Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Đẩy mạnh giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho học sinh ở những khu di tích lịch sử, để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử của quê hương mình, đó là những hoạt động đang được các nhà trường trên địa bàn huyện Yên Châu thực hiện.

Các nữ dân quân Yên Châu kể lại chiến công năm xưa tại Di tích lịch sử cầu Tà Vài, xã Chiềng Hặc.

Các nữ dân quân Yên Châu kể lại chiến công năm xưa tại Di tích lịch sử cầu Tà Vài, xã Chiềng Hặc.

Hiện nay, huyện Yên Châu có 6 di tích lịch sử được công nhận; trong đó, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, được công nhận cấp quốc gia và 5 di tích lịch sử cấp tỉnh (Di tích Cầu sắt Yên Châu, Tượng đài chiến thắng Chiềng Đông, Di tích Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu, Di tích cầu Tà Vài, Di tích nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Yên Châu). Hằng năm, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, cho học sinh tham quan các di tích lịch sử, tạo hứng thú học tập và để học sinh hiểu rõ giá trị lịch sử, cũng như truyền thống của quê hương.

Năm 2012, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia và đến năm 2022, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Vinh dự, tự hào, những năm qua, huyện Yên Châu đặc biệt quan tâm việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong việc giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Phiêng Khoài, cho biết: Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào là hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tế, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh, dâng hương tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, kết nạp đoàn viên tại Di tích... Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn.

Em Giàng Thị Di, học sinh Trường THCS Phiêng Khoài, chia sẻ: Tự hào là nơi có Di tích lịch sử cấp quốc gia, chúng em càng hiểu hơn mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, chúng em nhận thấy trách nhiệm của mình là luôn phải trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị của Di tích.

Cách thị trấn Yên Châu hơn 10 km, nằm trên quốc lộ 6 là Di tích lịch sử cầu Tà Vài. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nơi đây phải hứng chịu hơn 1.200 quả bom của máy bay Mỹ nhằm cắt đứt huyết mạch quốc lộ 6, nhưng cây cầu vẫn đứng vững, đảm bảo giao thông thông suốt. Năm 2004, cầu Tà Vài được được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tham quan, tìm hiểu Di tích lịch sử cầu Tà Vài.

Thầy giáo Trần Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng Hặc cho biết: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học giáo dục địa phương được đưa vào giảng dạy tại các trường học. Nhà trường đã chọn Di tích lịch sử cầu Tà Vài, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho học sinh. Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn, bằng việc các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên.

Em Lò Thị Mai, học sinh lớp 7, Trường THCS Chiềng Hặc, chia sẻ: Được nhà trường cho tham quan Di tích; đặc biệt là được trực tiếp gặp gỡ với các bà là các nữ dân quân đã bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa, chúng em rất tự hào về những chiến công của các bà và thế hệ cha ông, góp phần giành độc lập cho dân tộc. Chúng em sẽ cố gắng học tập, gìn giữ những di tích lịch sử địa phương.

Mỗi di tích lịch sử trên địa bàn huyện Yên Châu đều in đậm dấu ấn về chặng đường cách mạng hào hùng của dân tộc. Việc tổ chức giáo dục truyền thống ở các di tích đã góp phần gìn giữ, bảo vệ, giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ về trách nhiệm của mình, từ đó, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/giao-duc-truyen-thong-cach-mang-cho-the-he-tre-lxzs1cPSR.html