mượt mà. Trong đó, phải tạo được sự liên kết giữa mô hình học online và offline để kết hợp được những ưu điểm của cả 2 loại hình đó.
Manabie - startup giáo dục online của Nhật do Do Ventures đầu tư mới đây là một mô hình như vậy. Đây là mô hình giúp đảm bảo rằng, học viên có thể vừa học mọi lúc mọi nơi từ xa, nhưng cũng vừa có thể tương tác offline với các cố vấn học tập cá nhân và những người cùng học với nhau thông qua các cơ sở giáo dục, ông chia sẻ.
Bên cạnh việc cung cấp các khóa học online, Manabie còn có sự hiện diện của kênh offline với tổng cộng 5 cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này sẽ giải quyết được bài toán người học hay bị nản chí khi học thông qua hình thức video thông thường.
Tuy vậy, theo ông Dũng, trong mô hình này, việc học online vẫn phải là trọng tâm. Các trung tâm offline sẽ đóng vai trò hỗ trợ tương tác tốt hơn cũng như tăng độ phủ, sức hiện diện của thương hiệu.
Ở một góc nhìn rộng hơn, dù học online hay offline, chất lượng và hiệu quả học tập vẫn là yếu tố chính giúp một doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là EdTech phát triển.
Nếu các công ty EdTech đảm bảo được chương trình giáo dục của mình đang đi đúng xu thế, hệ thống hoạt động hiệu quả, đây sẽ là một lợi thế giúp trả lời câu hỏi công ty đó liệu có khả năng cạnh tranh và phát triển trong thị trường EdTech hay không.
Kinh nghiệm đầu tư vào các mô hình EdTech của Do Ventures cho thấy, việc giúp người học làm quen với môi trường online không khó. Quan trọng là kinh nghiệm trong việc triển khai sản phẩm của founder (người sáng lập) và duy trì được chât lượng giáo dục trong lâu dài.
Ở vị trí dẫn đầu một doanh nghiệp EdTech, vai trò của nhà sáng lập là phải làm sao để người học có thể theo được hết chương trình học trên sản phẩm của mình. Đó là mấu chốt để một startup giáo dục có thể thành công tại Việt Nam và rộng hơn là trên toàn cầu.