Giáo dục truyền thống cách mạng cho sinh viên qua địa chỉ đỏ
Có sinh viên chưa từng đến, có sinh viên đã đến nhiều lần song điểm chung của họ khi tham gia Hành trình Theo bước chân những người anh hùng - tham quan, tìm hiểu tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Di tích lịch sử Dinh Độc Lập và Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) là cảm xúc tự hào.

Sinh viên tham quan, tìm hiểu địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) trong kháng chiến. Ảnh: N.Sơn
Với chị Phạm Thị Thu Thảo, sinh viên năm 3, Khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, đây có lẽ là hành trình đầy ý nghĩa và đáng nhớ nhất mà chị có được trong quãng đời sinh viên.
Bài học lịch sử sống động
Trong số các điểm đến, chị Thảo ấn tượng với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi - nơi được lính Mỹ gọi là “vùng đất chết” trong chiến tranh. Tại đây, ngoài tham quan khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi giai đoạn 1961-1972, chị còn được xem sa bàn, phim 3D về trận đánh chống lại cuộc hành quân Cedar Falls vào vùng tam giác sắt. Với hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng… sống động đã giúp chị hình dung được một phần lịch sử của vùng tam giác sắt.
Đặc biệt, qua tìm hiểu về hệ thống địa đạo dài khoảng 250km đường hầm được bố trí đan xen như mạng nhện trong lòng đất, chị lại càng khâm phục sức sống mãnh liệt, sự bất khuất, kiên cường, bền bỉ… của quân và dân vùng đất thép. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân và dân Củ Chi đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
Sau Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, đoàn sinh viên đã đến với Di tích lịch sử Dinh Độc Lập.
Sau Hành trình Theo bước chân những người anh hùng, Hội Sinh viên tỉnh còn tổ chức cuộc thi trực tuyến chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2025).
Chị Phan Lê Thị Hoàng Nhung, sinh viên năm nhất, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, cho biết khi nhắc đến Dinh Độc Lập, trước nay chị chỉ nhớ sự kiện 30-4-1975, ngày mà 2 chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh thự, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước kéo dài hàng thập kỷ của dân tộc ta. Khi đến tham quan, được nghe giới thiệu, chị biết thêm đây từng là nơi vận hành của bộ máy chính quyền Sài Gòn trước năm 1975; đồng thời, biết thêm về quá trình hình thành, các hạng mục tại Dinh Độc Lập…
Hành trình Theo bước chân những người anh hùng càng ý nghĩa hơn khi đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh trong những ngày cả nước hướng đến kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chị Trần Thị Thanh Thảo, sinh viên năm 3, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, chia sẻ qua những lời thuyết minh, hình ảnh, hiện vật trưng bày ở bảo tàng đã nhắc nhở chị về cuộc đời, về những cống hiến to lớn của Bác đối với dân tộc Việt Nam.
Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng
Phó chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Nguyễn Thành Đăng Khoa cho rằng, việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay đang là vấn đề cấp thiết nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc trong thời đại hội nhập. Do vậy, nhiều năm nay, Tỉnh đoàn và Hội Sinh viên tỉnh luôn chú trọng đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho hội viên, sinh viên.
Trong đó, tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên các cấp đã đẩy mạnh triển khai cuộc vận động Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp; tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt trên các trang mạng xã hội của Đoàn, Hội. Tổ chức cho đoàn viên, hội viên, sinh viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị nhân các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của Đảng, của Đoàn và Hội…
Hành trình Theo bước chân những người anh hùng là hoạt động được Hội Sinh viên tỉnh tổ chức hàng năm nhằm giúp hội viên, sinh viên có thêm kiến thức về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các thế hệ cha ông đi trước. Đồng thời, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, định hướng tư tưởng, khơi dậy khát vọng cống hiến trong hội viên, sinh viên.
Chị Phạm Thị Thu Thảo chia sẻ, chị đang học Khoa Ngoại ngữ và có nguyện vọng sau này sẽ trở thành cô giáo. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chị luôn cảm thấy nguyện vọng này khó trở thành hiện thực. Thế nhưng, sau Hành trình Theo bước chân những người anh hùng, cụ thể là được xem những thước phim về lịch sử tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, chị đã có suy nghĩ khác.
“Thế hệ cha ông đi trước phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, mất tự do nhưng đã làm nên những việc phi thường. Thế hệ trẻ hôm nay được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, đây là nền tảng, là bệ phóng để mỗi người trẻ vươn mình, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Bản thân tôi cũng sẽ nỗ lực để thực hiện những dự định mà mình đang ấp ủ” - chị Thảo nói.
Hòa bình, tự do không dễ gì có được, nó được đánh đổi bằng máu xương, sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Vì vậy, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay là phải trân trọng và giữ gìn.
Chị Phan Lê Thị Hoàng Nhung, sinh viên năm nhất, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, bật mí: “Sau Hành trình Theo bước chân những người anh hùng, tôi sẽ sử dụng trang mạng xã hội của mình để lan tỏa những hình ảnh, video clip mà bản thân quay được trong suốt hành trình để lan tỏa đến bạn bè, người thân”.